Ngành dược, cơ hội trên thị trường 6,5 tỷ USD

(ĐTCK) Ngành dược có tiềm năng tăng trưởng dài dạn, nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt, nên lợi thế sẽ dành cho các công ty dược có cơ sở sản xuất hiện đại, nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP hay PIC/S Japan. 
Ngành dược, cơ hội trên thị trường 6,5 tỷ USD

Tổ chức nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) dự báo, quy mô thị trường dược Việt Nam sẽ đạt 6,5 tỷ USD trong năm 2019 và mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là 10,6%/năm. Trong đó, thị trường thuốc không kê đơn (OTC) dự kiến đạt quy mô 1,6 tỷ USD năm 2019, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là 9,5%/năm.

Thống kê của Công ty Chứng khoán BSC đối với 15 doanh nghiệp dược niêm yết cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2017, tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) bình quân là 2,3%, thấp hơn nhiều so với số liệu quá khứ của BMI. Vì vậy, BSC cho rằng, các doanh nghiệp dược nội địa sẽ khó có thể tận dụng triển vọng tăng trưởng chung của thị trường nếu không đầu tư về chất lượng, tạo sự khác biệt trong cơ cấu sản phẩm.

Xu hướng tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và chuyển dịch từ thuốc ngoại sang nội là tất yếu.   

Mới đây, Công ty cổ phần Dược Hâu Giang (DHG) công bố báo cáo tài chính quý IV/2018, doanh thu thuần đạt 1.218 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017, do ngừng kinh doanh mặt hàng MSD (từ tháng 4/2018) và Eugica (từ tháng 6/2018) để thực hiện nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ giá vốn hàng bán trong kỳ giảm nên biên lợi nhuận gộp tăng từ 41% lên hơn 43%. Cả năm 2018, DHG đạt doanh thu 3.888 tỷ đồng, giảm 4%; lợi nhuận ròng 653,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017.

Dù vậy, DHG vẫn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, trong đó, mối quan hệ chặt chẽ với Taisho được kỳ vọng hỗ trợ DHG nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất cũng như gia công sản phẩm cho Taisho, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tại Công ty cổ phần Traphaco (TRA), trong buổi tổng kết tình hình kinh doanh năm 2018, Ban lãnh đạo TRA cho biết, các chỉ tiêu kế hoạch chưa hoàn thành phần lớn nằm ở khía cạnh tài chính, khi chỉ tiêu doanh thu cơ bản không đạt, kéo theo chỉ tiêu về giá trị hàng sản xuất tại các nhà máy không đạt; chỉ tiêu lợi nhuận không đạt do chi phí khấu hao lớn và chi phí tài chính tăng mạnh.

TRA lên kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 2.160 tỷ đồng, trong đó, hàng sản xuất, gia công là 1.800 tỷ đồng, hàng khai thác độc quyền là 100 tỷ đồng, doanh thu từ công ty con là 260 tỷ đồng; kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 228 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 180 tỷ đồng.

Đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), năm 2018, doanh thu thực hiện trong năm 2018 là 1.241,5 tỷ đồng, bằng 88,7% kế hoạch, do độ trễ và rủi ro từ việc sửa đổi Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc trong bệnh viện, trong khi thị trường nhà thuốc cạnh tranh cao, dù bão hòa do ảnh hưởng của chính sách bảo hiểm toàn dân. Tuy vậy, IMP ước đạt lợi nhuận trước thuế 192,8 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết và vượt 1,5% kế hoạch, nhờ Công ty phát triển các sản phẩm giá trị cao của 3 dây chuyền EU-GMP, đồng thời tiết giảm chi phí.

Hiện nay, IMP gần hoàn thành dự án nhà máy công nghệ cao Bình Dương, dự kiến được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GMP-EU vào cuối năm 2019. Bên cạnh đó, Công ty đã hoàn thành công đoạn xét duyệt và được cấp giấy chứng nhận GMP-EU trong tháng 1/2019 đối với nhà máy kháng sinh công nghệ cao Vĩnh Lộc.

Công ty cổ phần Pymepharco (PME), đơn vị sở hữu 2 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU và đang thực hiện tiếp nhà máy thứ 3 với công suất 1,2 tỷ đơn vị/ca/năm, ước đạt doanh thu 1.675 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 3,2% và lợi nhuận trước thuế đạt 387 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017. Nhiều ý kiến kỳ vọng, khi nhà máy thứ 3 đi vào hoạt động vào năm 2019 và có khả năng công ty mẹ là STADA sẽ đẩy mạnh doanh số thông qua PME, sẽ góp phần thúc đẩy PME tăng trưởng.

Một doanh nghiệp dược khác đáng chú ý là Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD). Công ty này có sản phẩm thế mạnh là thuốc điều trị ung thư và thuốc đông khô. BSC lưu ý, các sản phẩm của DBD tại nhóm III đang cạnh tranh gay gắt với thuốc nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi DBD hoàn thành xây dựng nhà máy vào quý IV/2019 (nhận được chứng nhận GMP-EU có thể lâu hơn) sẽ giúp cải thiện kết quả kinh doanh.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, xu hướng tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của người dân và chuyển dịch từ thuốc ngoại sang thuốc nội tại các cơ sở y tế là tất yếu, nhưng quá trình chuyển dịch này có thể sẽ mất nhiều năm. Do đó, dù kỳ vọng tiến độ chuyển dịch trong kênh dược phẩm bệnh viện sẽ nhanh hơn năm 2018, Rồng Việt chỉ đưa ra quan điểm trung lập đối với ngành dược trong năm 2019. 

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục