Đó là các luật sửa đổi, bổ sung có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp (DN) và được xem như là một trong các giải pháp hỗ trợ DN, kích thích nền kinh tế mà Chính phủ đề xuất. Trong đó, nhiều quy định có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Luật Thuế GTGT: Mức tối thiểu hoàn thuế là 300 triệu đồng
Cùng với sự phát triển kinh tế, biến động của chỉ số giá, mức tiền thuế tối thiểu đầu vào để được hoàn thuế là 200 triệu đồng không còn phù hợp. Tuy nhiên, mức 500 triệu đồng như trong dự thảo sẽ gây khó khăn cho DN do chậm được hoàn thuế. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2014, quy định ngưỡng hoàn thuế là 300 triệu đồng.
Về thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, nhà ở xã hội, thuế suất là 5%, áp dụng từ 1/7/2013. Với nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thuế suất là 10%, nhưng được giảm 50% từ 1/7/2013 đến 30/6/2014. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tồn kho hơn 10.000 căn hộ loại này, việc giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đang có nhu cầu về chỗ ở, đồng thời sẽ góp phần giảm lượng căn hộ tồn kho, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.
Mặt hàng quặng để sản xuất phân bón được giữ nguyên mức thuế suất hiện hành 5% nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, bổ sung phụ tùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học vào diện không chịu thuế.
Một số nội dung khác như ngưỡng đăng ký nộp thuế 1 tỷ đồng, dịch vụ cấp nước sạch không được miễn thuế và phải chịu thuế 5%, 25 nhóm hàng hóa không thuộc diện chịu thuế… được giữ nguyên như dự thảo.
Luật Thuế TNDN: giảm thuế, nâng trần quảng cáo
Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), kể từ 1/1/2014, thuế suất phổ thông là 22% và từ 1/1/2016 là 20%. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, việc áp dụng hai mức thuế suất phổ thông này sẽ khiến năm 2014 giảm thu ngân sách khoảng 22.200 tỷ đồng, năm 2016 giảm thêm 21.190 - 21.580 tỷ đồng. Nếu giảm mạnh thuế suất thuế TNDN như ý kiến của một số đại biểu sẽ tác động lớn đến cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, so với mặt bằng thuế suất của các nước trong khu vực và trên thế giới, mức thuế suất phổ thông 22% trong giai đoạn 2014 - 2015 và thuế suất 20% từ năm 2016 của Việt Nam là phù hợp, bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Về chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, nhiều đại biểu cho rằng, nên bỏ mức khống chế trần quảng cáo hiện hành là 10% trên tổng chi phí, một số ý kiến khác đề nghị mức 15% tính trên tổng doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí như dự thảo. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung quy định mức khống chế trần quảng cáo là 15% trên tổng chi phí.
Quy định về khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) đã được loại ra khỏi Luật sửa đổi, bổ sung. Trước đó, dự thảo quy định, chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, đối với tổ chức tín dụng (TCTD) là 12 lần thuộc diện chi phí không được trừ khi tính thuế. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bổ sung quy định về vốn mỏng hiện nay chưa thực sự phù hợp với mục tiêu sửa đổi chính sách là phải hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN. Ngoài ra, việc cho vay vốn và thu hồi vốn vay thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các TCTD. Trong quá trình thẩm định, các TCTD đã căn cứ vào hệ thống tiêu chí cụ thể như tài sản bảo đảm, tính khả thi, hiệu quả của dự án... để quyết định việc cho DN vay vốn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, riêng quy định về thuế suất 10% đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được thực hiện từ ngày 1/7/2013.
Luật Doanh nghiệp: DN FDI không đăng ký lại sẽ phải giải thể
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật DN, DN FDI thành lập trước ngày 1/7/2006 được lựa chọn một trong hai cách: đăng ký lại để tiếp tục hoạt động theo Luật DN hoặc không đăng ký lại. Đối với DN FDI đã hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư, nhưng chưa thực hiện giải thể DN và thực tế vẫn đang hoạt động, thì được đăng ký lại. Hạn cuối đăng ký lại là ngày 1/2/2014. Việc đăng ký lại có hiệu lực kể từ ngày hết hạn hoạt động ghi trên giấy phép đầu tư nhằm công nhận tư cách pháp nhân để bảo đảm các giao dịch hợp pháp mà DN đã thực hiện. Nếu hết thời hạn nói trên, DN không thực hiện đăng ký lại thì phải giải thể, chấm dứt hoạt động.
Dỡ trần chi phí quảng cáo: Đường còn dài và xa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp đã không dỡ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại như kỳ vọng của các DN, mà nâng mức trần từ 10% lên 15%. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, trần chi phí quảng cáo là quy định có lịch sử hơn 10 năm nay, suốt thời gian đó, đặc biệt là thời gian gần đây, cộng đồng DN, các hiệp hội ngành hàng liên tục có kiến nghị cần dỡ bỏ. “Đây là quy định mà thời gian đầu có thể là thích hợp, nhưng với bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đã hội nhập, thị trường có nhiều sự thay đổi thì không có lý do gì tiếp tục duy trì một quy định đã tồn tại hơn 10 năm”, bà Loan nói. Thực tế, các nghiên cứu, điều tra trong và ngoài nước chỉ ra sự bất hợp lý, hạn chế tính chủ động trong đầu tư, hạn chế xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chỉ ra rằng, trên thế giới, ngoài Việt Nam chỉ còn 2 nước giữ quy định này là Trung Quốc và một quốc gia khác. Theo bà Loan, các quy định của Trung Quốc đã “mềm” hơn, linh hoạt hơn khi quy định 15% trên tổng doanh thu, chứ không phải tổng chi phí. Ngoài ra, một số ngành hàng tiêu dùng, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm được áp dụng mức 30% và nếu không sử dụng hết được kết chuyển sang năm sau. Bà Loan cho rằng, quy định hiện tại đang làm khó DN, đặc biệt là DN bán lẻ khi phải thực hiện các chính sách khuyến mại, giảm giá hàng ngày hàng tuần. Về quan ngại chuyển giá, lợi dụng quy định để tăng chi phí, theo bà Loan, chúng ta không cần quá quan ngại bởi đã có bộ máy và công cụ pháp lý để xử lý. Về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhìn nhận, mức giảm thuế chưa đáp ứng mong mỏi của DN. DN muốn thuế giảm sâu hơn, nhưng sâu đến đâu thì còn phải tính toán hài hòa lợi ích của DN và Nhà nước. “Cần có sự chia sẻ giữa DN và Chính phủ. Với thuế suất hiện nay, năm 2014, ngân sách giảm thu hơn 22.000 tỷ đồng. Đây là sự chia sẻ của Chính phủ, vì ngân sách đã để lại khoản này cho DN và DN sẽ không phải đi vay 22.000 tỷ đồng từ ngân hàng để phục vụ sản xuất - kinh doanh”, Bà Cúc nói. |