Ngân sách đã chi hơn 17.700 tỷ đồng để khắc phục đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00

Ngân sách Nhà nước đã chi 17.770 tỷ đồng để khắc phục đại dịch COVID-19, trong đó 5.080 tỷ đồng chi cho phòng chống dịch và 12.680 tỷ đồng chi hỗ trợ cho 12,78 triệu đối tượng bị ảnh hưởng.

Các công dân thực hiện rửa tay bằng dung dịch khử trùng ngay khi về đến khu cách ly, trước khi được các bác sỹ phát đồ dùng cá nhân. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN). Các công dân thực hiện rửa tay bằng dung dịch khử trùng ngay khi về đến khu cách ly, trước khi được các bác sỹ phát đồ dùng cá nhân. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN).

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính ngày 26/10, ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 17.770 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó 5.080 tỷ đồng thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch (theo Nghị quyết số 37/NQ-CP và Quyết định số 437/QĐ-TTg) và hỗ trợ 12,78 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch là 12.680 tỷ đồng cho (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg).

Ngoài ra, ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 3.170 tỷ đồng dự phòng để chi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi và hỗ trợ 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho 5 tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ.

Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả nhà ở do thiên tai gây ra, dự kiến kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ các hộ dân khoảng 1.400 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng chi ngân sách Nhà nước trong 10 tháng đạt 1,26 triệu tỷ đồng và bằng 72,1% dự toán, tăng 9,7% cùng kỳ.

Theo báo cáo, nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 321.500 tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán. V

Tính cả kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020 và số kế hoạch giao bổ sung trong năm, số vốn giải ngân đạt 379.500 tỷ đồng, bằng 60,37% kế hoạch năm.

Chi trả nợ lãi là 89.100 tỷ đồng, bằng 75,4% dự toán, giảm 3,1% và chi thường xuyên 841.300 tỷ đồng, bằng 79,6% dự toán, tăng 3% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước thực hiện trong 10 tháng là 1,13 triệu tỷ đồng và bằng 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngân sách trung ương đạt 70,5% dự toán và ngân sách địa phương bằng 81,2% dự toán.

Để đạt được kết quả trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và điều hành các giải pháp thu ngân sách nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ của năm 2020.

Cụ thể, các giải pháp bao gồm tăng cường công tác quản lý thu trên địa bàn, chống thất thu, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.

Bên cạnh đó là công tác rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các chi cục đồng thời phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu.

Cụ thể trong 10 tháng, thu nội địa 959.200 tỷ đồng, bằng 75,9% dự toán, giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Thu từ dầu thô là 29.650 tỷ đồng, bằng 84,2% dự toán, giảm 37,2% cùng kỳ và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 147.600 tỷ đồng, bằng 71,0% dự toán, giảm 21,2% so với cùng kỳ.

Với kết quả trên, Bộ Tài chính đặt nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11 về thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước và công tác quản lý, điều hành thu, chi.

Cụ thể, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các cục thuế trong công tác thu hồi nợ thuế, trong đó tập trung vào các trường hợp đơn vị có số nợ thuế lớn, các đơn vị nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các dự án chưa nộp ngân sách theo quy định, không được gia hạn hay cố tình chây ì nợ thuế.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng ở mức cao nhất.

Trong công tác điều hành ngân quỹ và huy động vốn, quản lý chặt chẽ nợ công, Bộ Tài chính cam kết tổ chức điều hành ngân quỹ và đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách Nhà nước cũng như các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

Về cải cách thủ tục hành chính, Bộ cho biết tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ sẽ triển khai ký kết thỏa thuận với các ngân hàng thương mại về tổ chức phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử giữa Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục