Theo một nguồn tin của Báo Đầu tư, trong năm 2014, rất có thể sẽ có một chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép thành lập tại Việt Nam. Đây là sự kiện đáng lưu ý, vì suốt một thời gian dài vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho ngân hàng nước ngoài nào.
Ngoài ra, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), rất có khả năng, Tập đoàn tài chính UOB (Singapore) sẽ mua lại Ngân hàng GPBank. Khi đó, GPBank sẽ biến thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Được biết, từ cuối năm 2013, được sự chấp thuận của NHNN, UOB đã chính thức khảo sát GPBank và hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng. Nếu thương vụ này thành công, trong năm nay, sẽ xuất hiện thêm những tân binh “ngoại” trên thị trường ngân hàng.
Tuy nhiên, ẩn số “ngoại” trên thị trường ngân hàng Việt Nam năm 2014 có thể sẽ nhiều hơn thế. Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu trên 30% vốn tại ngân hàng yếu kém. Quy định này tạo thuận lợi cho ngân hàng nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ tài chính - ngân hàng của Ernst & Young Việt Nam cho rằng, thương vụ GPBank - UOB nếu thành công sẽ thúc đẩy các thương vụ mua bán - sáp nhập ngân hàng khác sôi động hơn trong thời gian tới, với sự tham gia của vốn ngoại. Với các ngân hàng trong nước, mới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã cho phép xây dựng đề án và thực hiện thí điểm Ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Bộ Xây dựng và NHNN đã bắt tay chuẩn bị đề án thành lập ngân hàng này.
Chưa biết ngân hàng mới này có thành lập được hay không trong bối cảnh có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều, song chắc chắn, thị trường ngân hàng thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ông chủ mới từ làn sóng tái cơ cấu ngân hàng và sức ép thoái vốn của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2013, Vietnam Airlines và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thành công trong việc thoái một phần hoặc toàn bộ vốn khỏi Techcombank và ABBank. Tuy vậy, còn nhiều trường hợp khác phải thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng. Chẳng hạn, EVN vẫn nắm 16,02% vốn tại ABBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn sở hữu 20% vốn tại OceanBank. Một loạt doanh nghiệp nhà nước khác, như Vinatex, Bảo Việt, VNPT… cũng đang nắm cổ phần tại Navibank, Bảo Việt, Maritime Bank... Áp lực thoái vốn của các tập đoàn trên từ nay đến năm 2015 là cơ hội của các ông chủ mới.
Năm 2014, không chỉ xuất hiện một số tân binh, với lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, thị trường ngân hàng sẽ chứng kiến cả sự khai tử của nhiều tổ chức tín dụng, nhất là các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.
Sau khi xử lý xong 8/9 ngân hàng yếu kém, Thống đốc NHNN mới đây đã “liệt” thêm 8 tổ chức tín dụng khác vào danh sách “đen” cần xử lý ngay, trong đó có 2 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Đó là các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả thấp, nợ xấu cao trong thời gian qua.