Quá tải dù đã tổng lực
Trước khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận thông tin và phục vụ khách hàng một cách hiệu quả nhất, như tăng cường đội ngũ tổng đài viên để đảm bảo quá trình tiếp nhận thông tin về tổn thất không bị gián đoạn, bố trí 100% giám định viên trực tại các địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp, huy động lực lượng hỗ trợ từ các tỉnh lân cận.
Tất cả các công ty bảo hiểm đều phải tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ giám định bồi thường từ trụ sở chính và các địa bàn lân cận tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão, phối hợp với các đơn vị giám định độc lập để hỗ trợ khách hàng thống kê, giám định thiệt hại. Tuy nhiên, do thiệt hại đợt bão lũ vừa qua quá lớn, lại xảy ra trên diện rộng nên có những thời điểm, giám định viên quá tải.
Đại diện Bảo hiểm BSH chia sẻ, khoảng đầu tháng 9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, một trận lũ quét bất ngờ từ đỉnh núi quét qua Nhà máy Thuỷ điện Đông Á - Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, làm cho giao thông bị cô lập hoàn toàn, nhà điều hành và công trình phụ trợ bị đổ sập. Những ngày tiếp theo, mưa lũ kéo dài dẫn đến Nhà máy bị ngập trong nước, làm thiệt hại lớn về tài sản. Trước đó, Nhà máy Thuỷ điện Đông Á - Nậm Lúc đã tham gia hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, bao gồm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm công trình kỹ thuật dân dụng hoàn thành do BSH cấp đơn.
Thời điểm đó, công tác giám định tổn thất của BSH gặp nhiều khó khăn do tình trạng sạt lở có nguy cơ chưa dừng lại. Máy móc, tài sản bị vùi lấp trong bùn đất, các giám định viên cần tiến hành các hoạt động trục vớt, khai quật mới có đủ căn cứ để đánh giá tổn thất, ước lượng số tiền để chi trả bồi thường cho khách hàng.
Tại các địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ…, nơi nước lũ dâng cao gây ngập úng hàng loạt tài sản, nhà cửa, phương tiện và hàng hóa bị phá hủy nặng nề, các công ty bảo hiểm tăng cường thêm nhân sự giám định viên.
Trong điều kiện ngập lụt, di chuyển khó khăn, các giám định viên đã phải sử dụng những phương tiện tự chế như bè, ván hoặc lội bộ qua những con đường ngập nước để tiếp cận hiện trường nơi có tổn thất. Hình ảnh ghi lại tại hiện trường cho thấy, các cán bộ phải lội nước qua những khu vực bị ngập sâu, vừa thực hiện công tác giám định vừa thăm hỏi, động viên các khách hàng đang gặp khó khăn.
Ông Đoàn Kiên, Tổng giám đốc BSH cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng sau thiên tai, việc xử lý và khắc phục hậu quả là vô cùng cấp bách. Chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng giám định viên và cán bộ chuyên môn trên toàn hệ thống làm việc hết công suất để phục vụ khách hàng. Chia sẻ mất mát, tổn thất là trách nhiệm của chúng tôi và BSH cam kết sẽ đồng hành cùng khách hàng, giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, phục hồi tài sản và ổn định lại cuộc sống sau bão”.
Để kịp thời hỗ trợ khách hàng ngay sau khi cơn bão đi qua, Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank (ABIC) đã thành lập 15 tổ công tác đi đến những “điểm nóng”, tiếp cận hiện trường, chủ động liên hệ với từng khách hàng đã mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin về tổn thất trong điều kiện có thể.
Đại diện ABIC cho biết, quy trình bồi thường của công ty gồm 3 bước. Bước 1, tiếp cận hiện trường, giám định tổn thất; bước 2, lập phương án chi trả tạm ứng bồi thường và bước 3 là hoàn tất hồ sơ. Như vậy, tiền chi trả bồi thường tổn thất sẽ được ứng ra trước khi hoàn tất hồ sơ để khách hàng kịp thời sửa chữa tài sản, thay mới tài sản, sau đó mới bổ sung chứng từ, hoàn thiện hồ sơ.
“Chúng tôi có đầy đủ điều kiện và cơ sở pháp lý để chủ động chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại một cách nhanh nhất, để bà con sớm ổn định đời sống và sản xuất”, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc ABIC chia sẻ .
Bảo hiểm sẽ trở thành “tấm lá chắn”
Cơn bão Yagi là minh chứng khẳng định vai trò to lớn của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế - xã hội. Trong tương lai gần, “tấm lá chắn” bảo hiểm sẽ được nhìn nhận lại theo hướng tích cực, thấu đáo hơn.
Dù cơn bão Yagi làm tăng đáng kể chi phí yêu cầu bồi thường bảo hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngành, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm càng ý thức hơn sứ mệnh của mình để trở thành điểm tựa tài chính vững chắc cho khách hàng trước mọi rủi ro trong cuộc sống.
Bảo hiểm VBI cho biết, riêng cơn bão Yagi đã gây ra hơn 600 vụ tổn thất, tập trung ở nhiều nghiệp vụ khác nhau (tài sản, hàng hải, xe cơ giới), với tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Quy trình xác định tổn thất và chi trả bồi thường cho khách hàng của VBI được đẩy lên nhanh nhất có thể để giúp khách hàng sớm ổn định đời sống và hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, VBI cử cán bộ hỗ trợ khách hàng cứu vớt, sửa chữa hoặc thay thế cơ sở vật chất ngay tại hiện trường; đồng thời, huy động nhân sự ở tất cả các phòng ban trong Công ty, tập trung tối đa cho mục tiêu hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả và thống kê tổn thất ngay sau bão.
Theo đại diện PTI, khó khăn lớn nhất mà đội ngũ gặp phải trong công tác giám định là mất điện và mất sóng viễn thông làm gián đoạn thông tin liên lạc, gây ảnh hưởng đến quá trình hỗ trợ khách hàng. Đây cũng là khó khăn chung trong công tác giám định thiệt hại của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đều kịp thời ứng phó bằng cách ghi nhận hiện trạng thiệt hại nhanh chóng qua ảnh chụp và đưa ra các biện pháp giảm thiểu tổn thất ngay sau bão.
Thực tế, với tính chất phức tạp của từng vụ việc, đặc biệt là đối với các tổn thất về tài sản kỹ thuật..., công tác khắc phục hậu quả thẩm định tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm mất khá nhiều thời gian, không những huy động hết đội ngũ giám định của công ty, mà có thể còn phải thuê thêm giám định độc lập.
Ông Vương Việt Đức, Giám đốc Ban Giám định bồi thường tài sản kỹ thuật, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tổn thất bảo hiểm có rất nhiều loại, có những tổn thất chỉ liên quan đến cảnh quan và không quá ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng có những tổn thất lớn hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh thì các bên sẽ cố gắng giám định nhanh, xác định thiệt hại và thống nhất lên phương án khắc phục, sửa chữa cũng như dự toán bồi thường. Công tác này sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai theo phương án “cuốn chiếu” để có thể ước tính số thiệt hại nhanh nhất để tạm ứng bồi thường cho khách hàng…
Cơn bão Yagi là minh chứng khẳng định vai trò to lớn của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế xã hội nhưng hoạt động của ngành bảo hiểm trong nhận thức của người dân còn rất mờ nhạt, chưa thực sự trở thành “tấm lá chắn” đúng nghĩa, đúng bản chất của ngành giống như các nước phát triển. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, với những giá trị mang lại, trong tương lai gần, “tấm lá chắn” bảo hiểm sẽ được nhìn nhận lại theo hướng tích cực, thấu đáo hơn.