ĐHCĐ SCB: Thông qua việc tăng vốn lên 20.231 tỷ đồng và đăng ký giao dịch trên UPCoM

(ĐTCK) Sáng 29/5, SCB tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020 thông qua các kế hoạch hoạt động của năm nay. Đáng chú ý, năm 2020 trong kế hoạch đẩy mạnh tái cơ cấu ở giai đoạn 2, SCB triển khai kế hoạch tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng tổng vốn điều lệ lên 20.231 tỷ đồng trong giai đoạn 2 đẩy mạnh tái cơ cấu.
ĐHCĐ SCB: Thông qua việc tăng vốn lên 20.231 tỷ đồng và đăng ký giao dịch trên UPCoM

Tăng vốn, đăng ký giao dịch trên UPCoM

 Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, trong năm qua Ngân hàng SCB đã triển khai việc áp dụng các chuẩn theo Nghị định 41/2016/TT-NHNN. Trong năm 2020, SCB tiếp tục tăng vốn để nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR).

Kế hoạch năm nay, SCB phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước, với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020 và hoàn thành phát hành trong 2020-2021.

Sau khi phát hành thành công vốn điều lệ SCB sẽ tăng từ 15.232 tỷ đồng lên 20.231 tỷ đồng.

Với số tiền thu về, Ngân hàng dự kiến chi 4.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, 500 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định và công nghệ thông tin và 500 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu.

Năm 2020, SCB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 12,19%, đạt 637.166 tỷ đồng. Cho vay khách hàng và huy động thị trường 1 lần lượt tăng 13%, lần lượt ở mức 377.283 tỷ đồng và 553.092 tỷ đồng. Ngân hàng không công bố chỉ tiêu lợi nhuận.

HĐQT Ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua chấp thuận việc đăng ký cổ phiếu với mã chứng khoán SCB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Tại Đại hội lần này, cổ đông thông qua tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 đối với bà Mai Thị Thanh Thủy. SCB bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT vào nhiệm kỳ 2017-2020 thay cho nhân sự bị khuyết là ông Bùi Anh Dũng - Phó tổng giám đốc SCB.

Năm 2019, SCB tiếp tục đẩy mạnh xử lý và trích dự phòng rủi ro 2.373 tỷ đồng, nâng tổng quỹ dự phòng của SCB đến cuối năm 2019 lên trên 11.000 tỷ đồng. Vì thế, lợi nhuận sau thuế còn lại chỉ ở mức hơn 150 tỷ đồng.

Tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu

Trước thắc mắc của một cổ đông vì sao ngân hàng chưa chia cổ tức, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, đây cũng là vấn đề Ban lãnh đạo quan tâm và trăn trở.

Hiện nguồn lợi tức của cổ đông mà ngân hàng đang giữ là 1.234 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận để lại trên 700 tỷ đồng và Quỹ bổ sung vốn điều lệ là 521 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, nếu SCB chia cổ tức là làm trái quy định của NHNN.

Tại Chỉ thị số 02: "NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới".

Bên cạnh đó, SCB đang trải qua quá trình tái cơ cấu và tập trung nguồn lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu nên chưa được chia cổ tức. Vì thế, nguồn tiền 1.234 tỷ đồng sẽ được giữ. Sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc và xử lý được nợ xấu, dự phòng sẽ hoàn nhập, cổ tức sẽ được chia cho cổ tức.  

Tính đến nay, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã tăng lên trên 11.000 tỷ đồng. 

Cũng theo ông Văn, trước tình hình khó khăn của thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động của các ngân hàng bị ảnh hưởng, bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, nhưng SCB vẫn giữ được thu nhập cho cán bộ nhân viên. 

Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp đã xin ngân hàng tái cơ cấu, giãn nợ..., vì vậy SCB cũng phải chia sẻ cùng khách hàng để vượt qua giai đoạn này.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục