Ngành bảo hiểm toàn cầu “đau đầu” với tổn thất bão lũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổn thất do rủi ro thảm họa thiên nhiên ngày càng lớn khiến ngành bảo hiểm toàn cầu thêm “đau đầu”.
Ngành bảo hiểm toàn cầu “đau đầu” với tổn thất bão lũ

Mỹ: Bảo hiểm có thể bồi thường 50 tỷ USD vì bão Milton

Ngày 10/10/2024, bão Milton đổ bộ vào bang Florida (Mỹ). Truyền thông dẫn tin từ báo cáo của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch (Mỹ) ước tính, cơn bão này có thể khiến các công ty bảo hiểm phải bồi thường từ 30-50 tỷ USD cho người dân có tài sản tại Florida.

Đây là mức bồi thường lớn nhất kể từ bão Ian năm 2022, qua đó có thể nâng số tiền bồi thường thiệt hại tại bang Florida năm nay lên hơn 100 tỷ USD.

Dù số liệu cuối cùng còn phụ thuộc vào nhu cầu vật liệu cần để sửa chữa và xây dựng lại tài sản sau bão, nhưng Fitch dựa trên các sự kiện trước đây ước tính việc này thường khiến chi phí bảo hiểm tăng thêm ít nhất 20%.

Dù vậy, hãng đánh giá tín nhiệm này cũng nhận định, bão Milton không có khả năng đe dọa xếp hạng tín nhiệm của các hãng bảo hiểm tài sản và tai nạn lớn trên thế giới.

Milton là cơn bão thứ 3 quét qua Florida năm nay. Trước đó gần 2 tuần, bão Helen cũng đổ bộ vào bang này. Các hãng truyền thông đưa tin, Moody’s ước tính bão Helen có thể khiến các hãng bảo hiểm tư nhân tại Mỹ thiệt hại từ 8-14 tỷ USD.

Ở một diễn biến khác, trong bản tin cập nhật về nhu cầu bảo hiểm/tái bảo hiểm, Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) dẫn nguồn tin của hãng tái bảo hiểm Thụy Sỹ - Swiss Re cho biết, các yếu tố gồm giá trị tài sản cao hơn, tốc độ đô thị hóa nhanh và chi phí sửa chữa tăng do lạm phát sẽ thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm/tái bảo hiểm tài sản, nhất là tại các khu vực có nguy cơ thảm họa thiên nhiên gia tăng.

Theo Viện nghiên cứu Swiss Re, năm 2023 là năm thứ tư liên tiếp xảy ra tổn thất được bảo hiểm do thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu vượt quá 100 tỷ USD và năm 2024 được dự báo cũng sẽ đi theo xu hướng tương tự, với tổn thất được bảo hiểm là 60 tỷ USD trong nửa đầu năm, cao hơn 62% so với mức trung bình 10 năm qua.

Dưới sự tác động ngày càng sâu rộng và mức độ thiệt hại ngày càng tăng của các sự kiện thiên tai, Công ty Môi giới Aon dự báo rằng, cạnh tranh về phí tái bảo hiểm sẽ tăng mạnh trong năm 2025, còn các công ty bảo hiểm phải linh hoạt hơn trong việc cung cấp năng lực tái bảo hiểm và phạm vi bảo vệ.

Việt Nam: Thiệt hại do bão Yagi tiếp tục tăng

Tại Việt Nam, nhiều địa phương phía Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 60 năm trở lại đây và ảnh hưởng của mưa lũ sau bão gây thiệt hại rất lớn cả về người và tài sản.

Cơ quan chức năng cho biết, thiệt hại do thiên tai trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024 chủ yếu do ảnh hưởng mưa lũ và bão, đặc biệt là siêu bão Yagi.

Các yếu tố gồm giá trị tài sản cao hơn, tốc độ đô thị hóa nhanh và chi phí sửa chữa tăng do lạm phát sẽ thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm/tái bảo hiểm tài sản, nhất là tại các khu vực có nguy cơ thảm họa thiên nhiên gia tăng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/9/2024, bão Yagi làm 345 người chết và mất tích, 1.978 người bị thương; 4.713 nhà sập đổ, 401.275 nhà bị hư hại, ngập nước; khoảng 286.600 ha lúa, hơn 63.300 ha hoa màu bị hư hại; 44.500 con gia súc, hơn 5,76 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng trăm nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ, cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi cơn bão đi qua và hoàn lưu sau bão cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng…, giá trị thiệt hại ước tính lên tới 81.800 tỷ đồng, tăng đáng kể so với ước tính trước đó không lâu là 40.000 tỷ đồng và hơn 60.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo các cơ quan chức năng cho biết, thực địa tại Quảng Ninh và Hải Phòng - nơi tâm bão đi qua cho thấy, tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đã nhanh chóng quay trở lại sản xuất - kinh doanh.

Ngành công nghiệp có thể phục hồi nhanh, nhưng ngành nông nghiệp và du lịch sẽ chịu tác động lâu hơn, khả năng hồi phục cũng chậm hơn. Riêng với du lịch, đặc biệt tại những nơi sử dụng các tài sản lớn như tàu thuyền, cần rất nhiều thời gian để phục hồi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, ảnh hưởng của bão lũ có thể làm giảm khoảng 0,15% GDP năm 2024. Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, cơ quan này mong muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn đối với 2 ngành nông nghiệp và du lịch, các khu vực bị thiệt hại do bão lũ.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, tính đến ngày 7/10/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính 19,8 tỷ đồng và đến nay đã tạm ứng 14,4 tỷ đồng.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 13.847 thông tin thiệt hại (bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe) với tổng thiệt hại hơn 11.607 tỷ đồng và tới nay tạm ứng tổng số tiền bồi thường 108,3 tỷ đồng.

Cụ thể, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe có 41 vụ, tương đương số tiền bảo hiểm 2,9 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật hơn 5.700 vụ, thiệt hại 11.205 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới hơn 7.500 vụ, thiệt hại 209 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu 552 vụ, thiệt hại 189 tỷ đồng…

Như vậy, so với những số liệu thống kê ban đầu, tổng thiệt hại mà ngành bảo hiểm ghi nhận sau cơn bão số 3 và lũ lụt tăng lên rất nhiều và con số tổn thất sẽ chưa dừng lại ở đó bởi vẫn đang trong quá trình cập nhật.

Ghi nhận thực tế cho thấy trước, trong và sau bão, các công ty bảo hiểm đã khẩn trương vào cuộc rà soát, đánh giá thiệt hại để có cơ sở đền bù cho những hợp đồng bảo hiểm đối với những tài sản cũng như cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão lũ, từ đó nhanh chóng bắt tay vào phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Theo ông Nghiêm Xuân Thái - Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI), năm 2024 là một năm khó khăn của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Hậu quả nặng nề của cơn bão Yagi như dồn thêm gánh nặng cho thị trường bảo hiểm khi các doanh nghiệp đang phải nỗ lực vượt qua một giai đoạn khó khăn hậu đại dịch Covid.

Dù vậy, những trở ngại liên tiếp xảy ra cũng được xem là một phép thử, đo lường “sức khoẻ tài chính” của các công ty bảo hiểm, giúp đánh giá tiềm lực tài chính, khả năng dự phòng rủi ro trước những tổn thất lớn.

Đồng thời, các nhà bảo hiểm sẽ cần đầu tư nghiên cứu đưa ra những giải pháp tốt nhất để không chỉ ứng phó với những thách thức trước mắt, mà còn dự phòng cho những rủi ro trong tương lai để luôn đồng hành với khách hàng trong quá trình tham gia bảo hiểm.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục