Ông đánh giá thế nào về tốc độ phát triển ngành AI của Việt Nam hiện nay? So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ công nghệ?
Tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam có thể nhìn nhận từ hai góc độ: người dùng và doanh nghiệp phát triển công nghệ.
Ở góc độ người sử dụng, chúng ta thấy mức độ tiếp cận và học hỏi AI đang tăng nhanh chóng. Nhiều người chủ động học qua các nền tảng như YouTube, ChatGPT,... hay các khóa học trực tuyến. Trong hai năm qua, đã có hơn 100.000 học viên học về AI do tôi đào tạo, cho thấy nhu cầu và mong muốn học AI ở Việt Nam là rất lớn.
Ở góc độ phát triển công nghệ, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào AI. Có thể kể đến như Vingroup với VinBrain, FPT, Viettel... Các tập đoàn này không chỉ đầu tư hàng trăm triệu USD mà còn hợp tác với các đối tác lớn, cho thấy thị trường AI tại Việt Nam đang thu hút sự chú ý.
Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng thực sự, AI ở Việt Nam vẫn phát triển chậm và manh mún. Ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, AI được xác định là chiến lược cạnh tranh quốc gia, có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và hệ sinh thái phát triển bài bản.
Còn ở Việt Nam, tôi chưa thấy sự định hình rõ ràng về chiến lược cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực này. Hiện nay, phần lớn hoạt động phát triển là sân chơi của các doanh nghiệp lớn, trong khi các startup nhỏ vẫn đang phải tự lực cánh sinh, thiếu sự hỗ trợ hệ thống. Điều này khiến cho thị trường phát triển thiếu đồng bộ, khó tạo sức bật lớn.
|
Ông Cao Vương, Founder & CEO AIVA Group. |
Theo ông, những lĩnh vực nào ở Việt Nam đang phát triển AI mạnh nhất? Và trong vài năm tới, đâu sẽ là các lĩnh vực bùng nổ trong ứng dụng AI?
Ở thời điểm hiện tại, những lĩnh vực phát triển AI mạnh nhất tại Việt Nam chủ yếu là những ngành có sự đầu tư lớn từ các doanh nghiệp dẫn đầu. Đầu tiên phải kể đến là y tế. Khi Vinmec đầu tư vào lĩnh vực này, các bệnh viện lớn trong nước cũng trang bị công nghệ AI hiện đại hơn, từ đó giúp việc xử lý bệnh án nhanh hơn.
Lĩnh vực thứ hai là chăm sóc khách hàng. Nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn khi phải xử lý một lượng lớn câu hỏi, phản hồi từ khách hàng mỗi ngày. Khi đó Chatbot AI ra đời để giải quyết bài toán này. Tuy nhiên, hiện tại mảng này vẫn còn sơ khai, phát triển manh mún.
Tiếp theo là giáo dục, nơi AI cũng đang ghi dấu ấn rõ nét. Điển hình là Elsa Speak, họ đã phát triển AI trong giáo dục cách đây khoảng 2 năm. Đây có thể trở thành ngôi sao sáng mở ra tiềm năng lớn cho mảng edtech (công nghệ giáo dục) cho Việt Nam.
Về tương lai, y tế vẫn sẽ là một lĩnh vực trọng yếu, bởi AI có thể tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong cách chăm sóc sức khỏe, từ dự phòng, chẩn đoán đến điều trị cá nhân hóa.
Bên cạnh đó là các lĩnh vực liên quan đến dự báo, chẳng hạn như dự báo thời tiết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, công nghệ AI có thể giúp các cơ quan chức năng dự đoán sớm và chính xác hơn các hiện tượng như lũ lụt, động đất, hạn hán.
Tiếp tới là ứng dụng AI trong robotics, đặc biệt là các phương tiện tự hành. Trong tương lai gần, AI và robot sẽ trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”, chúng ta sẽ thấy có ngày càng nhiều thiết bị trong nhà trở nên thông minh hơn khi có AI.
Đặc biệt là thương mại điện tử. Mảng này đã phát triển nhanh trong thời gian qua, nhưng với AI, nó sẽ bước sang một giai đoạn mới. AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, tối ưu vận hành chuỗi cung ứng và tăng hiệu quả marketing.
Không chỉ ở một số lĩnh vực trên, AI sẽ là một làn sóng công nghệ có sức lan tỏa đến mọi ngành nghề. Nó là một cuộc cách mạng thực sự và sẽ định hình lại cách chúng ta sống, làm việc và tương tác trong tương lai gần.
Đúng là AI đang len lỏi vào mọi lĩnh vực, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh. Theo ông, doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn gì?
Có hai trở ngại lớn mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt trong việc ứng dụng AI.
Thứ nhất, vấn đề nằm ở tư duy của người lãnh đạo. Nhiều chủ doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của AI. Trong suy nghĩ của họ, AI đơn giản chỉ là một công cụ hỏi đáp như ChatGPT, mà chưa thấy được tiềm năng cũng như cách thức AI có thể hỗ trợ họ, từ tái cấu trúc, tối ưu hóa vận hành đến nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, trước quá nhiều công cụ AI hiện có trên thị trường, doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, lựa chọn công cụ nào phù hợp. Việc này khiến nhiều người e dè, dễ bỏ qua cơ hội chuyển đổi số.
Ngoài ra, nhiều người lầm tưởng chi phí cũng là trở ngại, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chi phí không phải là rào cản chính. Một công cụ AI hiện nay có thể chỉ tốn bằng một nửa mức lương của một nhân sự mới ra trường, nhưng lại có năng suất gấp nhiều lần. Vấn đề không nằm ở giá thành, mà là doanh nghiệp có hiểu được giá trị và hiệu quả mà công nghệ đó mang lại hay không.
Thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều luật, chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, mà gần đây nhất là Luật Công nghiệp Công nghệ số. Ông đánh giá như thế nào về các nỗ lực này?
Việc Nhà nước chủ trương phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo là một tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, để tạo ra tác động thực sự, chính sách thôi là chưa đủ. Câu chuyện công nghệ và phát triển AI cần được thực hiện ở quy mô toàn dân và toàn quốc.
Trong đó, vai trò của những tập đoàn lớn có tiềm lực là đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là những đơn vị tiên phong trong đầu tư công nghệ, mà còn nên trở thành bệ đỡ, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ phát triển. Điều này giống như cách mà các “ông lớn” như Tencent, Xiaomi (Trung Quốc) đã làm. Sau khi thành công, trở thành các doanh nghiệp tỷ USD, họ đã xây dựng các hệ sinh thái và vườn ươm, hỗ trợ các công ty nhỏ vươn lên.
Ở Việt Nam, tôi kỳ vọng cũng sẽ có những đầu tàu như vậy, họ là những doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, tạo động lực và không gian phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI. Chỉ khi đó, những chủ trương từ nhà nước mới thực sự phát huy hiệu quả, lan tỏa đến toàn thị trường.
Cơ quan quản lý nên ưu tiên những chính sách gì để thúc đẩy ngành công nghệ phát triển mạnh mẽ, thưa ông?
Tôi cho rằng, chính sách về thuế nên được ưu tiên. Phần lớn các startup đều gặp khó khăn về dòng tiền trong giai đoạn đầu. Nhiều công ty dù có sản phẩm tốt vẫn bị phá sản chỉ sau vài tháng đầu tiên. Những chính sách thuế linh hoạt, ưu đãi trong những năm đầu hoạt động có thể giúp các doanh nghiệp này có thêm thời gian và nguồn lực để hoàn thiện sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Ngoài ra, còn chính sách đào tạo. Nhiều startup có thể tạo ra sản phẩm tiềm năng, nhưng chưa biết cách phát triển vì non trẻ. Họ thiếu người dẫn dắt, thiếu những “mentor” có kinh nghiệm thực chiến. Do đó, chúng ta cần một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa chính sách và giáo dục, có thể là xây dựng cái nôi từ các doanh nghiệp lớn, rồi trở lại mentor các doanh nghiệp nhỏ.
Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận: hoặc là Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ trong 5 năm tới nếu tập trung xây dựng một chiến lược phát triển công nghệ bài bản, hoặc chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu.