Ngành du lịch Việt: Cần vượt thách thức để lớn lên

(ĐTCK) Với tốc độ tăng trưởng 30%, cao nhất trong khu vực ASEAN, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, là một trong những “bàn đạp” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng đi kèm là những thách thức không dễ vượt qua.
Du lịch đang là lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung Du lịch đang là lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung

Kỳ vọng vào “cú huých” tăng trưởng

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 6,2 triệu lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, khách đến từ châu Á chiếm đa số với 4,5 triệu lượt, khách đến từ châu Âu đạt gần 1 triệu lượt.

Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng du khách đến Việt Nam là các thị trường Trung Quốc (tăng 56,7%), Nga (53,4%) và Hàn Quốc (43,9%). Trước đó, năm 2016, tổng thu từ ngành này đạt 400.000 tỷ đồng, với hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 62 triệu lượt khách nội địa.

Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2017, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%. Riêng lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,9%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Với đà tăng trưởng cao, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều đó vẫn chưa xứng với tiềm lực của ngành này.

Thực tế, dù ngành du lịch Việt đã ghi nhận sự sự tăng trưởng tích cực thời gian qua, song nhìn chung vẫn kém chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghèo nàn, tình trạng du khách bị “chặt chém” còn khá phổ biến…

Do đó, để ngành du lịch vượt qua thách thức, từ đó bứt phá đi lên, trở thành động lực mới của tăng trưởng kinh tế là một bài toán không hề dễ dàng.

Vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực

Được đánh giá là có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực bởi có nhiều di sản văn hóa, bờ biển đẹp, phong cảnh hữu tình, nền kinh tế ổn định…, nhưng du lịch Việt vẫn “ì ạch” trong thời gian dài.

Nhìn nhận về bức tranh chung của ngành du lịch Việt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Việt Nam hơn một số nước trong khu vực về vẻ đẹp tự nhiên, các di sản văn hóa, nhưng lại yếu về cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, nhân sự du lịch Việt đang thiếu cả số lượng và chất lượng do tốc độ tăng trưởng ngành nhanh, trong khi đang có biểu hiện thiếu hụt về nhân lực.

ảnh 4
Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp (Ảnh: Internet)

“Đó là chưa kể các khâu quảng bá, kích cầu du lịch còn hạn chế… So với các nước trong khu vực, chi phí cho các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 2-5% chi phí của các nước bạn”, ông Thiện nhấn mạnh.

Thực tế, hiện nay, Việt Nam chưa có trường đại học riêng về du lịch, hiện chỉ có Khoa Du lịch thuộc trường đại học, cao đẳng, các trường quốc tế, trường ngoài công lập. Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đây là một trong những bất cập lớn của ngành.

Vì vậy, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nước nhà, trước mắt cần cải thiện khâu đào tạo nhân lực, chú trọng quảng bá hình ảnh du lịch Việt ra nước ngoài. Nếu giữ đà tăng trưởng như hiện tại, du lịch Việt có thể đi xa và đuổi kịp các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…

Để giữ được đà tăng trưởng trong dài hạn, hướng đến phát triển bền vững, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, ngành du lịch Việt cần nâng cấp hệ thống hạ tầng; hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục cấp visa; cần đầu tư có trọng điểm những vùng có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù và đặc biệt là quyết liệt với nạn “chặt chém” du khách…

Từ góc nhìn thực tế, bà Phạm Bích Ngọc, Phó giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour cho rằng, cần đẩy mạnh việc xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia phải gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, đậm bản sắc văn hoá dân tộc và mạnh tay đầu tư. Cùng với đó, nên khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mở văn phòng đại diện tại nước ngoài, tranh thủ vai trò của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc quảng bá xúc tiến du lịch…

Nhìn nhận lĩnh vực du lịch trong bức tranh kinh tế vĩ mô nửa đầu năm 2017, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI)  nhận định, du lịch đang là lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực của ngành du lịch sẽ là nền tảng để có tăng trưởng cao và bền vững cho các năm tiếp theo.              

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục