Ngân hàng Việt cần sớm tính đến Basel 3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, triển khai Basel 3 là mục tiêu thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam, nhưng đây là xu hướng chung phải hướng tới.
Ngành ngân hàng Việt Nam hướng tới đạt các tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế Ngành ngân hàng Việt Nam hướng tới đạt các tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế

Nhiều ngân hàng tuyên bố đã tuân thủ tiêu chuẩn Basel 2, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Các quy định của Basel tập trung ở 2 góc độ, một là tỷ lệ an toàn vốn (điều kiện cần), hai là chất lượng quản lý rủi ro và ứng dụng các công tác quản lý rủi ro trong vận hành điều hành của ngân hàng (điều kiện đủ).

ng Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

ng Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 41/2016 và Thông tư 13/2018. Trong đó, Thông tư 41 tập trung về vấn đề tỷ lệ an toàn vốn (điều kiện cần) theo phương pháp tiêu chuẩn, đây là phương pháp khởi điểm và sơ khởi trong các mức độ tuân thủ Basel.

Thông tư 13 tập trung vào khía cạnh chất (điều kiện đủ) trong công tác quản trị rủi ro toàn diện và ứng dụng quản lý rủi ro trong điều hành theo định hướng Basel. Nếu một ngân hàng chưa triển khai đầy đủ theo các nội dung này thì rất khó để nói ngân hàng đó đã tuân thủ hoàn toàn Basel. Cách diễn đạt hợp lý hơn có lẽ là tuân thủ một số khía cạnh nào đó của Basel (ví dụ tỷ lệ an toàn vốn), chứ không phải toàn bộ quy định Basel.

Trong khi đó, quy định của NHNN tuy dựa theo Basel và một số thông lệ thị trường khác, nhưng là các quy định đã điều chỉnh cho thị trường Việt Nam (bao gồm Thông tư 41 và Thông tư 13), chứ không còn là quy định gốc của Basel.

Mặt khác, việc đánh đánh giá tuân thủ với một tiêu chuẩn quốc tế bất kỳ đều cần được dựa trên nguyên tắc đánh giá độc lập, khách quan của đơn vị có uy tín và chuyên môn. Ví dụ, khi doanh nghiệp nói tuân thủ theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thì phải có kiểm toán. Tương tự, để nói một ngân hàng tuân thủ Basel 2 hay Basel 3 thì cần một đánh giá rà soát độc lập, khách quan sẽ chính xác hơn.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, NHNN đã nỗ lực ban hành những quy định nhằm tạo tiền đề cho các ngân hàng Việt Nam hướng tới đạt các tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế.

Đại dịch Covid-19 liệu có ảnh hưởng đến việc tuân thủ Basel 2 của các ngân hàng?

Covid-19 có ảnh hưởng đáng kể đến các ngân hàng trong việc đáp ứng quy định mốc thời gian yêu cầu của NHNN. Dịch bệnh kéo dài thì tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt mục tiêu, một số ngành, lĩnh vực bị tác động mạnh là du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng… Đối với ngành ngân hàng, Covid-19 ảnh hưởng lên danh mục tín dụng và kinh doanh của các ngân hàng, thể hiện qua sự suy giảm chất lượng tín dụng và giảm khả năng tăng trưởng tín dụng do hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ.

Nhưng trong đại dịch vẫn có những lĩnh vực tăng trưởng tốt như chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin, ứng dụng trực tuyến, thương mại điện tử… Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho cả doanh nghiệp và ngân hàng có khoảng dừng để định hướng lại chiến lược kinh doanh, cơ cấu danh mục và tái thiết quy trình vận hành nội bộ theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.

Việc NHNN đẩy mạnh ban hành các quy định về quản trị rủi ro và an toàn vốn trong thời gian gần đây theo định hướng tuân thủ Basel 2, thực tế cũng chính là cơ sở để các ngân hàng có sự chủ động hơn trong kiểm soát các rủi ro như dịch Covid-19.

Đã có ngân hàng sớm hoàn thành Basel 2 và tiến đến Basel 3. Ông có thể cho biết sự khác nhau giữa hai chuẩn mực này?

Basel 3 không phủ quyết hay thay thế Basel 2; các nguyên tắc cốt lõi trong Basel 2 vẫn tồn tại.

Tuân thủ Basel nói chung và Basel 3 nói riêng có lợi ích lớn đối với cả thị trường tài chính và từng ngân hàng.

Việc Basel ban hành các quy định như Basel 3 hay Basel 4 thực tế là một cơ chế bổ sung và cải tổ các hạn chế và lỗ hổng đã xây dựng trước đó trong văn bản Basel 2 trong ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính. Basel 3 hướng đến điều chỉnh, đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ hơn, cụ thể hơn và đảm bảo công bằng hơn trong đánh giá mức độ rủi ro của các ngân hàng khác nhau.

Một số thay đổi lớn có thể kể ra như sau: thắt chặt yêu cầu về chất lượng vốn (tăng tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 lên từ 4% lên 6%); tăng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 10,5% (trong đó 2,5% là dự phòng sàn cho khủng hoảng); quy định về áp mức tỷ lệ an toàn vốn bổ sung để dự phòng suy thoái (khi có dấu hiệu tăng trưởng tín dụng quá nóng có thể gây ra rủi ro hệ thống); điều chỉnh phương pháp tính toán tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng (RWA) để tăng độ nhạy với rủi ro hơn và giảm sai khác giữa ước tính tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng áp dụng mô hình nội bộ; thắt chặt quy định về chứng khoán hóa; thắt chặt mức sàn khả năng giảm yêu cầu vốn do áp dụng mô hình nội bộ; bổ sung các chỉ tiêu về an toàn thanh khoản và tỷ lệ đòn bẩy như NSFR, LCR; bổ sung các hướng dẫn và quy định chặt chẽ hơn trong trụ cột II.

Như vậy, triển khai Basel 3 là thách thức lớn đối với các ngân hàng?

Đúng vậy. Hiện tại, thực hiện đúng theo Basel 2 thì không ít ngân hàng đang phải gồng mình đẩy tỷ lệ an toàn vốn và thanh khoản về mức cho phép. Nếu áp dụng Basel 3 sẽ gây thêm khó khăn cho các ngân hàng trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Basel 3 sẽ làm thay đổi chiến lược kinh doanh của ngân hàng do liên quan đến cấu trúc lại bảng cân đối, cấu trúc thanh khoản hay nắm giữ tài sản thanh khoản. Trước những quy chuẩn ràng buộc đó thì câu chuyện phát triển kinh doanh của ngân hàng theo mô hình truyền thống như cho vay bất động sản, du lịch, cho vay một số ngành liên quan đến xuất nhập khẩu… sẽ gặp vấn đề khi cơ cấu lại để vừa đảm bảo quy định an toàn, vừa đảm bảo lợi nhuận biên tăng như kỳ vọng, trong khi vốn cũng cần tăng để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao hơn.

Ngoài ra, các ngân hàng cần có kế hoạch đầu tư như tuyển dụng nhân sự, xây dựng mô hình đo lường và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin tương ứng theo quy chuẩn Basel 3.

Nói chung, đây là một mục tiêu tham vọng với các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, tuân thủ Basel 3 là xu hướng chung theo thông lệ quốc tế. Hy vọng, các ngân hàng sẽ có kế hoạch phù hợp để đạt được mục tiêu này.

Basel 3 sẽ mang lại lợi ích gì cho các ngân hàng, theo ông?

Tuân thủ Basel nói chung và Basel 3 nói riêng có lợi ích lớn đối với cả thị trường tài chính và từng ngân hàng.

Đầu tiên, lợi ích cho ngân hàng là lợi ích về quản lý rủi ro. Khi ngân hàng có quy trình, phương pháp quản lý rủi ro tốt hơn và ứng dụng chặt chẽ phân tích rủi ro trong các quyết định kinh doanh sẽ có sự chủ động hơn trong phòng ngừa các rủi ro có khả năng phát sinh và đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Thứ hai, khi ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn Basel sẽ tạo ra những cơ hội về sáp nhập, đầu tư. Quy định của Việt Nam gần gũi với Basel 2 và Basel 3 thì nhà đầu tư nước ngoài có sự tin cậy hơn, an toàn hơn khi hợp tác. Và đương nhiên, khi tuân thủ Basel 2, Basel 3 theo thông lệ quốc tế, xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng sẽ cao hơn, dẫn đến các chi phí huy động rẻ hơn.

Thứ ba, ở góc độ toàn thị trường, khi các ngân hàng tuân thủ các quy định quốc tế như Basel 2 và Basel 3 sẽ tạo nên sân chơi công bằng, minh bạch và giảm rủi ro hệ thống, giúp bảo vệ an toàn cho người gửi tiền cũng như sự an toàn cho toàn thị trường tài chính. Việc này sẽ tạo hình ảnh tốt, ổn định của Việt Nam để tăng mức độ tín nhiệm với các nhà đầu tư quốc tế, giúp mở ra các cơ hội hợp tác và đầu tư FDI tốt hơn.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục