Ngân hàng Việt vươn lên chuẩn mực quốc tế

(ĐTCK) Triển khai Basel II là một quá trình gian nan, chỉ kiên nhẫn thôi chưa đủ, nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng Việt vẫn bày tỏ sự quyết tâm thực hiện vì hiểu rằng, đó là con đường mà quốc tế đã lựa chọn và Việt Nam đã hội nhập thì không thể không bước tới.
Basel II sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam quản trị rủi ro với tiêu chuẩn quốc tế Basel II sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam quản trị rủi ro với tiêu chuẩn quốc tế

“Triển khai Basel II là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam”

 Ông Loic Faussier, Phó tổng giám đốc,Giám đốc Khối Quản trị rủi ro VIB

Chúng tôi tin tưởng rằng, việc áp dụng Basel II là bước tiến quan trọng và tích cực trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam và phù hợp với các quy định của NHNN về quản trị rủi ro. Việc triển khai Basel II sẽ mang lại cho VIB một khung quản trị rủi ro tương đương với các ngân hàng quốc tế, cũng như giúp VIB có thể cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế.

Các thành viên HĐQT, Ban điều hành của VIB đều là những người có kinh nghiệm công tác tại các ngân hàng quốc tế cũng như đã từng triển khai ứng dụng Basel II tại các ngân hàng này. Chúng tôi cũng sẽ học hỏi những điểm mạnh, kinh nghiệm và kiến thức từ cổ đông chiến lược của VIB là Ngân hàng CBA trong quá trình triển khai áp dụng Basel II.

Ban lãnh đạo của VIB đã hết sức hỗ trợ để thực hiện Basel II và Dự án cũng được VIB chú trọng. Tôi tin rằng, đội ngũ lãnh đạo VIB là những người có tầm nhìn và đủ thẩm quyền để giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng đội ngũ nhân sự nội bộ để triển khai và quản lý Basel II và hoàn toàn tin tưởng vào việc chuyển giao, hướng dẫn từ cổ đông chiến lược CBA.

“Ngân hàng Việt Nam nói chung sẽ phải giải quyết  các vấn đề về chi phí”

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank

Việc triển khai Basel II theo phương pháp xếp hạng nội bộ sẽ giúp các ngân hàng có thể áp dụng điều kiện vốn tối thiểu thấp hơn so với quy định hiện nay và nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Nhưng tương tự như tại các nước khác, việc triển khai Basel II tại các ngân hàng Việt Nam nói chung sẽ phải giải quyết các vấn đề về chi phí (tư vấn, đầu tư công nghệ…), đặc biệt là về nhân sự chuyên môn, yêu cầu về dữ liệu lịch sử giao dịch nhiều năm, là các yếu tố hiện các ngân hàng đang cần bổ sung. HDBank đã thuê một số công ty tư vấn nước ngoài hàng đầu tư vấn một số lĩnh vực có liên quan đến các cấu phần của Basel II. Đồng thời, HDBank đã có sự chuẩn bị nhất định về hệ thống dữ liệu và đang đầu tư về công nghệ thông tin theo kế hoạch.

Ngay sau khi có công văn của NHNN, HDBank đã triển khai khá nhiều việc như: tổ chức hội thảo; đào tạo về Basel II đối với các cấp quản lý và cán bộ, nhân viên; tổ chức phổ biến, tự nghiên cứu tài liệu của Basel II; mời một số công ty nước ngoài hàng đầu có kinh nghiệm Basel II đến trao đổi, tư vấn tại HDBank và tiếp tục hoàn thiện dữ liệu, hệ thống CNTT, công tác đào tạo về Basel II…

“OCB có thể đáp ứng lộ trình của NHNN, nhưng cần sự hy sinh từ cổ đông”

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Ngân hàng cũng như doanh nghiệp, nhưng quản trị rủi ro đòi hỏi đối với ngân hàng rất cao, nhất là trước tình hình thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. OCB cũng đang từng bước triển khai để dần áp dụng các quy định của Basel II trong quản lý rủi ro. Vì thế, OCB đã thuê KPMG tư vấn quản trị rủi ro.

OCB đã đưa nhiều chuẩn mực quốc tế vào quản lý rủi ro, nhưng Basel II thì Ngân hàng đang từng bước triển khai. Xét về tính chiến lược, minh bạch và thể chế, OCB không có gì đáng ngại khi triển khai và áp dụng các quy định của Basel II. Tuy nhiên, việc triển khai có thể chậm vì bản thân OCB đang có những tồn tại cũ. Mặt khác, trong quá trình hoạt động, OCB cũng phải cân bằng giữa kinh doanh và tỷ lệ an toàn vốn… và đang điều chỉnh dần. Để thực hiện các quy định Basel II, OCB có thể đáp ứng đúng theo lộ trình của NHNN đưa ra, nhưng cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh từ phía các cổ đông, vì phải tập trung nguồn lực để triển khai.

“Sacombank đã thành lập Ban chỉ đạo và Đội dự án  thực hiện triển khai Basel II”

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank

Hiện nay, hệ thống quản trị rủi ro của Sacombank mặc dù chưa đáp ứng hoàn toàn chuẩn mực của Basel II, nhưng cũng đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu cơ bản như xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro xuyên suốt từ Hội sở cho đến khu vực, các chi nhánh, các phòng giao dịch và điểm giao dịch; văn hóa quản trị rủi ro được truyền đạt và tuân thủ từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến các nhân viên tác nghiệp; 3 tầng bảo vệ trong hệ thống quản trị rủi ro cũng được Sacombank vận hành một cách thông suốt.

Sacombank vinh dự là 1 trong 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn triển khai chuẩn mực Basel II. Đây là một cơ hội thuận lợi để Ngân hàng rà soát lại và từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro. Qua đó, Sacombank đã thành lập Ban chỉ đạo và Đội dự án thực hiện triển khai Basel II với thành phần là thành viên HĐQT, thành viên BĐH và chuyên viên cao cấp tại các đơn vị nghiệp vụ liên quan.

Đến nay, Sacombank đã hoàn thành và gửi báo cáo đến NHNN nội dung phân tích “độ lệch” giữa hiện trạng Sacombank so với quy định của Basel II, cũng như đề ra lộ trình triển khai để đảm bảo đến cuối năm 2015, Sacombank đạt đến chuẩn mực cơ bản và đến năm 2018 đạt được tiêu chuẩn nâng cao của Basel II.

“Triển khai Basel II, trước tiên cần sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo ngân hàng”

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam)

Trên khắp thế giới, Basel II giúp duy trì sự ổn định qua việc đảm bảo rằng, các ngân hàng có đủ vốn và quản trị được rủi ro. Với hệ thống ngân hàng Việt Nam, nó sẽ giúp đưa cả hệ thống lên một mức quản trị rủi ro mới, với tiêu chuẩn quốc tế. Đây không phải là việc dễ dàng vì nó sẽ đòi hỏi tiến hành rất nhiều thay đổi trong nội bộ ngân hàng, từ công nghệ, quản lý dự án cho vay…, nhưng là một bước tiếp cận quan trọng. Vì thế, chúng ta phải kiên nhẫn và tôi nghĩ rằng, sẽ mất khá nhiều thời gian.

Để triển khai thành công Basel II, trước tiên, trong kinh doanh, việc tìm được một lãnh đạo tốt là rất quan trọng, vì khi đó, chúng ta sẽ có một chiến lược rõ ràng và bạn sẽ không quá cố gắng tìm kiếm lợi nhuận chỉ để đạt được các chỉ tiêu. Chúng ta đang đi trên con đường lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng trong dài hạn, chứ không chỉ trong ngắn hạn. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, sẽ không chỉ tùy thuộc vào các nhà chức trách, mà còn tùy thuộc cả vào lãnh đạo các NHTM, các thành viên HĐQT trong việc đề ra chiến lược cho mỗi ngân hàng.

Làm thế nào để đạt được thành công trong dài hạn? Tôi nghĩ rằng, một vài ngân hàng ở Việt Nam có sự tiếp cận tiến bộ và sẽ có một tương lai tốt. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng dường như chưa hiểu điều đó và điều này khiến cho họ không thể chỉ đạo ngân hàng mình hướng đến các thành công lâu dài.

ANZ đã hoàn thành và chúng tôi đã theo tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, theo công ty mẹ ở Australia. Còn về mục tiêu đến năm 2018 sẽ hoàn thành Basel II tại Việt Nam, tôi cho rằng, đây là mục tiêu thực tế và phù hợp.

Phong Sa - Vinh Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục