VINARE đồng hành cùng thị trường bảo hiểm và nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi carbon
Các doanh nghiệp tái bảo hiểm đang là một lực lượng quan trọng đóng góp vào quá trình giảm thiểu carbon của nền kinh tế các nước, hướng tới phát thải carbon ròng bằng 0. Rất nhiều nhà tái bảo hiểm quốc tế lớn đã ký vào “Sáng kiến bảo hiểm Net Zero” của Liên hợp quốc. Ở cấp độ khu vực, các công ty tái bảo hiểm thuộc sở hữu của nhà nước sẽ tuân thủ việc giảm khí thải carbon mà chính phủ đã cam kết. VINARE với vị thế là nhà tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam đang tích cực trao đổi cùng các bên chuyên môn trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi này.
Trong chiến lược ESG, đối với hoạt động nghiệp vụ, cung cấp năng lực cho các dự án điện tái tạo và kinh doanh thân thiện với môi trường được VINARE ưu tiên hàng đầu, song song với việc giảm dần bảo hiểm cho các nhà máy/dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời phát triển các sản phẩm bảo hiểm theo tham số. Doanh nghiệp đã chính thức kết hợp khung ESG vào quy trình ra quyết định đối với hoạt động đầu tư và thực hiện chiến lược đầu tư xanh.
Đối với hoạt động vận hành, VINARE ưu tiên chuyển đổi kỹ thuật số trong vận hành văn phòng để giảm việc tiêu thụ giấy, giảm bớt tiêu thụ điện, nước, cũng như đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm tái chế. Doanh nghiệp cam kết thường xuyên giám sát việc thực hiện các kế hoạch hành động ESG đã đề ra và công bố thông tin công khai, đầy đủ về kết quả thực hiện trong báo cáo phát triển bền vững.
Dự báo mùa tái tục 2024 và xu hướng ESG
Qua các cuộc trao đổi tại Hội nghị Tái bảo hiểm Quốc tế Singapore (SIRC) lần thứ 19 năm nay, xu hướng thị trường thắt chặt (hardening) được dự báo sẽ tiếp diễn trong mùa tái tục 1/1/2024 tới và khó có thể kỳ vọng những điều chỉnh giảm về điều kiện cung cấp. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ có sự linh động nhất định, đặc biệt với các hợp đồng không chịu tổn thất nào.
Trong mùa tái tục tới, mối quan ngại về lạm phát không còn lớn như trước, nhưng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu về trách nhiệm hợp đồng và bồi thường. Rủi ro thứ phát (secondary perils), rủi ro về đình công, bạo động (SRCC) và các rủi ro chưa được mô hình hóa khác tiếp tục là tâm điểm chú ý của các nhà tái bảo hiểm, không loại trừ khả năng phí các hợp đồng phi tỷ lệ bảo vệ cho sự kiện (Cat XOL) sẽ được điều chỉnh tăng.
Một trong những chủ đề trọng tâm khác của SIRC năm nay chính là phản ứng của ngành bảo hiểm đối với biến đổi khí hậu. Các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua, cùng với nhận thức ngày càng gia tăng về vai trò của ngành bảo hiểm trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trước mắt, các nhà tái bảo hiểm đã đưa ra những thay đổi trong chính sách khai thác của mình theo hướng hạn chế, thậm chí dừng cung cấp năng lực tái bảo hiểm cho các rủi ro có tác động xấu đến môi trường (điện than, mỏ than…), tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và gia tăng ủng hộ các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo, thân thiện với môi trường. Về lâu dài, việc thực hiện các cam kết ESG của các công ty tái bảo hiểm cần có sự đồng hành và hỗ trợ của cơ quan quản lý, các tổ chức có liên quan, cũng như sự cộng hưởng từ toàn thị trường bảo hiểm/tái bảo hiểm.