Các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM lo ngại cạnh tranh huy động vốn gay gắt

(ĐTCK) Tại hội nghị Triển khai kế hoạch 2020 của ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM diễn ra sáng ngày 10/1, các ngân hàng cho rằng, cạnh tranh huy động vốn hiện nay khá gay gắt, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra không quá 14%. 
Các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM lo ngại cạnh tranh huy động vốn gay gắt

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra năm nay ở mức 14%, đồng thời "nắn" dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro.

"Các ngân hàng cũng phải thận trọng khi rót vốn vào những dự án bất động sản, nếu không thận trọng sẽ khó tránh rủi ro nợ xấu, vì điều này đã từng xảy ra trong quá khứ", ông Tú nói.

Hiện nợ xấu (tính cả nội bảng và ngoại bảng) của ngành ngân hàng là 3,5-3,6% so với 2016 là 10,6% và mục tiêu năm nay giảm xuống dưới 3%. 

Các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM lo ngại cạnh tranh huy động vốn gay gắt ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị Triển khai kế hoạch 2020 của ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM 

Riêng tại địa bàn TP.HCM, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ cho vay đạt 303.427 tỷ đồng (tăng gần 6,3% so với năm 2018) với 8.555 khách hàng. Trong số này phần lớn là các khoản vay ngắn hạn với vòng quay tín dụng từ 3-4 tháng và lãi suất ưu đãi. 

Số liệu Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng cho thấy, dư nợ cho vay ngắn hạn (tính đến tháng 11/2019) đạt 162.939 tỷ đồng với 31.506 khách hàng. Trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 26.364 tỷ đồng, xuất khẩu 12.809 tỷ đồng, doanh nghiệp vừa và nhỏ 117.391 tỷ đồng, công nghiệp hỗ trợ 6.047 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 328 tỷ đồng, chương trình bình ổn giá là 366 tỷ đồng.

Vốn huy động ngoại tệ đạt 322.000 tỷ đồng, chiếm 13% nguồn vốn huy động, trong tổng 2.176,5 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 169.000 tỷ đồng, chiếm 7,3% trong tổng dư nợ tín dụng, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 48,5%, dư nợ trung và dài hạn đạt 1.186 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,5% trong tổng dư nợ tín dụng.

Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM được kiểm soát, tổng nợ xấu 2,1% (tính đến 30/11/2019), năm 2018 là 2,64%. Thu nợ bằng tiền đạt 44.600 tỉ đồng, chiếm 44,8% trong tổng nợ xấu xử lý được và tăng 51%, đây là xu hướng tích cực. Hầu hết các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều có kết quả kinh doanh dương và nợ xấu được kiểm soát.

Theo đó, tính đến 11 tháng đầu năm 2019, kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trên địa bàn bằng 95,01% so với cả năm 2018. Số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ thanh toán qua internet: khách hàng doanh nghiệp tăng 18,85%, khách hàng cá nhân tăng 26,31%, thanh toán qua ngân hàng điện tử tiếp tục tăng số lượng món tăng 20,11%, doanh số thanh toán tăng 34,6%.

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Agribank tại TP.HCM cho biết, cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt, nhất là đối với khối cổ phần quy mô vừa và nhỏ nên nguồn vốn huy động của ngân hàng khó tăng cao. 

Dư nợ của Agribank trên địa bàn TP.HCM năm qua đạt 119.000 tỷ đồng, tăng 11,5% so đầu năm 2019. Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho vay theo lãi suất ưu đãi, nhưng cũng phát sinh nợ xấu do thiên tai, dịch vụ. 

Chẳng hạn như việc cho các chủ tàu vay theo Nghị định số 67/2019/NĐ-CP hiện nay rất khó thu hồi nợ xấu, không chỉ do thiên tai mà các chủ tàu không hợp tác. 

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho hay, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của HDBank đạt 220.000 tỷ đồng. Dư nợ tăng 140.000 tỷ đồng (tương đương tăng trưởng mức 14% ngân hàng phân bổ); lợi nhuận trước thuế đạt 5.100 tỷ đồng; ROE bình quân đạt 21%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát 0,97%.

Năm qua, HDBank đã đẩy mạnh tín dụng xanh và kết quả đến cuối năm, dư nợ ròng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghiệp công nghệ cao đạt 10.000 tỷ đồng. Lãnh đạo HDBank kiến nghị, NHNN xem xét cho tăng trưởng tín dụng ở mức cao và phù hợp trong năm 2020, do ngân hàng đã hoàn thiện việc áp chuẩn Basel II.

Trong khi đó, theo bà Dương Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân An Bình Phú, TP.HCM có 19 Quỹ tín dụng nhân dân. Mặc dù là thị trường tài chính sôi động, song theo bà Nga, các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn TP.HCM vẫn hoạt động hiệu quả, đẩy lùi tín dụng đen. Đạt tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và hoạt động có lãi.

Riêng dư nợ cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân An Bình Phú năm qua tăng 19%, lãi trước thuế tăng 161%; nợ xấu được kiểm soát dưới 1%. 

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, năm 2020 hoạt động của Quỹ tín dụng sẽ khó khăn, do áp lực cạnh tranh không chỉ với ngân hàng mà còn cả hệ thống công ty tài chính. 

Cũng theo bà Nga, Quỹ tín dụng nhân dân được phép huy động lãi suất cao hơn ngân hàng, song chủ yếu ở kỳ hạn ngắn nên khó huy động ở thị trường 1 (dân cư). 

Do nguồn lực tài chính hạn chế nên Quỹ tín dụng nhân dân cũng khó có thể đa dạng sản phẩm để thu hút tiền gửi, trong khi khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục