Vốn tín dụng vào bất động sản đang chậm lại

(ĐTCK) Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 6/1 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản năm 2019 đạt 8,8% - thấp hơn so với mức tăng trưởng chung toàn ngành. Nợ xấu ở lĩnh vực này cũng được kiểm soát ở mức thấp 1%.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản năm 2019 thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành, đạt 8,8%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản năm 2019 thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành, đạt 8,8%.

“Điều này cho thấy, tín dụng vào bất động sản thời gian qua đã được sàng lọc và hướng đến những dự án có hiệu quả”, ông Hùng nói.

Cũng theo đại diện NHNN, việc giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN là nhằm kiểm soát rủi ro trong cho vay bất động sản, chứ không phải “siết” tín dụng bất động sản.

Với lộ trình gồm 3 giai đoạn đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn sẽ giảm từ 40% hiện nay xuống 37% vào tháng 10/2020 và 30% vào năm 2022.

“NHNN sẽ kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hệ thống trước những thay đổi của điều kiện kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”, ông Hùng nhấn mạnh.

Liên quan tới quy định khoản vay mua bất động sản có số dư nợ trên 4 tỷ đồng thì áp dụng hệ số rủi ro 150%;

Từ 1,5-3 tỷ đồng áp dụng hệ số 100%; còn dưới 1,5 tỷ đồng, các khoản vay mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các dự án, chương trình hỗ trợ của Chính phủ áp dụng hệ số 50% nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội vốn đang thiếu nguồn cung.

Do đó, theo đại diện NHNN, quy định Thông tư 22 không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản và các ngân hàng chỉ nên cho vay mua nhà đối với những khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, chứ không phải mua nhà để kinh doanh, đồng thời giá cả cũng phải phù hợp.

Trên thực tế, tín dụng mua nhà luôn được các ngân hàng đẩy mạnh cho vay và điều này cũng được khuyến khích, thay vì tập trung tín dụng cho chủ đầu tư dự án.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, lĩnh vực nào cũng tiềm ẩn rủi ro, chứ không riêng bất động sản và hiện tại, ngân hàng không hạn chế việc cá nhân vay vốn mua nhà.

Techcombank là một trong những ngân hàng đang đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, cho vay mua nhà ở là 1 trong 6 lĩnh vực trọng tâm mà Techcombank hướng đến trong mảng bán lẻ.

“Mục tiêu đến hết năm 2020, Techcombank sẽ đưa tỷ trọng cho vay doanh nghiệp, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngang bằng với tỷ trọng dư nợ của khách hàng cá nhân.

Theo đó, Techcombank sẽ đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà, mua xe... dựa trên nguồn thu nhập ổn định và có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng không phục vụ nhu cầu vay mua nhà để kinh doanh, cũng như các khoản tiêu dùng cá nhân có tính chất ngắn hạn”, ông Quốc Anh nói.

Tại ACB, lãnh đạo ngân hàng này thông tin, từ nay đến năm 2021, ACB sẽ nâng tổng số tài khoản thanh toán lên gấp đôi, đạt khoảng 5 triệu tài khoản. Riêng mảng bán lẻ ước đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng dư nợ.

Trong đó, cho vay mua nhà, sửa nhà chiếm khoảng 35%, còn cho vay mua ô tô chiếm tỷ trọng không nhiều.

Sở dĩ các ngân hàng luôn xem tín dụng mua nhà để ở là sản phẩm chủ lực trong hoạt động tín dụng vì biên lãi ròng (NIM) ở mức khá cao, dao động từ 4-5%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay mua nhà hiện phổ biến 8-12%, huy động vào ở mức 6-7%/năm.

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các nhà băng khó có thể “đóng cửa” cho vay đối với bất động sản, nhất là với cá nhân vay mua nhà, bởi đây là phân khúc tín dụng nhiều tiềm năng, rủi ro được phân tán, thay vì tập trung cho vay dự án như trước đây.

Dẫu vậy, khả năng lãi suất cho vay đối với cá nhân mua nhà sẽ khó giảm như kỳ vọng trước lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đã đề ra.

Theo lãnh đạo NHNN, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực rủi ro, nhưng không có nghĩa là “đóng cửa”, không cho vay ở lĩnh vực này, mà chỉ cung ứng vốn cho những dự án bất động sản có hiệu quả, kể cả dự án BOT.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục