Vốn tín dụng, trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo

(ĐTCK) Nguồn vốn tín dụng ngân hàng nói chung, tín dụng chính sách nói riêng, đã đạt được những kết quả tích cực và trở thành một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 
Vốn tín dụng, trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo

Tính đến cuối tháng 8/2019, tổng nguồn vốn chính sách đạt 207.708 tỷ đồng

Tại “Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững” do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng ngày 23/9, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin, tính đến ngày 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng (tương ứng tăng 43,59%) so với thời điểm 31/12/2015.

Trong đó, ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 35.581 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng nguồn vốn.

Ngân hàng Chính sách xã hội huy động trên thị trường, vay Ngân hàng Nhà nước, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 147.389 tỷ đồng, chiếm 69,5% tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 14.516 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn và tăng thêm 10.709 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Trên cơ sở nguồn vốn đã có, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (tăng 40,2%) so với thời điểm 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong đó, Chương trình tín dụng hộ nghèo đạt 35.888 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ, với hơn 1,1 triệu hộ đang còn dư nợ.

Chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ, với trên 1,4 triệu khách hàng...

Mặc dù đạt kết quả khả quan, song ông Thắng cũng cho biết, vẫn còn những tồn tại như nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực.

Tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm… chưa gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Nguyên nhân của những hạn chế này được ông Thắng chỉ rõ là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định tín dụng chính sách xã hội là động lực quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, xã hội nên chưa tập trung nguồn lực thỏa đáng cho tín dụng chính sách xã hội.

“Thiếu sự phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, huấn luyện, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách trong toàn quốc, cũng như trên từng địa bàn, đặc biệt là địa bàn cấp xã”, ông Thắng nói.

Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xóa đói, giảm nghèo

Ông Ðào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, công tác giảm nghèo hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như: Ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đang đe dọa tăng trưởng bền vững trong dài hạn của Việt Nam, trong đó sản xuất nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng mạnh và rõ nét nhất;

Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, đồng nghĩa với thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn và người nghèo sẽ là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả; công tác giảm nghèo sẽ trở nên ngày một tốn kém hơn, đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào hơn nữa cho công tác giảm nghèo…

“Những vấn đề này đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo nói chung và hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng”, ông Tú nhấn mạnh.

Dẫu vậy, về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Ðào Minh Tú cho biết, sẽ tiếp tục triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo:

Thứ nhất, tập trung nguồn vốn ngân hàng cho đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh cho vay chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; đầu tư cho vay xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa...

Gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khi hết thời gian vay vốn ưu đãi có thể tiếp cận ngay với nguồn vốn tín dụng thương mại, giúp họ ổn định làm ăn và thoát nghèo bền vững.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan rà soát tổng thể chính sách giảm nghèo để điều chỉnh phù hợp.

Rà soát các chương trình tín dụng ưu đãi hiện nay để lựa chọn tính ưu tiên, trọng tâm, phù hợp với từng vùng, địa phương, đảm bảo tính phối hợp chính sách trong tổng thể các chính sách tín dụng ưu đãi hiện nay, tạo sự đồng bộ theo hướng phát triển từ bớt nghèo, thoát nghèo, giảm nghèo bền vững đến ổn định và phát triển.

Hoàn thiện khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc cung cấp tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác theo quy định.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ tư, tập trung phát huy lợi thế của hệ thống mạng lưới ngân hàng tại các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là các địa điểm hoạt động ở khu vực nông thôn; đẩy nhanh tiến độ phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Rà soát, sắp xếp, chấn chỉnh và mở rộng các loại hình tín dụng, tài chính vi mô; khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa để tạo điều kiện cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, tiếp tục xây dựng chiến lược của Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện thành công chiến lược ngành ngân hàng.

Ðối với các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.     

Cân đối, bố trí đủ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng

Hàng năm, Chính phủ cần cân đối, bố trí đủ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xem xét, ban hành cơ chế cho vay đối với hộ có mức sống trung bình cho phù hợp với Quyết định số 59/2015/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Sửa đổi, bổ sung cơ chế xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cho phù hợp với thực tế.

Tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong giai đoạn tiếp theo.

Ðồng thời, cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm…

Cần tăng hạn mức và thời hạn cho vay ở một số đối tượng

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Ðể phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội cần nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo lên 10 năm, đồng thời nâng mức cho vay tối đa đối với cho vay sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn lên mức 100 triệu đồng/hộ để tạo điều kiện cho hộ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Cùng với đó, cần nâng thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn; nâng mức cho vay không phải đảm bảo tiền vay tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với cho vay xuất khẩu lao động…

Cần nâng mức cho vay chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên

Bà Nguyễn Thị Quyến, Thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 42 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên và nhờ đó, các con tôi đã thực hiện được ước mơ vào đại học. Sau khi ra trường, cả hai cháu đều đạt bằng giỏi, xin được việc làm và có thu nhập ổn định để đang trang trải các khoản vay của Ngân hàng.

Qua hội nghị, tôi xin phép có đề suất như sau: Ðể nhiều học sinh, sinh viên được đến trường, các cháu yên tâm học hành, các cấp ngành cần nâng mức cho vay chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên lên khoảng 3 triệu đồng/tháng để đủ trang trải chi phí học tập như hiện nay của các cháu.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục