Vẫn có những ngân hàng tự tin

(ĐTCK) Tuần này là cao điểm của các đại hội đồng cổ đông nói chung và ngân hàng nói riêng, những con số công bố có vẻ hài lòng nhiều cổ đông khó tính.
Vietcombank vẫn tự tin về kết quả kinh doanh rất tốt năm nay. Vietcombank vẫn tự tin về kết quả kinh doanh rất tốt năm nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đến 16/6 mới chỉ đạt 2,13%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước (5,7%). Đây là điều không khó hiểu, thậm chí còn được coi là số liệu tốt vì ngay khi dịch xảy ra, nhiều dự báo còn có mức độ xấu hơn rất nhiều về khả năng cho vay mới.

Thực tế, tín dụng liên tiếp những tháng đầu năm xu hướng tăng hấp hơn o với cùng kỳ các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ 2019 tăng 4,44%). Đến 20/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%.

Đáng chú ý, qua 5 tháng đầu năm nay, không phải ngân hàng nào cũng theo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, mà tập trung hơn vào hỗ trợ khách hàng nhằm vừa chia sẻ, vừa hạn chế rủi ro nợ xấu.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết, Ngân hàng năm nay chủ động xin với NHNN chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 10%, thực tế qua 5 tháng đầu năm mới tăng trên 2%.

Tín dụng là kênh đóng góp lợi nhuận chủ yếu cho các nhà băng từ trước tới nay, chưa ngân hàng nào có nguồn thu lợi nhuận từ dịch vụ lớn hơn từ tín dụng (chênh lệch lãi suất). Và tình hình này khiến nhiều cổ đông quan ngại lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ giảm mạnh.

Thực tế qua nửa đầu năm, một số ngân hàng vẫn có tăng trưởng tín dụng âm, rất ít ngân hàng có được tốc độ tăng khá. Sacombank là trường hợp như vậy.

Theo Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cầu vốn của khách hàng không tăng đột biến, tuy nhiên do hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9% và gần 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đã xấp xỉ 6%, khiến room còn lại của Sacombank cho tăng trưởng tín dụng chỉ là 3%, nên Ngân hàng đã trình xin NHNN nói room tín dụng lên 14% để có thêm dư địa cho vay trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.

Ghi nhận trên thị trường, có 3 ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 20% năm nay.

Đó là MSB đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 20% lên mức 81.500 tỷ đồng; Nam A Bank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020 trong kỳ họp cổ đông ngày 27/6 tới, với dư nợ tín dụng tăng 21% lên 82.000 tỷ đồng; ngày 30/6 tới, VIB trình cổ đông thông qua các ra mục tiêu 2020, với dư nợ tín dụng tăng tới 24% so với năm 2019, đạt 164.408 tỷ đồng, bao gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và mua nợ.

Vẫn có những kế hoạch tự tin

Đối với ngành ngân hàng, lợi nhuận dù phụ thuộc lớn vào tín dụng, nhưng cũng chỉ là một chi tiêu “tùy biến”, phụ thuộc rất lớn vào số trích lập dự phòng rủi ro.

Chênh lệch thu chi là chỉ tiêu được các ông chủ nhà băng quan tâm hơn, khi có con số này thì việc trích lập dự phòng (tất nhiên theo quy định) nhiều hay ít sẽ quyết định con số lợi nhuận năm đó của ngân hàng.

Có lẽ vì vậy, dự báo lợi nhuận ngân hàng năm nay dù phải quan tâm nhiều tới dư nợ, NIM (chênh lệch lãi suất cho vay và huy động),… thì phải quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tài sản thể hiện ở nợ xấu được hạch toán.

Đáng chú ý, điều này đang được các nhà băng mặc định là nợ xấu vẫn trong vòng an toàn (dưới 3% tổng tài sản có rủi ro), và ít được đề cập rõ nét.

Nam A Bank cho biết, nếu đạt được tăng trưởng tín dụng như kế hoạch đề ra, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Ngân hàng có thể đạt 1.000 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2020, dư nợ Nam A Bank tăng 4,6%, đạt gần 70.700 tỷ đồng. Tương tự VIB dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt 4.500 tỷ đồng.

Techcombank và Vietcombank có lẽ là trường hợp ít khi chủ tịch cả 2 nhà băng này thường xuyên nói về chất lượng tài sản và dự phòng.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, hiện tỷ lệ “bao nợ xấu” của Vietcombank đang là 260%, tức là có 100 đồng nợ xấu thì Vietcombank đang dự phòng 260 đồng. Khái niệm “bao nợ xấu” tạm coi là do ông Thành “phát kiến” để giải thích một cách đơn giản những khái niệm tài chính phức tạp.

Còn tại Techcombank, trả lời với cổ đông cuối tuần trước tại đại hội đồng cổ đông. Chủ tịch ngân hàng này, ông Hồ Hùng Anh thẳng thắn cho biết, khách hàng của Techcombank có thể ít, “nhưng phải tốt”.

Đáng chú ý, 2 cái tên trên cũng là 2 ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng năm nay.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, mặc dù Ngân hàng phải giảm lợi nhuận lớn để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng sẽ vẫn là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất hệ thống và phấn đấu xấp xỉ bằng năm ngoái. Năm 2019, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cán mốc lợi nhuận tỷ USD.

Tương tự, Techcombank dự kiến trước thuế là 13.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục