Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Từ đầu năm 2009 đến nay, DN Việt Nam đã lấy được vị thế của mình tại thị trường này, thể hiện ở chỗ trong khi xuất khẩu sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ sang hầu hết các thị trường giảm thì xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản lại có xu hướng tăng khá bền vững. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ được duy trì trong những tháng cuối năm.
Khó khăn nhất hiện nay chính là thị trường EU. Từ đầu năm 2009 đến nay, tình hình kinh tế của EU khủng hoảng khiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của thị trường này sụt giảm mạnh. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường EU 7 tháng đầu năm 2009 của Việt Nam giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 242 triệu USD
Điểm qua các thị trường như vậy để thấy, tính đến nay, trong các thị trường xuất khẩu lớn, sụt giảm xuất khẩu chỉ còn diễn ra tại thị trường EU. Phần lớn sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường EU là gỗ ngoài trời. Mùa xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, do vậy tới đây sẽ là thời điểm DN Việt Nam cần cố gắng tận dụng cơ hội. Hơn nữa, việc thay đổi xu hướng tiêu dùng của các thị trường, từ đồ nội thất cao cấp sang đồ nội thất hạng trung là một cơ hội đối với xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam. Với phân tích ở trên, Bộ Công Thương cho rằng, khả năng xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2009 sẽ khả quan hơn. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2009 đạt 2,66 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2008.
Khó khăn lớn nhất mà DN xuất khẩu sản phẩm gỗ phải đối mặt sắp tới trong lĩnh vực xuất khẩu là Đạo luật Nông nghiệp 2008 và Lacey của Mỹ cũng như Hiệp định Đối tác tự nguyện của EU (có hiệu lực từ năm 2009), thắt chặt việc quản lý nguồn gốc sản phẩm gỗ. Đối với gỗ, sản phẩm gỗ và các sản phẩm có liên quan đến “thực vật”, Đạo luật Nông nghiệp 2008 đặt ra các quy định ngăn ngừa hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp. Cụ thể, Đạo luật quy định, trong thương mại giữa các bang và với nước ngoài, cấm mọi hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển, mua bán bất kỳ thực vật nào được đốn hạ, thu hoạch, sở hữu, vận chuyển, hoặc mua bán trái với bất kỳ luật hoặc quy định của bất kỳ bang nào hoặc bất kỳ luật pháp nước ngoài nào về bảo vệ, quản lý thực vật hoặc về các loại thuế và phí liên quan đến việc khai thác thực vật.
Tuy chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng, phạm vi điều chỉnh sẽ rất rộng, có thể bao gồm đồ nội thất (bằng gỗ, bìa…), đồ làm bếp có cán bằng gỗ, hàng may mặc với khuy gỗ, giấy và bìa, tăm và nhiều sản phẩm khác. Điều khoản quy định này yêu cầu DN xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu xuất khẩu cũng như trị giá xuất khẩu, giấy tờ khác có liên quan đến sản phẩm của các DN cung cấp cho nhà nhập khẩu. Để đáp ứng được yêu cầu này, DN cần lưu giữ đầy đủ, chi tiết và khoa học các hồ sơ liên quan đến sản phẩm xuất khẩu (nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tên khoa học của nguồn nguyên liệu là thực vật, giá trị hàng nhập khẩu…). Các nhà xuất khẩu sẽ phải bỏ chi phí theo dõi, lưu giữ hồ sơ về những thông tin này một cách thường xuyên. Ngoài ra, DN cũng cần lưu ý các yêu cầu khai báo hàng hóa xuất khẩu của Hải quan Mỹ, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu cấu thành sản phẩm. Với DN Việt Nam, quy định và chế tài về đốn hạ, thu hoạch gỗ và sản phẩm gỗ cũng như các thực vật khác chứa trong sản phẩm xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm.
Trong khi các thị trường bên ngoài còn khó khăn, nhiều DN xuất khẩu đang định hướng khai thác thị trường nội địa. Mới đây, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) đã khai trương cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm nội - ngoại thất, tọa lạc tại mặt tiền số 37/260D, đường Quang Trung, Quận Gò Vấp, TP. HCM. Đây là cửa hàng thứ 2 tại TP. HCM được TTF đưa vào hoạt động theo kế hoạch phát triển thị trường nội địa của mình. Dự kiến, trong thời gian tới TTF sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm 10 cửa hàng, siêu thị đồ gỗ tại các thị trường lớn. Xuất phát từ thực tế, nhiều DN gỗ đã quay lại thị trường trong nước, nhưng vẫn bán lẻ theo kiểu bán sỉ, chọn phân khúc mua hàng khối lượng lớn là văn phòng công ty, cơ quan nhà nước, khách sạn, khu du lịch, chưa quan tâm đến phân khúc bán lẻ cho quy mô nhỏ ở hộ gia đình. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM còn dự tính lập một công ty cổ phần chuyên phân phối đồ gỗ trong nước.