Ngành CNTT-TT Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn cất cánh

(ĐTCK-online)Chuyển từ chiến lược “Tăng tốc” (giai đoạn 1993-2000) sang “Hội nhập và phát triển” (giai đoạn 2001-2010) và tiến tới bước cuối cùng của bậc tam cấp là “Cất cánh” (giai đoạn 2011-2020). Đó là những bước đi cơ bản của ngành công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam theo Định hướng Chiến lược phát triển CNTT-TT Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược Cất cánh), vừa được ban hành mới đây.
Nhiều DN CNTT-TT lớn của Việt Nam đều đã chuyển hướng kinh doanh như Chiến lược Cất cánh đề ra. Nhiều DN CNTT-TT lớn của Việt Nam đều đã chuyển hướng kinh doanh như Chiến lược Cất cánh đề ra.

Theo chiến lược này, đến năm 2020, ngành CNTT-TT Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong các nước ASEAN và trở thành một ngành quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP với tỷ lệ ngày càng tăng. Và để đạt được điều này thì phát triển nhân lực và làm chủ thị trường là hai vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Theo Chiến lược Cất cánh, phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT có trình độ và chất lượng cao là khâu đột phá, còn việc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước để từng bước vững chắc mở rộng sang thị trường khu vực và toàn cầu là khâu quyết định.

Về việc phát triển nguồn nhân lực, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông phê duyệt Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015, tiến tới năm 2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, đào tạo nhân lực CNTT-TT tại các trường đại học đạt chuẩn các nước trong khối ASEAN; 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng được các kỹ năng của thị trường lao động CNTT-TT quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, phải xây dựng chuẩn kỹ năng CNTT và quy hoạch lại mạng lưới đào tạo.

Ông Đặng Văn Chuyết, Trưởng khoa CNTT, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên ban hành chuẩn kỹ năng CNTT để các cơ sở đào tạo dựa vào đó để đào tạo, cũng như doanh nghiệp dựa vào đó để tuyển lao động. Đồng thời, cần tập trung đầu tư một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Về việc làm chủ thị trường trong nước, có thể nói, hiện tại, ba doanh nghiệp CNTT-TT lớn của Việt Nam là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển công nghệ (FPT) và Tập đoàn CMC đã có được vị thế của riêng mình, có thể là đối trọng của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Chiến lược Cất cánh, thì các doanh nghiệp chủ lực về bưu chính, viễn thông, CNTT phải có kế hoạch, lộ trình tăng cường năng lực cạnh tranh, chuyển sang kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó CNTT-TT là ngành kinh doanh chính. Và đáng mừng là, cả ba doanh nghiệp “đàn anh” trên đều đã chuyển hướng kinh doanh theo như Chiến lược Cất cánh đề ra. VNPT mới đây đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với 3 doanh nghiệp lớn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Theo thỏa thuận đã ký kết, VNPT không chỉ cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp CNTT-TT cho 3 đối tác chiến lược trên, mà còn hợp tác trong những lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm. Và cũng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho VNPT xây dựng Đề án Thành lập ngân hàng thương mại cổ phần dựa trên sự chuyển đổi Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện. Còn FPT và CMC gần đây đã trở thành đối tác cấp cao nhất của Microsoft tại Việt Nam . FPT ngoài việc đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh chính của mình là CNTT-TT, cũng đang nhăm nhe xin phép thành lập ngân hàng trực thuộc.

Ngoài ra, Chiến lược Cất cánh cũng đã đưa ra 7 giải pháp để tạo tiền đề cho việc thực hiện Chiến lược. Trong đó, phải kể đến một số giải pháp quan trọng như hoàn thiện cơ chế, chính sách; mở rộng thị trường; phát triển mạnh nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.

Đức Huy
Đức Huy

Tin cùng chuyên mục