Ngành dược Việt Nam: Thách thức tạo cơ hội

(ĐTCK) Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các doanh nghiệp dược nội địa vẫn đang thua kém doanh nghiệp ngoại chủ yếu về năng lực sản xuất sản phẩm.
Dư địa phát triển lớn khiến làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường dược nội địa gia tăng đáng kể
Dư địa phát triển lớn khiến làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường dược nội địa gia tăng đáng kể

Sản xuất chưa đáp ứng kịp tiêu thụ

Xét về tốc độ phát triển, tỷ lệ tăng trưởng kép thị trường dược phẩm toàn cầu là 3 - 6%, trong khi tại thị trường mới nổi giai đoạn 2012 - 2016 là 12 - 15%. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thị trường dược phẩm phát triển nhanh nhất châu Á, xếp thứ 17/175 quốc gia trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 14,1%.

Mặc dù vậy, với hơn 160 nhà máy sản xuất đạt chuẩn WHO-GMP hiện nay, sản lượng thuốc trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Trước tình hình này, các chuyên gia dự đoán, năm 2017 và một vài năm tới, tốc độ phát triển của thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ từ 2 con số, không dưới 17%/năm, tốc độ tăng trưởng kép bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 11,8%.

Dư địa phát triển lớn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường nội địa gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Tính đến hết năm 2015, có hơn 40 dự án đầu tư FDI tại lĩnh vực dược phẩm, đáng chú ý là dự án Sanofi với tổng đầu tư 80 triệu USD, Nipro với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Ngoài ra, xu hướng đầu tư vào các công ty dược Việt Nam cũng ngày càng mở rộng.

Theo ông Truyền, mặc dù các công ty trong nước có thế mạnh về mạng lưới phân phối, chi phí sản xuất thấp giúp giá cả cạnh tranh, nhưng năng lực sản xuất vẫn còn rất hạn chế. Thứ nhất thể hiện ở trình độ sản xuất còn khá thấp, tuy có sản xuất thuốc generic, còn gọi là biệt dược gốc, nhưng chủ yếu trên cơ sở bằng sáng chế của nước ngoài. Tỷ lệ doanh nghiệp có bằng sáng chế thuốc generic đã được đăng ký hiện chưa đến 1% tổng số các doanh nghiệp trong ngành.

Thứ hai, các nhà máy trong nước đều sản xuất danh mục sản phẩm tương đối giống nhau. Điều nay không chỉ đẩy các doanh nghiệp vào tình thế cạnh tranh gay gắt mà còn làm yếu đi năng lực sản xuất của ngành công nghiệp dược Việt Nam nói chung.

Ông Truyền nhấn mạnh, để xây dựng được một danh mục phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần có chiến lược và tầm nhìn về dài hạn.

“Doanh nghiệp phải dự đoán xu hướng trong thời gian tới và tập trung cho tương lai nhiều hơn thay vì chỉ quan tâm các vấn đề hiện tại”, ông Truyền nói. 

Thách thức tạo cơ hội

Mặc dù còn nhiều thách thức song không thể phủ nhận rằng, ngành dược đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Nếu trước đây, cổ phiếu dược được xếp vào loại cổ phiếu phòng thủ, ít biến động thì hiện tại, kỳ vọng những thay đổi trong Luật Dược sửa đổi, cũng như chủ trương nới room ngoại là những yếu tố sẽ đẩy giá cổ phiếu ngành dược tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty cổ phần Chứng khoán Công Thương (VietinbankSc), kỳ vọng của thị trường về khả năng nâng trần quy định 49% đối với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ lên thị trường Việt Nam, trong đó có cổ phiếu ngành dược. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có cổ đông chiến lược là công ty dược phẩm quốc tế lớn như Abbott (DMC) hay Taisho Pharmaceutical (DHG) cũng là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm và kỳ vọng. Tuy nhiên, một rào cản với việc nới room là các doanh nghiệp nước ngoài không được trực tiếp phân phối thuốc, như trường hợp của DMC đã phải loại bỏ mảng phân phối ra khỏi đăng ký kinh doanh của công ty.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, tính từ đầu năm, hầu hết các cổ phiếu dược, bao gồm cả công ty sản xuất và phân phối, đều tăng giá, đạt mức tăng bình quân gần 70%, cao nhất trong các chỉ số ngành thuộc bộ chỉ số ngành theo chuẩn MSCI. Bên cạnh đó, có hơn 93% doanh nghiệp tăng trưởng về doanh thu và 75% doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận qua 9 tháng đầu năm 2016.

Ông Đăng cho rằng, để tối đa hóa giá trị đầu tư, nhà đầu tư cần lựa chọn những doanh nghiệp trong ngành có tình hình tài chính lành mạnh, ổn định qua các năm và biên lợi nhuận được cải thiện, hệ thống phân phối rộng cũng như chất lượng sản phẩm uy tín. Ngoài ra, cần chú ý tới triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong các năm tới, nhất là những doanh nghệp có đầu tư xây dựng nhà máy mới hoặc có dự án hợp tác kinh doanh triển vọng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ