Ngân hàng và doanh nghiệp logistics: Nhìn từ những cú bắt tay

Với 1.000 doanh nghiệp nội địa kinh doanh logistics, nhưng xét ở mảng dịch vụ "trọn gói" 3PL, thì chỉ 10% - 15% đơn vị có khả năng khai thác, phần lớn để cho các đối tác nước ngoài như Maersk, NYK, APL, Lin Toll... “chi phối”.
Hiện chỉ có khoảng 10% - 15% doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm nhận được gói dịch vụ 3PL, còn phần lớn để cho các doanh nghiệp nước ngoài độc diễn, với 95% thị phần. Hiện chỉ có khoảng 10% - 15% doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm nhận được gói dịch vụ 3PL, còn phần lớn để cho các doanh nghiệp nước ngoài độc diễn, với 95% thị phần.

Thế nhưng, thực tế trên có thể thay đổi nhờ những cú bắt tay giữa các doanh nghiệp logistics và ngân hàng.

Tại một hội nghị thường niên của WCA Family of Logistics Networks - hiệp hội các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển lớn và uy tín nhất thế giới, tổ chức tại Tp. HCM gần đây, ông David Yokeum, Chủ tịch hiệp hội này nhấn mạnh: “WCA cũng như nhiều đơn vị logistics hàng đầu của Mỹ, châu Âu đánh giá cao tiềm năng thị trường logistics của Việt Nam”.

Công bằng đánh giá, dù Việt Nam hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp logistics, nhưng đáng tiếc là số lượng không song hành với chất lượng. Phần lớn trong số đó chỉ đảm trách một hoặc vài mảng dịch vụ riêng lẻ, chưa thể vươn tới chuỗi liên kết các dịch vụ logistic, nhằm đảm bảo thông tin hàng hóa từ điểm đầu đến điểm cuối, hay còn gọi là dịch vụ 3PL (dịch vụ logistics bên thứ 3 - third party logistics).

Bởi thế, hiện chỉ có khoảng 10% - 15% doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm nhận được gói dịch vụ 3PL, còn phần lớn để cho các doanh nghiệp nước ngoài độc diễn, với 95% thị phần.

Tuy nhiên, ông Đặng Tấn Phong, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên ICD Tân Cảng Sóng Thần, lại không hoàn toàn bi quan như vậy. Ngay từ đầu năm 2011, khi công ty này khai trương một trung tâm phân phối khá hiện đại, ICD Tân Cảng Sóng Thần đã có những đột phá mạnh vào dịch vụ 3PL để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhìn từ câu chuyện của ICD Tân Cảng Sóng Thần, một lãnh đạo của Ngân hàng Quân đội (MB) cho rằng, hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị còn yếu kém, khiến chi phí logistics của Việt Nam cao so với nhiều nước, trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp và giao thương hàng hóa.

Bởi vậy, để tăng khả năng cạnh tranh cho ngành logistics trong nước, một hướng đi cần có là gia tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp logistics và ngân hàng.

Nhìn tổng thể, trong vài năm qua, những cái bắt tay giữa doanh nghiệp logistics và ngân hàng tuy còn ít ỏi, nhưng đang có dấu hiệu sôi động hơn trong thời gian gần đây. Điểm chung của các thương vụ hợp tác này, là sự khai thác tối đa thế mạnh của các bên nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất cho khách hàng trong hoạt động xuất khẩu.

Chẳng hạn như cách đây ít lâu, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải và thương mại (Vinalink) cùng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ký thỏa thuận phối hợp triển khai dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp “Xuất nhập khẩu trọn gói”, với sự tham gia của Bảo hiểm Bảo Minh. Theo đó, Eximbank sẽ thực hiện những nghiệp vụ chuyên môn như hướng dẫn tư vấn mở L/C, nhờ thu chứng từ xuất nhập khẩu, các thủ tục và phương thức thanh toán. Những khâu còn lại như khai báo hải quan, giao nhận hàng, bốc xếp và vận chuyển hàng hóa, lưu kho ngoại quan và làm thủ tục xin giấy phép nhập khẩu, mua bảo hiểm hàng hóa liên quan L/C mở... thì do Vinalink và Bảo Minh đảm nhận.

Tương tự, theo thỏa thuận giữa Vinalink và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), hai đơn vị này sẽ hợp tác cung cấp sản phẩm giải pháp tài chính kho vận trọn gói (logistic financing) cho các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khá giống với thỏa thuận trên, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty TNHH Một thành viên Giao nhận Kho vận Ngoại thương (Vietrans) hồi đầu năm nay đã cam kết cùng tham gia thực hiện dịch vụ xuất khẩu trọn gói, xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa VietinBank, Bảo Ngân và Vietrans. Sử dụng dịch vụ này, khách hàng có thể được áp dụng một mức lãi suất ưu đãi đối với tất cả các dịch vụ (tín dụng và phi tín dụng).

Một trong những “cái bắt tay” giữa doanh nghiệp logicstic và ngân hàng được đánh giá cao gần đây là sự hợp tác giữa MB và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Theo đó, hai đơn vị đã cho ra đời gói sản phẩm “Thanh toán phí dịch vụ logistics”, nhằm hiện đại hóa thủ tục thanh toán tại cảng Tân Cảng - Sài Gòn; bên cạnh những sản phẩm truyền thống mà MB cung cấp như cho vay, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ...

Gói sản phẩm này cho phép khách hàng có thể rút ngắn thời gian làm thủ tục giao nhận hàng tại cảng với quy trình thanh toán đơn giản. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, khi mà chi phí hàng ở cảng và vận tải biển hiện được xem là chiếm tới 40-60% chi phí logistics của doanh nghiệp Việt Nam .

Đồng thời, gói sản phẩm này cho phép thực hiện thanh toán 24/24h và 7 ngày trong tuần, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng giao nhận hàng hóa liên tục cả ngày và đêm tại cảng.

Theo đại diện MB, logistic là ngành vừa đem lại nguồn lợi khổng lồ, vừa giữ vai trò quan trọng không thể thay thế trong sản xuất, lưu thông, phân phối. Nếu ngành logistics chậm phát triển, thực tế thua ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở nguy cơ.

Do vậy, thị trường dịch vụ logistic rất cần tới sự liên kết với ngân hàng để nhanh chân giành lại thị phần cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu từ các đối tác nước ngoài, thông qua những gói sản phẩm dịch vụ “tài chính - ngân hàng - bảo hiểm”.


VnEconomy

Tin cùng chuyên mục