Ngân hàng hứa hẹn chia cổ tức cao

(ĐTCK) Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, nhiều ngân hàng hứa hẹn sẽ chia cổ tức cho cổ đông ở mức cao, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu.
Những ngân hàng đang cần tăng vốn điều lệ đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel II sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt. Những ngân hàng đang cần tăng vốn điều lệ đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel II sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt.

Nhiều ngân hàng chia cổ tức năm 2019 ở mức 30%

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, kết thúc năm 2019, ACB đạt 7.500 tỷ đồng lợi nhuận, vượt hơn 3% so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm là 7.279 tỷ đồng.

Với kết quả này, ACB dự kiến chia cổ tức 2019 mức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Kế hoạch này đã được Hội đồng quản trị ACB đưa ra trong kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 và các cổ đông đã thông qua.

Những năm gần đây, ACB thường chia cổ tức ở mức cao trên 20%.

SHB vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 12.036 tỷ đồng lên hơn 14.550 tỷ đồng dưới hình thức chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại tính đến 31/12/2018.

Theo đó, SHB sẽ phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 2.514 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20,9%.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chấp thuận việc SHB tăng vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Phương án tăng vốn điều lệ này đã được ĐHCĐ thường niên 2019 SHB thông qua. Để thực hiện tăng vốn, SHB sẽ phát hành gần 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Như vậy, từ việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng, SHB sẽ tăng vốn điều lệ thêm tổng cộng 5.500 tỷ đồng, lên mức hơn 17.500 tỷ đồng (tương đương mức tăng hơn 45%).

Mục đích tăng vốn là nhằm đạt chuẩn Basel II vào năm 2020, đẩy mạnh việc đầu tư vào công nghệ thông tin, cũng như nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của MBBank từ 23.727 tỷ đồng lên 24.417 tỷ đồng theo đề nghị tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2019.

Trước đó, cổ đông của MBBank thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 20%, từ 21.604 tỷ đồng lên 25.841 tỷ đồng trong 2 đợt.

Tại đợt 1, MBBank tăng vốn điều lệ thêm 1.690 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 8%.

Sau đó, Ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm 432 tỷ đồng thông qua phát hành cho cán bộ nhân viên 43,2 triệu cổ phần tương ứng với 2% vốn điều lệ. Đợt 2, MBBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2.584 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 211,35 triệu cổ phần và chào bán 47 triệu cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài các nhà băng trên, HDBank, VPBank... cũng là những nhà băng chia cổ tức 30% những năm gần đây.

Thực tế, kết quả kinh doanh năm 2019 khả quan là điều kiện để các ngân hàng chia lợi tức cao.

Riêng những ngân hàng đang cần tăng vốn điều lệ đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel II như VietinBank, Nam A Bank..., việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ được thực hiện, thay vì bằng tiền mặt.

Kỳ vọng tiếp tục bứt phá trong năm 2020

Năm qua, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đã vượt mục tiêu. 10 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận năm 2019 là Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, MBBank, ACB, HDBank, VIB và TPBank, trong đó có 6 nhà băng có lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng.

Vietcombank giữ ngôi quán quân với 23.122 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019, tăng 27% so với 2018 và đạt 115% kế hoạch năm.

VietinBank đứng vị trí thứ 3, vượt BIDV trong bảng xếp hạng. Lợi nhuận của BIDV tăng khoảng 15% lên 10.876 tỷ đồng.

Về phía các ngân hàng cổ phần tư nhân, Techcombank có lãi trước thuế 2019 đạt 12.838 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018 và vượt 9% kế hoạch đề ra.

Năm 2019, VPBank có lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018 và vượt 9% kế hoạch. MBBank lãi trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018 và tương đương 101% kế hoạch năm.

Với kết quả tích cực trong năm qua, nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm nay. Đơn cử, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 26.500 tỷ đồng.

BIDV lên kế hoạch đạt 12.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. VietinBank đưa ra các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 10% trở lên, tổng tài sản tăng trưởng từ 6-8%, tín dụng tăng trưởng khoảng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%...

Tại nhiều ngân hàng tư nhân, mức tăng trưởng đưa ra cho năm 2020 còn cao hơn so với các ngân hàng có vốn nhà nước.

Chẳng hạn, năm nay, Hội đồng quản trị ACB dự kiến sẽ trình ĐHCĐ thường niên năm nay (dự kiến tổ chức trong quý I hoặc quý II/202) thông qua chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 8.700 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 25%.

Eximbank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước dự phòng là 2.400 tỷ đồng.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2020, đại diện VietBank nhận định, kinh tế năm 2020 chưa hết khó khăn, nhưng vẫn có nhiều thuận lợi, nên Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao, tối thiểu 40% so với năm 2019...

Mặc dù đại dịch cúm do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra diễn biến ngày một phức tạp, nhiều nhận định cho rằng, ngành ngân hàng sẽ không chịu tác động nhiều.

Thậm chí trong Báo cáo đánh giá tác động của dịch virus Corona mới đây, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) còn cho rằng, nhóm ngành ngân hàng và các nhóm xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi.

Theo KBSV, hiện còn quá sớm để đánh giá hậu quả của dịch bệnh viêm phổi Corona, nhưng với động thái kiểm soát quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc cũng như mức độ phát triển của dịch bệnh, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ hạn chế hơn so với đại dịch SARS năm 2003.

Trong động thái mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 21,7 tỷ USD vào thị trường tiền tệ trong phiên mở cửa trở lại ngày 3/2 nhằm bình ổn tâm lý thị trường, cùng với những gói vay lãi suất thấp giúp đỡ các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh.

Việt Nam cũng là một trong những nước chịu tác động kinh tế từ dịch bệnh, nên nhiều khả năng có thể nới tăng trưởng tín dụng vượt mức đề ra nếu mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng Chính phủ sẽ kích thích tài khóa, đẩy mạnh đầu tư công.

Bởi vậy, việc KBSV nhận định nhóm ngành ngân hàng và các nhóm xây dựng hạ tầng được hưởng lợi không phải là không có cơ sở.

Hiện tại, các ngân hàng đều tung ra các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và chia sẻ khó khăn đối với khách hàng. 

Tương tự, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận định, nếu dịch nCoV nằm trong tầm kiểm soát, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, nếu dịch nCoVnằm trong tầm kiểm soát với số ca nhiễm và tử vong không lớn, dự báo GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đó, nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh, sản xuất có thể sẽ giảm khiến nhu cầu về vốn của ngân hàng không chịu áp lực lớn.

Trong kịch bản này, sau giai đoạn nửa đầu năm có lạm phát cao, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ để kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Chi phí đầu vào giảm là một trong những điều kiện để ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động.

Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng đều đưa ra dự báo về ngành ngân hàng năm 2020 vẫn tăng trưởng tích cực, cho dù các quy định pháp lý trong hoạt động ngân hàng chặt chẽ hơn.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoan này, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì khả năng tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14%, riêng những ngân hàng thuộc Top đầu tăng trưởng khoảng 15-16%. Đồng thời, nguồn thu ngoài lãi sẽ tiếp tục tăng mạnh, trong khi dự phòng rủi ro giảm.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục