(ĐTCK-online) Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam đạt gần 200 triệu USD, đứng thứ 5 thế giới, sản phẩm xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các yếu tố quốc tế đang khá ủng hộ, nhưng quan ngại lại đến từ sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp của ngành chè trong nước…
Hiện tại, thị trường đang xuất hiện nhiều diễn biến có lợi cho mặt hàng nông sản này của Việt
Nam
. Nhật báo Nation (Thái Lan) cuối tháng 10 đưa tin, trận lũ lụt lịch sử khiến vùng chè xanh Ayutthaya của quốc gia này ngập chìm trong nước lũ. Các cơ sở sản xuất chè bị ảnh hưởng và tổn hại nặng nề, làm tiêu tan kế hoạch nâng sản lượng chè xanh xuất khẩu năm 2011 từ 8 lên 10 tỷ bạt của Thái Lan. Ngoài việc máy móc thiết bị hư hỏng, cần 3 - 6 tháng phục hồi, các DN sản xuất chè Thái Lan còn mất luôn nhiều cơ hội kinh doanh vào năm tới.
Tương tự, Sri Lanca thông báo sản lượng chè trong tháng 9 chỉ đạt gần 23 triệu kg, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2010. Với ngành chè của quốc gia Nam Á này, sản lượng giảm sút đã kéo dài sang tháng thứ 6 liên tiếp. Sự suy giảm sản lượng của quốc gia luôn duy trì vị thế trong Top 3 xuất khẩu chè của thế giới này cũng được lý giải bởi nguyên nhân thời tiết. Tại các khu vực trồng chè, mưa nắng bất ổn khiến việc thu hoạch chỉ còn thực hiện được 2 - 3 ngày/tuần làm sản lượng sụt giảm. Còn theo Tạp chí Business Line, kể từ đầu năm 2011, giá bán chè trung bình tại các trung tâm giao dịch trên thế giới như Ấn Độ, Sri Lanca, Indonesia… đều tăng từ 3 - 9%, xuất phát từ lực cầu được cải thiện và việc giảm sản lượng tại nhiều quốc gia xuất khẩu chè hàng đầu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, 3 quý đầu năm, Việt Nam xuất khẩu chè chủ yếu sang các thị trường Đài Loan, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Hoa Kỳ. Số liệu mới nhất của Bộ Công thương ước tính, xuất khẩu chè trong tháng 10 của Việt Nam đạt 15.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD. Tổng lượng chè xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2011 ước đạt 112.000 tấn, kim ngạch đạt 173 triệu USD, tăng nhẹ 1,6% về sản lượng và 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá chè xuất khẩu của Việt
Nam
bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 1.530 USD/tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2010.
Trước bối cảnh khá thuận lợi đó, điều đáng lo ngại là nội lực của ngành chè Việt
Nam
không hứa hẹn sự chuyển mình trong vài năm tới. Lý do đầu tiên là tập quán kinh doanh nhỏ, manh mún khiến thương hiệu chè thành phẩm Việt
Nam
chưa được chú trọng, phát triển đúng mức. Theo Hiệp hội Chè Việt
Nam
(Vitas), năm 2010, 95% sản lượng chè xuất khẩu của Việt
Nam
là xuất thô. Trong khi Việt
Nam
xuất khẩu chè nguyên liệu thô sang Đài Loan thì sản phẩm hoàn chỉnh lại quay trở lại thị trường nội địa. Chênh lệch giá bán giữa sản phẩm và nguyên liệu thô lên tới cả chục lần. Dù có một số vùng chè đặc sản, nhưng ngành chè Việt
Nam
đang phát triển không khác vùng nguyên liệu của nước ngoài. Chính vì thiếu sự đầu tư cho thương hiệu nên trung bình những năm qua, chè xuất khẩu Việt Nam có giá bán rất rẻ, tương đương 50% sản phẩm cùng loại của Sri Lanca.
Còn theo báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, hết năm 2010, cả nước có 131.500 héc-ta chè, cho sản lượng trên 165.000 tấn chè khô. Sản lượng và diện tích canh tác này chỉ đảm bảo cho khoảng 200 nhà máy chế biến có công suất vừa phải hoạt động. Tuy nhiên, con số nhà máy thực tế đang hoạt động sản xuất lớn gấp 3,5 lần khả năng cung ứng nguyên liệu, chưa kể hàng ngàn cơ sở tư nhân chế biến thủ công. Điều này khiến nguồn nguyên liệu đầu vào bị cạnh tranh gay gắt, làm chất lượng sản phẩm không đồng đều, ảnh hưởng tới thương hiệu trà Việt
Nam
trên thị trường quốc tế. Vụ "chè bẩn" ở một số tỉnh phía Bắc được đưa ra công luận hồi tháng 7 là một ví dụ điển hình.
Chè là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại Việt
Nam
. Làm sao để nâng cao vị thế cho chè Việt
Nam
trên thị trường quốc tế là chủ đề đã được đem ra thảo luận trong hội thảo chuyên môn trong Festival Chè quốc tế tổ chức tại Thái Nguyên vừa qua. Phần lớn ý kiến tham luận tại đây đều tập trung vào các vấn đề nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, nâng cao giá trị thương hiệu của chè Việt Nam, các yếu tố văn hóa nâng cao thị hiếu người tiêu dùng; các giải pháp về tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ… Trong đó, việc tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến các quy trình sản xuất an toàn, khoa học, sự liên kết của các tổ chức cho đến các cơ sở sản xuất - kinh doanh... là những vấn đề được nhấn mạnh.