Ngân hàng truyền thống và những công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) được xem là đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh công nghệ dần thay đổi mọi thứ. Tuy nhiên, hiện tại, các ngân hàng đang đóng vai trò lớn hơn trong thế giới fintech khi mở rộng đầu tư vào các startup thuộc lĩnh vực này.
Tương tự như Uber kết nối giữa người cần di chuyển và chủ xe, các startup fintech cung cấp cho người dùng những dịch vụ tài chính thông qua cơ chế trung gian, giúp khách hàng không cần đến các chi nhánh ngân hàng truyền thống.
Trong bối cảnh này, các nhà băng trên toàn cầu nhanh chóng nhận ra, thay vì cạnh tranh và chấp nhận tổn thất, họ có thể kết hợp cùng fintech theo cách: ngân hàng cung cấp cơ sở hạ tầng và việc tiếp cận trực tiếp, starup fintech cung cấp công nghệ và động lực sáng tạo.
Theo báo cáo mới nhất của Hãng kiểm toán KPMG và CB Insights (công ty chuyên cung cấp dữ liệu về đầu tư mạo hiểm), khoảng 1/4 số tiền đầu tư vào các startup fintech trong giai đoạn tháng 4/2015 - tháng 6/2016 tới từ các nhà băng và con số này đang tăng lên. Riêng quý II/2016, các nhà băng đóng góp 1/3 tổng số tiền đầu tư (2,7 tỷ USD) cho các công ty fintech trên toàn cầu.
Godman Sachs được xem là nhà đầu tư nhanh nhẹn nhất trong số các ngân hàng truyền thống, khi tiến hành 11 thương vụ đầu tư vào các công ty fintech trong giai đoạn trên. Cả Santander và Citigroup đều tiến hành 7 vụ.
Mới đây, Giám đốc công nghệ của Deutsche Bank, Markus Pertlwieser cho biết, Ngân hàng có kế hoạch đầu tư 750 triệu Euro (570 triệu USD) vào các sản phẩm lĩnh vực công nghệ tài chính và dịch vụ tư vấn cho tới năm 2020.
“Công ty fintech là các đối tác tiềm năng, không phải mối đe dọa. Điều này được thể hiện trong việc thay đổi chiến lược đầu tư của Deutsche Bank, cụ thể là tạo mối liên kết giữa các công ty fintech với hệ thống của Ngân hàng. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho khách hàng những dịch vụ mới, sáng tạo hơn thông qua mối liên kết này”, Pertlwieser nói.
Không chỉ các ngân hàng châu Âu và Mỹ nóng lòng muốn đầu tư vào lĩnh vực fintech, các nhà băng châu Á cũng đang gia tăng sự hiện diện tại lĩnh vực công nghệ tài chính, bằng cách thâu tóm các hãng công nghệ, tham gia các chương trình hỗ trợ công ty fintech, đầu tư… Điển hình, Standard Chartered, DBS và Commonwealth Bank đều thiết lập một bộ phận chuyên ươm mầm cho các dự án fintech.
Trong các khu vực, fintech tại châu Á có sức hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu. Các công ty và nhà đầu tư đã đổ 10,5 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ tài chính tại châu Á-Thái Bình Dương trong 9 tháng đầu năm 2016, nhiều hơn khoảng 2 tỷ USD so với số tiền đầu tư tại châu Âu và Mỹ cộng lại, theo phân tích của Accenture Plc, dựa trên số liệu của CB Insights.
Theo báo cáo của KPMG, các ngân hàng chiếm khoảng 40% lượng đầu tư vào các startup fintech tại châu Á.
“Dịch vụ tài chính là lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ngành công nghiệp này đang chịu nhiều áp lực trong việc duy trì đà tăng trưởng và khả năng sinh lợi. Chìa khóa ở đây là phải xây dựng được những người chơi tốt, những tổ chức có thể đưa ra giải pháp công nghệ sáng tạo cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, qua đó hỗ trợ cho sự tăng trưởng của hệ sinh thái này”, Mohit Mehrotra, nhà tư vấn chiến lược khu vực Đông Nam châu Á của Deloitte LLP cho biết.
Riêng tại Đông Nam Á, 520 công ty fintech đã được sáng lập trong 10 năm qua, với 2/3 số này được sinh ra từ năm 2012. Singapore đứng đầu với 210 doanh nghiệp, tiếp theo là Indonesia (113). Tại Việt Nam, hiện có gần 30 công ty fintech hoạt động trên thị trường, mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong ngành tài chính như cho vay ngang hàng, chuyển kiều hối, thanh toán thuế - hóa đơn…, không còn tập trung vào thanh toán thương mại như trước.
Mặc dù gia tăng về số lượng, nhưng hầu hết các sản phẩm fintech tại Việt Nam chưa thực sự phát triển và ngân hàng vẫn chiếm phần lớn thị phần các dịch vụ tài chính. Không nghi ngờ gì tiềm năng phát triển của fintech tại thị trường Việt Nam, nhưng hiện tại, đây không phải là mối “bận tâm” lớn của các ngân hàng truyền thống. Vì vậy, các nhà băng đang đứng ngoài cuộc đua đầu tư fintech của các ngân hàng trên toàn cầu.