Ngân hàng hạ chỉ tiêu kinh doanh, tăng dự phòng rủi ro

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đây là lý do để các nhà băng cân nhắc lại chỉ tiêu kinh doanh năm 2020, tăng dự phòng rủi ro trước nguy cơ nợ xấu có thể gia tăng.
Ngân hàng hạ chỉ tiêu kinh doanh, tăng dự phòng rủi ro

Đánh giá tác động của dịch bệnh, HĐQT Eximbank vừa ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020.

Theo đó, Eximbank cắt giảm mạnh chi phí hoạt động xuống mức 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8%) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4%).

Đáng chú ý, theo kế hoạch điều chỉnh, Eximbank đã tăng chi phí dự phòng lên 414 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, cho dù đã được hoàn nhập hơn 35 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng quý đầu năm nay.

Theo một nguồn tin, hiện Eximbank đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường 2019 (do năm 2019 chưa tổ chức được ĐHCĐ) và ĐHCĐ thường niên 2020 để thông qua các chỉ tiêu kinh doanh trong năm nay.

Với Nam A Bank, ngân hàng này dự kiến dư nợ cho vay năm nay sẽ tăng 21,4%, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ ở mức 800 tỷ đồng, giảm 13,47% so với năm 2019.

Tại BIDV, Ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt 12.500 tỷ đồng trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 3.

Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, nên không loại trừ khả năng BIDV sẽ phải tính toán lại mục tiêu kinh doanh năm 2020.

Thực tế, dưới tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, toàn hệ thống ngân hàng đã vào cuộc hỗ trợ thông qua việc tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay… cho các khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng có vốn nhà nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ một cách quyết liệt và nhanh chóng hơn.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, các ưu đãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có thể được áp dụng cho bất cứ cá nhân, tổ chức, hộ gia đình là khách hàng bị sụt giảm doanh thu do dịch bệnh, mà không giới hạn ngành nghề, loại hình kinh doanh, tất cả các khoản vay thỏa mãn điều kiện mà không phân biệt đồng tiền vay và nhóm nợ tại thời điểm thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải xử lý nhanh chóng các yêu cầu hỗ trợ của khách hàng và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho bên yêu cầu.

Với định hướng này của NHNN, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, phạm vi và mức độ miễn giảm lãi, cơ cấu nợ sẽ mở rộng hơn trong các tháng tới, nên sẽ tác động tiêu cực lên biên lãi ròng (NIM) quý II/2020 của các ngân hàng.

Mặt khác, trước bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, các ngân hàng phải tăng trích dự phòng để kiểm soát nợ xấu.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của các nhà băng giảm trong quý đầu năm nay.

Đơn cử, tại VietinBank, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng mạnh tới gần 36% trong 3 tháng đầu năm, từ 3.241,5 tỷ đồng lên 4.392,7 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế quý I/2020 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ 2019, đạt 2.974,4 tỷ đồng.

Tương tự, chi phí trích lập dự phòng của MB quý I/2020 đã tăng 117%, từ 964,4 tỷ đồng lên 2.092 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế giảm về mức 2.145,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 9,5% so với cùng kỳ 2019.

Tại BIDV, trong 3 tháng đầu năm 2020, chi phí hoạt động và dự phòng tăng 16-17%, khiến lợi nhuận Ngân hàng giảm 27%, xuống mức 1.315 tỷ đồng, cho dù nợ xấu giảm 1,5%.

Trong báo cáo chiến lược quý II/2020 vừa công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhìn nhận, nợ xấu của các ngân hàng thương mại có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh.

Nguyên nhân bởi đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến lợi nhuận các ngành sản xuất và dịch vụ, hiện chiếm khoảng 82% cơ cấu cho vay, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.

Theo đó, BSC dự báo tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống lên 1,7%, từ mức giả định ban đầu là 1,4%.

Chất lượng tài sản sản suy giảm tại các ngân hàng cũng sẽ khiến chi phí trích lập dự phòng tăng lên. Điều này giải thích vì sao tình hình nợ xấu tại nhiều ngân hàng dần kém tích cực sau 3 tháng đầu năm nay, gây tác động xấu tới lợi nhuận.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục