Ngân sách hụt thu vì ngành chủ lực suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 10 tháng đầu năm giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do vì thu từ xuất nhập khẩu giảm 21,9%; thu từ dầu thô giảm 19,8%... Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng ô tô giảm 20,4%; điện thoại di động giảm 17,7%; thép giảm 15,5%; xi măng giảm 5,6%; linh kiện điện thoại giảm 4,7%...
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm là một trong những lý do khiến ngân sách hụt thu 10 tháng đầu năm nay (Ảnh minh họa) Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm là một trong những lý do khiến ngân sách hụt thu 10 tháng đầu năm nay (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 88,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 83,3% dự toán.

Thu nội địa ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2022. Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, bằng 122,3% dự toán, giảm 19,8% so cùng kỳ năm 2022.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 188,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, giảm 21,9% so cùng kỳ năm 2022. Nếu tính trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 300,4 nghìn tỷ đồng, thì số thu thuế bằng 70,7% dự toán, giảm 17,2% so cùng kỳ.

Trong tổng thu ngân sách nhà nước, các khoản thu trực tiếp từ 03 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 85,5% dự toán, giảm 2,9% so cùng kỳ.

Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm gần 45,2% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh đạt khá so dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 5/5 kỳ theo quy định), thì số thu của 03 khu vực này chỉ bằng 92,7% cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính đến 15/10/2023 đạt 522,9 tỷ USD, giảm 10,9% so cùng kỳ năm 2022; riêng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 17,2% so cùng kỳ.

Ước tính có 24 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng đạt trên 86% dự toán; 7 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 56 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Tổng chi cân đối NSNN tháng 10 ước đạt 118 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 10 tháng đạt khoảng 1.357,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán, tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 401,9 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 56,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 35% (khoảng 104 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 80 nghìn tỷ đồng, bằng 77,8% dự toán, tăng 3,3% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 873,3 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán, tăng 3,8% so cùng kỳ.

Về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 707 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) khoảng 64,1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng số kế hoạch vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết là 758,2 nghìn tỷ đồng, đạt 107,23% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 98,16%); còn 20 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương chưa phân bổ chi tiết 12,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục