Ngân hàng “thắt lưng buộc bụng” đối phó với bão Covid-19

(ĐTCK) Các ngân hàng đang phải tiết giảm mọi chi phí, thậm chí cắt giảm mạnh lương của lãnh đạo cấp cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng “thắt lưng buộc bụng” đối phó với bão Covid-19

Giảm lương và phụ cấp tới 50%

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, nhằm tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động, Hội đồng quản trị, Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của Ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch.

Các cấp quản lý toàn hệ thống từ Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10 - 30% tùy theo mức thu nhập.

Bên cạnh đó, Ngân hàng quyết liệt rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội từ 0h ngày 1/4/2020 song vẫn đảm bảo thông suốt hoạt động ngân hàng, SHB đã rà soát toàn bộ hệ thống, cho phép những vị trí và nhân sự thực sự cần thiết mới phải đi làm, phần lớn cán bộ nhân viên của Ngân hàng làm việc tại nhà.

SHB đã tích cực tuyên truyền quảng bá để thay đổi thói quen giao dịch, khuyến khích khách hàng thanh toán không tiền mặt thông qua nhiều chương trình ưu đãi khi giao dịch qua các kênh điện tử.

“Ðồng thời, với sự chỉ đạo quyết liệt trực tiếp từ Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, các đơn vị kinh doanh cử cán bộ kinh doanh làm việc trực tiếp với từng nhóm ngành hàng, với từng khách hàng để xác định được mức hỗ trợ chính xác và phù hợp nhất cho từng đối tượng”, ông Lê nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp  một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, Ngân hàng đã chốt phương án không tăng lương cho cán bộ nhân viên trong năm 2020, thậm chí đang tính kế hoạch giảm 20% lương của toàn Ngân hàng.

Trong khi đó, SCB tạm ngưng việc thanh toán tiền làm thêm ngoài giờ cho cán bộ nhân viên và chuyển đổi số giờ làm thêm sang hình thức nghỉ bù.

Một số bộ phận ảnh hưởng do việc hạn chế giao dịch trực tiếp với khách hàng được bố trí nghỉ luân phiên, sử dụng ngày phép năm hoặc nghỉ không lương nếu đã hết phép. Ðối với các cấp lãnh đạo, hiện SCB chưa thực hiện giảm lương nhưng cắt giảm các loại phụ cấp.

Còn tại một số ngân hàng khác, khảo sát của Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, đối với bộ phận hỗ trợ, những phòng ban nào không làm việc trực tiếp hay không có tương tác với khách hàng thì luân phiên nhau nghỉ.

Ngày đi làm thì được tính lương, còn ngày nghỉ thì không được tính lương. Những người được yêu cầu làm việc ở nhà phải thực hiện cơ chế gửi báo cáo hàng ngày, hàng tuần về công việc đã làm, sau đó lãnh đạo quy đổi thành giờ làm việc và tính lương.

“Thu nhập bằng lương cơ bản cộng với phụ cấp. Lương cơ bản không cao nên nhân viên chủ yếu trông vào phụ cấp. Trong đợt dịch bệnh Covid-19, cán bộ nhân viên toàn Ngân hàng sẽ bị trừ 30% phụ cấp, sau đó sẽ xem xét tiếp lượng công việc giảm nhiều hay ít để giảm tiếp phụ cấp nhưng không vượt quá mức 50%. Thu nhập bị giảm nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, Ngân hàng không buộc nhân viên nghỉ việc cũng là điều đáng mừng”, một nhân viên của LienVietPostBank chia sẻ.

Năng suất lao động cao với chi phí thấp

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm đến nay khiến nền kinh tế đình trệ. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi giảm 2  - 2,5%/năm có quy mô lớn, nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt 8.301.988 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019, thấp hơn mức tăng 3,19% của cùng kỳ năm 2019. 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cũng chỉ ra thực trạng hiện nay các ngân hàng đang trong tình trạng “không biết cấp vốn cho ai vì đều là nguy hiểm”, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

“Dư nợ của toàn ngành dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống đang là tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Ðồng thời các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 - 3%/năm đang được triển khai sẽ khiến lợi nhuận các ngân hàng giảm 20 - 30%. Do vậy, để tối ưu hóa chi phí, các ngân hàng đều buộc phải cách này hay cách khác tiết giảm chi phí hoạt động, kinh doanh”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận.

Tại VPBank, theo Tổng giám đốc Nguyễn Ðức Vinh, Ngân hàng đã tiến hành rà soát các giải pháp tối ưu hóa chi phí, giảm và hoãn các dự án, công việc chưa thiết yếu... nhằm tập trung giảm chi phí vận hành.

Ngân hàng đẩy mạnh khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt với nhiều ưu đãi khi giao dịch như miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả giao dịch, tặng lãi suất từ 0,2%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến ở hầu hết các kỳ hạn và giảm 10 - 25% giá trị mua sắm trên nhiều trang thương mại điện tử.

Kết thúc quý I/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ.

Thực tế, các ngân hàng đã rất nỗ lực thúc đẩy năng suất lao động cao với mức chi phí thấp từ năm 2019 và điều này sẽ tạo nền tảng để vượt qua những khó khăn của năm 2020.

Chẳng hạn, kênh ngân hàng trực tuyến củaVPBank ghi nhận trung bình 4,2 triệu lượt đăng nhập mỗi ngày tính đến cuối năm 2019, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2018.

Số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử đã chiếm 63% tổng số giao dịch toàn ngân hàng và lượng giao dịch được thực hiện tại các máy giao dịch tự động như ATM chiếm khoảng 33%.

“Hiện có khoảng 96% lượng giao dịch được thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng điện tử và hệ thống ngân hàng tự động. Chỉ còn khoảng 4% lượng giao dịch tại VPBank là trực tiếp ở các quầy giao dịch và tỷ lệ này sẽ giảm khi VPBank liên tục cải thiện độ ổn định của hệ thống ngân hàng điện tử, tích hợp thêm nhiều tính năng mới nhằm tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng số”, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết.

Hay như xét về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, VIB đang là ngân hàng có suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong 22 ngân hàng khảo sát với chỉ số ROE lãi ròng trên vốn tự có năm 2019 đạt 27,1%, nghĩa là Ngân hàng đã kiếm lời được 27,1 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh. TPBank đứng thứ hai với ROE đạt 26,11% trong khi OCB đứng ngay sát phía sau với 25,43%.

ACB, MBB, VPBank, BIDV, HDBank cũng là những ngân hàng có hiệu quả khai thác vốn khá tốt với ROE đều trên 20% trong năm qua.            

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục