Ngành điều loay hoay với bài toán nguyên liệu

(ĐTCK-online) Từ cuối quý I, ngành điều đã lên tiếng về tình trạng thiếu vốn nhập nguyên liệu và đề xuất với các ngân hàng để có cơ chế vay vốn tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu tạm trữ nguyên liệu. Đến nay, tình cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng lại có nguy cơ tái diễn. Đã nhiều năm, việc thiếu hụt nguyên liệu luôn là bài toán khó giải của các doanh nghiệp điều, dù Việt Nam hiện là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới.
Hiện giá điều xuất khẩu tăng rất cao

Ngay từ đầu niên vụ (cuối quý I), Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có văn bản gửi các ngân hàng, đề nghị được hỗ trợ vay vốn cho niên vụ thu mua và xuất khẩu điều năm 2010, với số tiền khoảng 4.600 tỷ đồng. Năm 2010, dự kiến ngành điều sẽ thu mua 400.000 tấn điều thô trong nước và nhập khẩu 250.000 tấn từ nước ngoài, để chế biến 180.000 tấn điều nhân và 60.000 tấn dầu vỏ, với tổng số vốn mua khoảng 14.820 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu của ngành điều năm 2010 ước đạt 1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2009.

Hiện giá điều xuất khẩu tăng rất cao. Loại W320 (loại Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất) đã ở mức 6.600 USD/tấn, cao hơn 500 USD/tấn so với cuối năm 2009. Theo các doanh nghiệp, giá xuất khẩu điều sẽ còn cao hơn nữa bởi, cuối năm mới là cao điểm xuất khẩu của ngành điều. Giá nguyên liệu trong nước do đó tăng mạnh. Hồi đầu vụ, giá điều thô ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg thì đến tháng 7 tăng lên 24.000 đồng/kg, đến thời điểm này tăng lên 30.500 đồng/kg. Giá điều nhập khẩu từ châu Phi hay Ấn Độ ở mức 20.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với cách đây hai tháng. Giá tăng cao, đơn hàng nhiều, song các nhà máy rơi vào vòng luẩn quẩn "thiếu nguyên liệu chế biến".

Theo Vinacas, dựa vào công suất chế biến các nhà máy hiện tại, ước tính từ nay đến cuối năm, ngành điều vẫn còn thiếu khoảng 150.000 tấn nguyên liệu điều thô. Nếu không giải quyết được bài toán nguyên liệu thì 200 cơ sở chế biến điều cả nước, với khoảng 150.000 lao động, nhiều nguy cơ thiếu việc làm vào những tháng cuối năm nay và đầu năm tới.

Ngoài nguyên nhân giảm sản lượng trong nước do mất mùa và diện tích trồng điều giảm, các doanh nghiệp điều hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay ngoại tệ để nhập khẩu điều thô. Bà Huỳnh Thị Ngọc Mỹ, Kế toán trưởng Công ty Lafoco cho biết, thường thì các doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được vốn vay. Đơn cử như doanh nghiệp này, hạn mức vay năm 2010 được tăng lên 420 tỷ đồng, tăng 120 tỷ đồng so với năm trước. Song doanh nghiệp cũng phải rất chật vật, làm việc với nhiều ngân hàng như Vietinbank TP. HCM, PGBank, chi nhánh Ngân hàng Phát triển và tìm đến cả ngân hàng nước ngoài là HSBC. Tiếng là được vốn vay hỗ trợ xuất khẩu "vào 10, ra 12", nhưng thời điểm này, Lafoco vẫn phải chịu lãi suất 13 - 14%.

Theo tính toán của Vinacas, số tiền cần để mua hết lượng điều trong nước và nhập khẩu đủ sản xuất vào khoảng 6.800 tỷ đồng.

 

Linh hoạt là số 1

Chuyện thiếu nguyên liệu sản xuất là bài học không mới đối với ngành điều. Năm 1998 được đánh dấu là thời điểm điêu đứng nhất của ngành điều Việt Nam. Thời tiết thay đổi bất thường do hiện tượng ElNino - nắng nóng kéo dài, kế tiếp LaNina - mưa bão sập sùi, sản lượng điều trong nước đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 70.000 tấn hạt thô so với hơn 300.000 tấn những năm trước đó. Sự khan hiếm khiến giá nguyên liệu tăng cao gấp 3 lần. Các doanh nghiệp phải đứng trước 2 sự lựa chọn: một là đóng cửa, hai là thu mua chịu lỗ để có nguyên liệu chế biến. Nhiều doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho công nhân và giữ thị phần đã chấp nhận mua nguyên liệu và chịu mất trắng hàng tỷ đồng. Nếu tiếp tục thu mua đủ nguyên liệu đáp ứng hoạt động xuyên suốt, giữ được thị phần đồng nghĩa lỗ cả chục tỷ đồng.

Trước tình hình như vậy, các doanh nghiệp buộc phải linh động tìm nguồn hàng nhập khẩu. Ông Nguyễn Văn Chiểu, Tổng giám đốc Lafoco chia sẻ kinh nghiệm, bản thân ông đã trực tiếp khảo sát thị trường châu Phi, ký kết hợp đồng mua bán nguyên liệu với đối tác ở Mozambique, Bờ Biển Ngà, đưa Việt Nam thâm nhập, chia sẻ thị phần khai thác nguồn nguyên liệu thô với Ấn Độ. "Hợp tác với các đối tác tại châu Phi không dễ. Đối tác châu Phi mua bán với người Việt Nam, các điều kiện về tiêu chuẩn, cách đánh giá chất lượng, nguyên liệu bao bì bốc xếp chưa có được tiếng nói chung. Những hợp đồng đầu tiên của Lafoco, việc giao hàng tiến hành không suôn sẻ, Công ty cử cán bộ sang tận nơi tới 2 tháng vẫn về tay không, phải đích thân Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc sang mới giải quyết được", ông Chiểu nói.

Tìm kiếm được nguồn nguyên liệu giá rẻ, ổn định, chất lượng cao coi như khai phá được "mỏ vàng" với các doanh nghiệp ngành điều khi nguồn cung trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu. Để làm được điều đó, đòi hỏi tính chủ động của doanh nghiệp cả về thị trường và nhu cầu vốn, thay vì trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thùy Linh
Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục