Ngành bán lẻ Mỹ có mức giảm lớn nhất kể từ khi ngành được "thống kê"

Tiêu thụ ô tô, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác giảm sâu khiến doanh thu bán lẻ tháng 3 của Mỹ trượt dốc sâu nhất trong lịch sử thống kê.
Giấy vệ sinh cùng các nhu yếu phẩm khác là lựa chọn ưu tiên của người dân Mỹ thời Covid-19. Ảnh: AFP Giấy vệ sinh cùng các nhu yếu phẩm khác là lựa chọn ưu tiên của người dân Mỹ thời Covid-19. Ảnh: AFP

Doanh thu bán lẻ tháng 3 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “bay hơi” 8,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ khi chính phủ nước này thống kê số liệu bán lẻ vào năm 1992. Trong tháng 2/2020 - thời điểm mới chớm dịch Covid-19, doanh thu bán lẻ của Mỹ chỉ giảm 0,4% thay vì 0,5% như dự báo.

Nguyên nhân khiến doanh thu bán lẻ của Mỹ trượt dốc lịch sử là việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, khiến nhu cầu một loạt hàng hóa giảm mạnh và chi tiêu tiêu dùng giảm xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Bức tranh bán lẻ đầy bi đát được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 15/4 sau khi dịch Covid-19 khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều này càng khiến người ta tin vào cảnh báo của các chuyên gia rằng kinh tế Mỹ đang suy thoái nghiêm trọng.

Trước đó, chính quyền các bang và địa phương đã yêu cầu người dân cách ly tại nhà nhằm ngăn dịch Covid-19 lan rộng, nhưng biện pháp không tránh khỏi tác dụng ngược và đẩy nước Mỹ vào trạng thái “đứng im”. Số liệu sơ bộ tính đến ngày 21/3 cho thấy, khoảng 16,8 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì dịch Covid-19.

Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết, dù nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn, nhưng cơ quan này đã ước lượng các con số và vẫn đảm bảo tiêu chuẩn thống kê.

Doanh thu bán lẻ tháng 3 bị nhấn chìm bởi doanh số ô tô, nhất là xe thương mại hạng nhẹ bán ra trong tháng trôi dốc, cùng với đó là hàng triệu người Mỹ ngồi nhà tránh dịch và giá dầu trượt sâu khiến doanh số xăng dầu giảm theo.

Cụ thể, mức tiêu thụ ô tô giảm mạnh 25,6% so với mức giảm khá khiêm tốn 0,5% trong tháng 2. Doanh số của các cửa hàng bán đồ điện tử và thiết bị giảm 15,1%, trong khi doanh thu các cửa hàng quần áo giảm tới 50,5%, còn các đơn hàng nội thất cũng “bay hơi” 26,8%.

Dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 cũng là nguyên nhân kéo tụt doanh thu bán lẻ tháng 3. Trên thực tế, dịch bệnh gây ra sự xáo trộn lớn trong thói quen và hành vi tiêu dùng thực phẩm của người Mỹ với lượng đơn hàng thực phẩm giao ngay và mang đi tăng mạnh còn lượng đơn hàng phục vụ tại chỗ “bất động”.

Dù một số doanh nghiệp Mỹ, bao gồm nhà hàng đã chuyển sang kinh doanh trực tuyến, nhưng khối lượng đơn không đủ để bù lại phần thiếu hụt doanh thu do dịch bệnh.

Ở chiều ngược lại, Covid-19 lại khiến đơn hàng của các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon và các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc tăng vọt do người tiêu dùng có xu hướng tích trữ nhu yếu phẩm và đồ dùng thiết yếu như thực phẩm, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa và thuốc men.

Các chuyên gia dự báo, chi tiêu tiêu dùng - một trụ cột tăng trưởng chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế - sẽ giảm ít nhất 5% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ quý II/1980.

Trong khi nhiều nhà phân tích đánh giá, nền kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái trong tháng 3, thì Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) cho rằng việc GDP sụt giảm trong 2 quý liên tiếp là chuyện thường thấy ở các nước và không đồng nghĩa với suy thoái kinh tế. Các chuyên gia NBER đang ưu tiên xem xét sự suy giảm các hoạt động kinh doanh lan rộng trong nền kinh tế ra sao và kéo dài bao lâu.

Theo một dự báo mới đây của tập đoàn Goldman Sachs, GDP quý I/2020 của Mỹ có thể giảm tới 9%, đây sẽ là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ quý I/1958.

Lê Quân
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục