Trích lập dự phòng rủi ro, hai gam màu đối lập của các ngân hàng

(ĐTCK) Trong khi không ít ngân hàng giảm mạnh dự phòng rủi ro thì vẫn có nhiều nhà băng phải tăng trích dự phòng khi nợ nhóm 5 nhích dần.
Trích lập dự phòng rủi ro, hai gam màu đối lập của các ngân hàng

Báo cáo tài chính quý III của ACB cho thấy, việc giảm chi phí dự phòng tới 75,5% xuống còn 162 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay là một trong những yếu tố quan trọng giúp Ngân hàng đạt mức lợi nhuận 5.561 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4% so với cùng kỳ.

VietBank công bố lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 429 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2018. Động lực chủ yếu đến từ lãi hoạt động khác tăng đột biến 146% lên 104 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 54%, xuống 36,6 tỷ đồng.

Tại VietABank, mặc dù lãi từ các hoạt động kinh doanh kém khả quan, nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng dương nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Ngân hàng cho thấy, lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 70 tỷ đồng, tăng trưởng 153% so với cùng kỳ 2018 nhờ chi phí dự phòng giảm từ 195 tỷ đồng xuống 126 tỷ đồng, cho dù thu nhập lãi thuần chỉ đạt 336,6 tỷ đồng, giảm 8,6% và lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đều rất thấp, chỉ 1 - 2 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 11,5 tỷ đồng, tăng 14%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt 152 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2018, với chi phí hoạt động tăng thấp, đạt 7% lên 443 tỷ đồng, trong đó chi phí dự phòng giảm 37% xuống 225 tỷ đồng.

Với Saigonbank, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 198 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ 2018. Kết quả này phần nhiều là nhờ Ngân hàng giảm mạnh được chi phí dự phòng.

Riêng quý III, chi phí dự phòng của Saigonbank giảm tới 86%, xuống 11 tỷ đồng, trong khi thu nhập lãi thuần đạt 210 tỷ đồng, tăng 36%; lãi từ hoạt động khác đạt 30 tỷ đồng, tăng 20%...

PGBank cũng báo lãi sau thuế 9 tháng gần 56 tỷ đồng, gấp 8,6 lần năm trước nhờ cắt giảm đến 74% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Trong khi đó, do nợ xấu tăng, nhất là nợ nhóm 5 nên chi phí dự phòng của BIDV vẫn ở mức cao, lên tới 16.502 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. BIDV đang là một trong những ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao nhất hiện nay.

Cùng xu hướng, VPBank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 3.522 tỷ đồng trong quý III/2019, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng, khoản dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng tăng gần 22% so với cùng kỳ, lên mức 9.993 tỷ đồng, song nhà băng này vẫn thu về gần 5.754 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17% so với cùng kỳ 2018.

Báo cáo tài chính quý III của MBBank cho thấy, tổng chi phí hoạt động trong kỳ tăng gần 42%, lên mức 1.968 tỷ đồng; trong đó, chi phí dự phòng đạt 830,13 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, chi phí dự phòng của ngân hàng này lên trên 2.500 tỷ đồng, tuy tỷ lệ nợ xấu của MBBank đến hết quý III/2019 chỉ ở mức 1,35%.

Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của MBBank tăng mạnh từ mức 858,56 tỷ đồng đầu năm lên mức 1.345 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019. Đó là lý do khiến dự phòng rủi ro của ngân hàng này tăng.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, Ngân hàng mẹ MB vẫn báo lãi sau thuế hơn 5.478,2 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ở quy mô nhỏ hơn, dự phòng rủi ro của OCB 9 tháng đầu năm ở mức 632 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái, nhưng nhà băng này vẫn báo lãi trước thuế gần 2.000 tỷ đồng sau ba quý kinh doanh.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thu nhập lãi sẽ chậm lại và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục cải thiện chọn lọc ở một số ngân hàng là một trong các yếu tố khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng thấp hơn. Dư địa tăng NIM trở nên hạn chế hơn do nhiều lý do.

Thứ nhất là áp lực huy động vốn trung dài hạn tăng nên, các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên cao hơn nhằm thu hút khách gửi tiền.

Thứ hai là tỷ trọng cho vay bán lẻ đã ở mức cao, cạnh tranh trong mảng cho vay bán lẻ gia tăng. Thứ ba là hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ/vốn huy động) được đẩy mạnh gần ngưỡng.

Đồng thời, dự phòng rủi ro của một số ngân hàng khó giảm, do gánh nặng nợ xấu sau sáp nhập, hợp nhất mua lại cao buộc trích lập dự phòng lớn.    

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục