Tăng đóng góp của ngành du lịch trong phát triển GRDP
Đề án đã xác định các định hướng quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp. Du lịch Quảng Ninh tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh.
Mục tiêu đến năm 2024, du lịch Quảng Ninh phục hồi hoàn toàn, đón được ít nhất 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 3 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đón được khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế.
Đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5-26 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 8,6-9 triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025-2030 đạt 10-11%/năm.
Đặc biệt, du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng trong GRDP của tỉnh, cụ thể: Đến năm 2024 đóng góp trực tiếp 10-11%, năm 2025 đóng góp 11-12%, năm 2030 đóng góp 15%.
Để đạt những mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đến hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Xây dựng vịnh Cửa Lục trở thành “vịnh Sydney” bên bờ vịnh Hạ Long
Đáng chú ý, về định hướng đầu tư phát triển du lịch, Quảng Ninh sẽ quy hoạch và khuyến khích thu hút đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch, dịch vụ đồng bộ và hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan quanh vịnh Cửa Lục và vịnh Hạ Long, xây dựng vịnh Cửa Lục trở thành “vịnh Sydney bên bờ vịnh Hạ Long”.
Theo quy hoạch chung TP.Hạ Long đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển theo mô hình gồm 5 vùng, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục là vùng đô thị mới, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao…Xung quanh vịnh Cửa Lục sẽ bố trí những bến du thuyền đẳng cấp thế giới.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã có chủ trương di dời tất cả những nhà máy, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó có các nhà máy xi măng lớn, ra khỏi khu vực ven bờ vịnh Cửa Lục trước năm 2030; đồng thời bảo vệ tuyệt đối những khu rừng ngập mặn còn lại xung quanh vịnh Cửa Lục.
Cũng theo Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hình thành mạng lưới đường bộ theo hình xương cá kết nối các huyện, thị, thành phố trong tỉnh với TP.Hạ Long (lấy tâm điểm là vịnh Hạ Long).
Đầu tư xây dựng TP.Móng Cái thực sự trở thành thành phố cửa khẩu hiện đại và sôi động bậc nhất của Việt Nam và khu vực, xây dựng thương hiệu “thành phố ánh sáng, giải trí và âm thực về đêm ấn tượng nhất vùng biên”.
Thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm giải trí trên biển, như: du thuyền, thuyền buồm, kayak, lặn biển ngắm san hô ở các đảo, khinh khí cầu, lướt ván…
Nghiên cứu xây dựng một số khu nghỉ dưỡng cho người già theo mô hình viện dưỡng lão chất lượng cao, đăng cấp quốc tế.
Về kết nối quốc tế, sẽ kết nối du lịch Quảng Ninh - Trung Quốc qua 3 cửa khẩu quốc tế: Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái; xây dựng 3 tuyến du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái trên cơ sở 3 cửa khâu quốc tế trên.
Kết nối Quảng Ninh với thị trường Đông - Bắc Á, trong đó tăng cường khai thác các thị trường truyền thống, như: Nhật Bản và Hàn Quốc. Kết nối Quảng Ninh với thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Với Lào và Campuchia, quan tâm khai thác hành trình kết nối Hạ Long với các di sản thế giới Ăng-co-vát và Luông-pha-băng. Kết nối Quảng Ninh với thị trường Nga, châu Âu, Bắc Mỹ, thị trường Ấn Độ và Trung Đông.
Hình thành 5 tuyến du lịch hàng không đến sân bay Vân Đồn, bao gồm cả trong và ngoài nước, trong đó có kết nối sân bay Vân Đồn với Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc...; kết nối Vân Đồn với các cảng hàng không của Nga, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và các tỉnh trong nội địa Trung Quốc.