Theo quy định hiện hành, trần lãi suất huy động bằng tiền đồng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng mà các ngân hàng được áp dụng là 5,5%/năm. Lãi suất huy động tiền gửi bằng đô-la Mỹ là 0%/năm đối với cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Nhưng trên thực tế, một số ngân hàng vẫn cộng thêm biên độ khoảng 0,1-0,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm số tiền trên 1 tỷ đồng ở kỳ hạn 3-6 tháng.
Chẳng hạn, tại ngân hàng S, nếu khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng, sẽ được cộng biên độ 0,1%/năm và 0,2%/năm nếu gửi từ 2 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, nhà băng này còn tăng khuyến mãi, tặng quà và cả tiền mặt để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, tình trạng cộng biên độ lãi suất phổ biến hơn đối với tín dụng trung-dài hạn, một phần nhằm đáp ứng vốn vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, song phần lớn là nhằm đáp ứng quy định cơ cấu lại nguồn vốn theo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Theo quy định tại Thông tư 06, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra lộ trình thực hiện như sau: tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn được giữ nguyên 60% từ nay đến ngày 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ ngày 1/1/2017 và từ ngày 1/1/2018 sẽ xuống mức 40%. So với Dự thảo ban đầu, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm, song áp lực tăng huy động vốn trung-dài hạn để cơ cấu lại nguồn ở các nhà băng đã từng “bóc ngắn, cắn dài” trước đó là không nhỏ. Đó cũng là lý do để các ngân hàng cộng thêm biên độ lãi suất kỳ hạn dài.
Tại một số ngân hàng, ngoài mức lãi suất niêm yết là 7,1-7,2%/năm cho kỳ hạn 12-15 tháng, nhưng khi đến hạn tất toán, các ngân hàng chào mời sẽ cộng thêm 0,2%/năm nếu khách hàng tiếp tục gửi tiền, tức mức lãi suất cao nhất sẽ là 7,4%/năm, nhưng yêu cầu khoản tiền gửi phải trên 1 tỷ đồng. Chị Nguyễn Hồng Lệ (Q.4, TP.HCM) cho biết, chị có một số tiết kiệm giá trị trên 1 tỷ đồng vừa đáo hạn tại một ngân hàng và được nhân viên của nhà băng này mời chị gửi lại để được cộng thêm biên độ lãi suất 0,2%/năm.
Hiện mức lãi suất tiết kiệm áp dụng cho kỳ hạn trên 6 tháng không còn bị khống chế “trần”, nhưng do lãi suất đầu ra khó có thể tăng theo lãi suất đầu vào, nên các ngân hàng cũng dè chừng trong việc điều chỉnh lãi suất huy động, mà lại cạnh tranh “ngầm” bằng biên độ lãi suất ngoài. Tuy nhiên, các biên độ lãi suất này cũng chỉ được cộng thêm cho những khoản tiền gửi có giá trị lớn, khách hàng VIP…
Được biết, hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất được niêm yết công khai là 7,7%/năm thuộc về Ngân hàng Bản Việt dành cho kỳ hạn 13 tháng (nếu khách hàng có độ tuổi từ 39 trở lên) và VietA Bank áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng trở lên. Còn lãi suất huy động kỳ hạn dài áp dụng phổ biến tại các ngân hàng quy mô tương tự 2 ngân hàng này ở mức 7,2-7,4%/năm và khoảng 6,8-7,2%/năm ở các ngân hàng quy mô lớn hơn, cộng thêm khuyến mãi, quà tặng.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động trong quý cuối năm là khó tránh, bởi đây cũng là thời điểm nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp tăng cao. Mặt khác, áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo nhiều khả năng sẽ diễn ra trong quý IV tới, nên không chỉ lãi suất tiền gửi, mà tỷ giá cũng khó tránh việc điều chỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, khác với trước đây, hiện các ngân hàng đã thận trọng hơn trong cuộc cạnh tranh huy động tiền gửi tiết kiệm, nhất là những ngân hàng nhỏ, cũng không còn huy động bằng mọi giá như trước đây. Lý do, mặc dù nhu cầu tín dụng tăng, song để đẩy mạnh được dư nợ trong bối cảnh thị trường còn khó khăn như hiện nay là không dễ.
Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng đã là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Vì thế, việc giảm lãi suất cho vay là rất khó, nhưng nếu tăng, sẽ khiến nhu cầu vốn của khách hàng chững lại. Do vậy, theo TS. Lịch, các ngân hàng cần thận trọng trong “cuộc đua” lãi suất huy động cuối năm.