Ngành kinh tế xanh Kon Tum liên kết để “phá băng”

0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều năm xây dựng hình ảnh bằng các hoạt động cùng những giá trị văn hóa đặc sắc, ngành du lịch Kon Tum đang liên kết với các địa phương trong nước và quốc tế để bứt phá mạnh mẽ.
Thác Pa Sỹ, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, Kon Tum. Thác Pa Sỹ, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, Kon Tum.

Bắt kịp xu hướng

Thời gian gần đây, việc tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với du lịch đã góp phần giúp ngành “công nghiệp không khói” của nhiều địa phương quảng bá, cũng như thu hút du khách hiệu quả. Và tỉnh Kon Tum đã bắt kịp xu hướng đó.

Từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021, nhiều hoạt động văn hóa tại tỉnh như Tuần Văn hóa - Du lịch Kon Tum lần thứ V; Ngày hội Văn hóa, thể thao du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần I/2021… phải tạm dừng trong tiếc nuối.

Tuy nhiên, ngay khi toàn bộ ngành du lịch được mở cửa, Kom Tum đã bắt nhịp trở lại rất nhanh. Từ ngày 16 đến 19/3, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, với các hoạt động chính như Hội thi Trai tài - Gái đảm, biểu diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ và dã ngoại trải nghiệm…, đem lại luồng sinh khí mới, khởi đầu cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.

Tiếp nối thành công đó, ngày 24/4, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”, hoạt động mang tầm quốc gia, có sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế.

Hàng loạt hoạt động nổi bật tại Diễn đàn có vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một Kon Tum giàu tiềm năng, đa sắc màu văn hóa; về các cơ hội thương mại, đầu tư tại Kon Tum; về người Kon Tum thân thiện, hiếu khách...

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Kon Tum có đầy đủ yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc dân tộc, hiền hòa, qua đó kiến tạo nên các sản phẩm du lịch. Kon Tum không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý, mà còn có nhiều di tích, di sản văn hóa có giá trị lớn.

Do đó, Bộ trưởng hy vọng, các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn sẽ kết nối nhu cầu với điểm đến địa phương, để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của Kon Tum.

“Khi nhu cầu cao, lượng khách đến đông thì du lịch Kon Tum sẽ phát triển. Kỳ vọng sau Diễn đàn, du lịch Kon Tum nói riêng, du lịch Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ nói chung sẽ khởi sắc, bắt kịp đà phát triển du lịch của cả nước”, Bộ trưởng Hùng kỳ vọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn thông tin, trong tiến trình phát triển và hội nhập, tỉnh Kon Tum xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển, trong đó du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

“Xác định được lợi thế và tiềm năng du lịch của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt việc đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Kon Tum”, ông Tuấn chia sẻ.

Liên kết cùng phát triển

Sau một thời gian dài bị “đóng băng” bởi Covid-19, giờ đây, du lịch Kon Tum đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn cho các điểm đến. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Kon Tum cùng các địa phương trong tỉnh đã tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các tỉnh có tiềm năng du lịch mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Phú Yên… xây dựng thành chuỗi kết nối du lịch với các điểm đến hấp dẫn du khách.

Ông Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kon Tum) cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch liên kết vùng với chủ đề “Từ biển lên rừng - Một hành trình 5 điểm đến”. Đây là sản phẩm du lịch mới ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhằm tạo thêm trải nghiệm mới cho du khách trong điều kiện “bình thường mới”. Tham gia tour du lịch này, du khách sẽ có nhiều cơ hội khám phá cảnh đẹp thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ, các điểm di tích lịch sử, đồng thời, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của đồng bào dân tộc, thưởng thức nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên…

Đặc biệt, nằm trong Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”, Kon Tum đã liên kết tổ chức 3 chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch cho 300 doanh nghiệp lữ hành của các khu vực trên cả nước và phóng viên báo chí, giới thiệu các khu vực tiềm năng để tìm hiểu cơ hội đầu tư về du lịch trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Bà Lê Thị Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Kon Tum cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục kết hợp giữa truyền thông quảng bá du lịch trực tiếp và trực tuyến để tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong việc đưa hình ảnh du lịch Kon Tum ra tầm khu vực và thế giới nhằm thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; kết nối các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo nét độc đáo, riêng có trong sản phẩm du lịch Kon Tum. Đặc biệt, Kon Tum sẽ tăng cường và mở rộng việc quảng bá điểm đến trong các hệ sinh thái du lịch của các doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vietnam Airlines… để thu hút du khách đến với địa phương.

Hồng Hạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục