Ngành gỗ đối mặt khó khăn

Dù lãi suất cho vay hiện nay được các ngân hàng thương mại giảm mạnh nhưng theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ, động thái này chỉ giúp tháo gỡ một phần khó khăn mà họ đang gặp phải, bởi bên cạnh đó còn quá nhiều vấn đề khiến các doanh nghiệp ngành này cảm thấy "đuối sức".
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ thời gian tới sẽ không có nhiều thuận lợi. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ thời gian tới sẽ không có nhiều thuận lợi.

Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2008 của ngành gỗ ước đạt 2 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và đã đạt 67% kế hoạch năm. Tuy nhiên, Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, với tốc độ tăng 9 tháng đầu năm và mức kim ngạch xuất khẩu bình quân 9 tháng qua thì mặt hàng gỗ khó có thể hoàn thành kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD trong năm nay. Bởi thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, do khủng hoảng tài chính nên dự kiến sức mua tại các thị trường này giảm mạnh, mức tăng trưởng xuất khẩu đạt thấp. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ 3 tháng cuối năm đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 200 triệu USD so với kế hoạch đặt ra. Cả năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 2,8 tỷ USD, chỉ tăng 16% so với năm 2007.

Kế hoạch của Bộ Công thương năm 2009 xuất khẩu sản phẩm gỗ phấn đấu đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Vụ Xuất nhập khẩu, năm 2009 cũng là năm mà ngành hàng sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính do phụ thuộc nhiều vào sức mua và hoạt động mua - bán bất động sản. Trong khi đó, dự báo những tháng tới hoạt động mua - bán nhà đất cũng sẽ không sôi động, kéo theo nhu cầu đồ gỗ, đồ gỗ gia dụng giảm mạnh.

Bộ Công thương đánh giá, dù thực tế đang có nhiều khó khăn, song đây là mặt hàng có thị trường lớn, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu, nếu khắc phục được được những hạn chế cơ bản là nguồn nguyên liệu nhập khẩu và khả năng đáp ứng được những đơn hàng lớn thì mặt hàng gỗ sẽ còn gia tăng quy mô xuất khẩu trong thời gian tới. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Nhật Bản, EU (Pháp, Đức) và Mỹ.

Nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, chưa kể đến những chi phí đội lên cho ngành gỗ như tình trạng tắc đường, tắc cảng… thì đợt vừa rồi chi phí vốn quá cao khiến nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không dám nhập nguyên liệu. Theo ông Quyền, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ thời gian tới sẽ không có nhiều thuận lợi. Dự kiến, có khoảng 20% doanh nghiệp gỗ có khả năng phá sản, 50% doanh nghiệp trong ngành có khả năng trụ được và 30% gặp khó khăn.

Ông Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc CTCP Saigon Việt Nam (đồ gỗ thương hiệu SaviCorp) cũng nhận định, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ từ giờ đến sang năm sẽ khó khăn hơn, vì thế mạnh xuất khẩu bị chững lại do kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng.

Theo ông Hạnh, thời gian vừa qua có doanh nghiệp gỗ đầu tư vào sản xuất, nhưng cũng nhiều doanh nghiệp  buôn gỗ xuất sang thị trường Trung Quốc, vì thị trường này đang sốt giá. Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều đơn vị đã lỗ nặng do sản phẩm gỗ tại thị trường này bỗng nhiên rớt giá mạnh và rất khó bán.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đồ gỗ, không chỉ khó khăn ở thị trường xuất khẩu, mà ngay cả tại thị trường nội địa hiện cũng bán khá cầm chừng, thậm chí ế ẩm. Hội chợ ngành gỗ vừa được tổ chức tại TP. HCM phần nào phản ánh được tình trạng này, bởi mọi năm tại hội chợ doanh nghiệp bán được khá nhiều hàng cũng như ký được một số hợp đồng với khách hàng, nhưng năm nay gần như không có khách.

"Xuất khẩu khó khăn, bán tại nội địa cũng không được, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ hiện rơi vào tình trạng kinh doanh cầm chừng. Từ giờ đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ phá sản là điều khó tránh khỏi, nếu không có giải pháp hỗ trợ cần thiết", ông Hạnh nhận định.  

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục