Khối băng nợ xấu đang tan nhanh

(ĐTCK) Nghị quyết 42 đã tạo dựng được niềm tin cho toàn bộ cán bộ ngành ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu.
Khối băng nợ xấu đang tan nhanh

Chia sẻ với báo chí tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058/QĐ-TTg (Quyết định 1058) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, Nghị quyết 42 ra đời là một hành lang pháp lý rất quan trọng cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu. 

Với nghị quyết này, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động hơn, ngân hàng đã được bình đẳng hơn trong việc thu hồi nợ, đặc biệt, ý thức của khách hàng trong việc trả nợ cũng đã cao hơn.

“Điều này thể hiện rõ nét tại Agribank khi thu hồi được 110.000 tỷ đồng trong số hơn 140.000 tỷ đồng nợ cần phải xử lý, riêng phần của khách hàng là khoảng 60.000 tỷ đồng”, ông Vượng nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Nghị quyết 42 đã tạo dựng được niềm tin cho toàn bộ cán bộ ngành ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu.

“Chúng tôi hiểu rằng, với Nghị quyết 42, chúng tôi có sự ủng hộ từ cấp cao nhất trong công tác xử lý nợ xấu, giải toả điểm nghẽn của nền kinh tế, tạo nguồn lực cho sự phát triển kinh tế. Đây là điều rất quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Vietcombank, với khung khổ pháp lý mới, công tác xử lý nợ xấu của Vietcombank đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, trong những năm trước chỉ thu được khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng nợ, thì 2 năm gần đây, số lượng nợ thu được có quy mô lớn hơn. Riêng năm 2018, nợ ngoại bảng đã thu được khoảng 3.200 tỷ đồng để đóng góp vào kết quả kinh doanh của Ngân hàng và năm nay dự kiến sẽ còn cao hơn.

“Thu hồi nợ xấu vốn rất khó khăn, nhưng đã trở nên thuận lợi hơn kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời. Do đó, chúng tôi mong muốn việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ thường xuyên hơn trong thời gian tới”, ông Dũng nói.

Thông tin thêm về kết quả xử lý nợ xấu toàn hệ thống, ông Nguyễn Văn Du, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra - Giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro).

Kết quả này cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện. Số nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 do khách hàng trả nợ trung bình khoảng 4.500 tỷ đồng/tháng, cao hơn 2.800 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012-2017, thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

“Đây là dấu hiệu cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Du nói.

Thông tin tại hội nghị cho biết thêm, kết quả thu hồi nợ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực ngày 15/8/2017 đến 31/8/2019 đạt 77.034 tỷ đồng, bằng 56% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/8/2019.

Về hoạt động đấu giá, định giá khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 7 khoản nợ với tổng giá trị trúng đấu giá đạt gần 499 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định: “Đây là bức tranh tả thực, toàn diện về việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nghị quyết 42 là một trong những mốc son của nhiệm kỳ này đối với công cuộc tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu theo Quyết định 1058. Chúng tôi cảm ơn Quốc hội đã thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn trong việc xử lý nợ xấu”.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN nói: “Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương”.

“Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, không phải là việc riêng của hệ thống ngân hàng, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục