Lợi nhuận ngân hàng nhỏ dần cải thiện

(ĐTCK) Báo tài chính quý III/2019 của các ngân hàng nhỏ cho thấy, lợi nhuận đã dần cải thiện nhờ tăng thu từ dịch vụ, tiết giảm chi phí hoạt động, nhất là chi phí dự phòng rủi ro, cho dù room tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.
Các ngân hàng nhỏ đang nỗ lực thu hồi nợ xấu để giảm dự phòng rủi ro. Các ngân hàng nhỏ đang nỗ lực thu hồi nợ xấu để giảm dự phòng rủi ro.

Dự phòng rủi ro giảm mạnh

VietBank công bố lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2019 đạt 429 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2018. Động lực tăng chủ yếu đến từ lãi từ hoạt động khác tăng đột biến 146% lên 104 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 54% xuống 36,6 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi, đạt 22 tỷ đồng, trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán giảm lần lượt 52% và 19%, đạt tương ứng 9,6 tỷ đồng và 133 tỷ đồng. 

Tại VietABank, mặc dù lãi từ các hoạt động kinh doanh kém khả quan, nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng dương nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của VietABank cho thấy, lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 70 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ 2018 nhờ chi phí dự phòng giảm từ 195 tỷ đồng xuống 126 tỷ đồng, cho dù thu nhập lãi thuần đạt 336,6 tỷ đồng, giảm 8,6% và lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đều rất thấp, chỉ trên dưới 1- 2 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 11,5 tỷ đồng, tăng 14%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt 152 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2018, với chi phí hoạt động tăng thấp, đạt 7% lên 443 tỷ đồng, trong đó chi phí dự phòng giảm 37% xuống 225 tỷ đồng.

Với Saigonbank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2019 đạt 221 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Có được kết quả này cũng phần nhiều nhờ giảm mạnh được chi phí dự phòng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, chi phí dự phòng của Saigonbank giảm tới 86% xuống 11 tỷ đồng, trong khi thu nhập lãi thuần đạt 210 tỷ đồng, tăng 36%; lãi từ hoạt động khác đạt 30 tỷ đồng, tăng 20%...

Sáng tối bức tranh nợ xấu

Theo thông tin từ ông Hồ Quang Lãm, tân Chủ tịch HĐQT Saigonbank, nợ xấu của Ngân hàng mặc dù hiện vẫn ở trên mức 2%, nhưng đã giảm mạnh so mức hơn 6% vào cuối tháng 6/2018. Saigonbank đang tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu theo đề án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. 

Tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu nội bảng của Saigonbank là 294 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với hồi đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% về 2,03%.

Tuy nhiên, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn và phải trích lập 100%) là 211 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ xấu.

Báo cáo tái chính hợp nhất quý III/2019 cho biết, số trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mà Saigonbank đang nắm giữ là 885 tỷ đồng, giảm so với con số 1.133 tỷ đồng hồi đầu năm, trong đó dự phòng trái phiếu đặc biệt là 130 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/9/2019, tổng tài sản của Saigonbank là 22.077 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 14.512 tỷ đồng, tăng 6,2%; tiền gửi của khách hàng đạt 14.701 tỷ đồng, tăng 0,2%.

Tại Kienlongbank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,94% hồi đầu năm lên 1,07% tính đến cuối tháng 9/2019. Về lợi nhuận, lũy kế 9 tháng đầu năm, Kienlongbank đạt 236 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản đạt 48.874 tỷ đồng, tăng 15,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,3% lên 31.907 tỷ đồng; huy động tiền gửi khách hàng tăng 7,8% lên 31.494 tỷ đồng.

Kienlongbank còn nắm giữ 111 tỷ đồng trái phiếu VAMC và đã trích lập dự phòng 79,5 tỷ đồng.

Với ABBank, mặc dù dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng âm trong quý III/2019, nhưng nợ xấu lũy kế vẫn tăng trong 9 tháng đầu năm.

ABBank cho biết, tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản đạt 91.244 tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm, trong đó dư nợ cho vay khách hàng giảm 27 tỷ đồng xuống 52.157 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tăng 1,3% lên 63.057 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng tại là ABBank 1.766 tỷ đồng, tăng 79% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng thị trường 1 của ABBank tăng từ 1,89% hồi đầu năm lên 3,39% đến cuối tháng 9; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 2,78%.

Về lợi nhuận, ABBank ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đầu năm nay đạt 889 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lợi nhuận quý III tăng tới 194% lên 338 tỷ đồng nhờ lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán tăng tốt.

Tổng nợ xấu của BAC A BANK đến cuối tháng 9/2019 là 504 tỷ đồng, tăng khoảng 15 tỷ đồng so với đầu năm. Dù tăng, nhưng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này vẫn thuộc nhóm thấp nhất thị trường, ở mức 0,72%.

Lũy kế 9 tháng, BAC A BANK đạt 646 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11% cùng kỳ; tổng tài sản tăng 3,2%, đạt 100.179 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,2%, đạt 69.190 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 4,3%, đạt 75.680 tỷ đồng.

Với VietBank, tính đến 31/9/2019, nợ xấu nội bảng là 481 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Song, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,29% xuống 1,23%.

TS, Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng  đánh giá, dù còn nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu, song lợi nhuận của ngân hàng nhỏ đang dần cải thiện nhờ nỗ lực thu hồi nợ xấu để giảm dự phòng rủi ro và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để tăng nguồn thu ngoài lãi khi hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng hạn hẹp.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng đưa ra nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khi các ngân hàng không được cấp nhiều room tăng trưởng tín dụng, nhất là các ngân hàng quy mô nhỏ, nên buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ để gia tăng nguồn thu, từ đó cải thiện lợi nhuận, bất chấp sự cạnh tranh trong hoạt động dịch vụ sẽ ngày càng gay gắt.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục