Một cuộc khảo sát của Chính phủ Trung Quốc về hoạt động sản xuất được công bố hôm 30/9 cho thấy, chỉ số này đã giảm xuống còn 49,6 trong tháng 9, giảm từ 50,1 trong tháng 8. Bất kỳ chỉ số nào dưới 50 đều cho thấy sự thu hẹp và đây là lần đầu tiên một cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Sự bùng nổ trong xây dựng và sản xuất đã thúc đẩy phần lớn sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế tại nước này. Tuy nhiên, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các nhà máy đang bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng tăng vọt.
Tình trạng thiếu điện bắt đầu bùng phát vào tháng 6/2021, nhưng đã trở nên nghiêm trọng hơn khi giá than tăng vọt khi các tỉnh của Trung Quốc cố gắng cắt giảm sản lượng than để đáp ứng các mục tiêu giảm lượng khí thải carbon mà Bắc Kinh đề ra.
Cuộc khủng hoảng điện ngày càng tồi tệ đã gây ra tình trạng mất điện ở các hộ gia đình và buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất. Theo ghi nhận, các nhà máy ở hơn 20 tỉnh của Trung Quốc đã phải thu hẹp sản xuất. Đây là một mối đe dọa đối với nền kinh tế nước này và có thể gây căng thẳng hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các công ty ở trung tâm công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng để giảm nhu cầu về điện. Vấn đề này đã khiến Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng, họ sẽ "nỗ lực hết mình để chống lại cuộc chiến khó khăn về cung cấp điện", nỗ lực hết sức để đảm bảo điện tiêu thụ ở khu dân cư.
Mặt khác, vẫn có những thông tin tích cực. Một cuộc khảo sát tư nhân về hoạt động sản xuất cho thấy, chỉ số quản lý thu mua của Caixin (PMI), đã tăng từ 49,2 lên 50 cho thấy mức độ hoạt động ổn định trong tháng 9 so với mức giảm trong tháng 8.
Chỉ số hoạt động kinh doanh phi sản xuất cũng đã tăng lên 53,2 từ mức 47,5 của tháng 8, một dấu hiệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ đang phục hồi. Nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc giảm là tình trạng khiến các chuyên gia phải bận tâm trong năm nay.
Bức tranh kinh tế tổng thể của Trung Quốc là đáng lo ngại. Các nhà phân tích tại Nomura và Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 do các vấn đề thiếu điện.
Các nhà phân tích của Goldman lưu ý rằng, có nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của Trung Quốc trong quý IV, do nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với rủi ro vì cuộc khủng hoảng nợ tại Tập đoàn Evergrande.
"Vẫn còn một số phạm vi cho sự phục hồi hơn nữa trong hoạt động dịch vụ khi sự gián đoạn từ đại dịch giảm bớt. Nhưng ngành công nghiệp tình hình có vẻ sẽ không khả quan", Evans-Pritchard nhận xét.