Ngành chăn nuôi duy trì tốc độ tăng trưởng 6% năm 2018

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tốc độ tăng trưởng của ngành luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm.
Ngành chăn nuôi duy trì mức tăng trưởng cao 5-6% năm 2018. Trong đó, ước tính, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.

Nhờ mức tăng trưởng cao này, năm qua, ngành chăn nuôi đã góp phần giữ vững mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và bước đầu có xuất khẩu.

Thống kê của Cục Chăn nuôi cho biết, năm 2018, đàn lợn tiếp tục tăng trưởng tốt cả về quy mô đầu con và sản lượng vượt so với kế hoạch năm 2018 đề ra.

Ước tính, trong năm 2018 sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dự tính năm 2018, sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 1.100 ngàn tấn, tăng 6,1% so với năm 2017; sản lượng trứng đạt khoảng 11,8 tỷ quả, tăng 11% so với năm 2017. Sản lượng thịt trâu tăng gần 1% đạt 98,9 ngàn tấn; sản lượng thịt bò tăng 2%, đạt 350 ngàn tấn, sữa tươi tăng khoảng 9% đạt 960 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2017.

Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam... sau khi phục hồi kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp.

Năm qua, ngành chăn nuôi đã xuất khẩu khoảng 500 - 550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi gồm: thịt lợn sữa các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa; khoảng 400 - 450 triệu USD nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Năm 2018, cũng đánh dấu một số sự kiện của ngành chăn nuôi, trong đó, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu thịt chính ngạch. Đơn cử, Tập đoàn Mavin (liên doanh Việt - Australia) đã xuất khẩu thành công sản phẩm thịt lợn vào thị trường Myanmar, mở ra đường đi cho sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mavin, cho biết, mục tiêu xuất khẩu được thịt lợn từ Việt Nam ra thị trường thế giới là khát vọng mà Mavin đặt ra đã nhiều năm nay, nhưng đến bây giờ mới thành hiện thực.

Trước đây, chưa từng có doanh nghiệp chăn nuôi nào ở Việt Nam xuất khẩu thịt lợn ra thế giới bằng con đường chính ngạch như vậy.

Những ngày cuối năm 2018, Tập đoàn Masan đã khánh thành Tổ hợp chế biến thịt heo tại Hà Nam. Tổ hợp chế biến thịt của Masan được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng số vốn 1.000 tỷ đồng. Công suất của nhà máy vào khoảng 1,4 triệu con heo/năm; tương đương 140.000 tấn thịt heo/năm.

Những nhà máy lớn hoàn thành đầu tư xây dựng đã hoàn thiện chuỗi sản xuất thịt khép kín của Masan, góp phần tăng giá trị xuất khẩu thịt trong tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam, còn trước mắt là phục vụ nguồn cung thit mát tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, dự án nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) do Công ty Biển Đông và Deheus liên kết đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2018 với công xuất 350.000 lợn thịt/năm…

Trong năm 2019, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn lợn, các doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục