Ngân hàng tuần quan: Tâm điểm SCB, nới thêm room cho 4 ngân hàng, rủi ro "than hồng" trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng SCB khẳng định đảm bảo an toàn tiền gửi cho người dân, thêm 4 ngân hàng thương mại được nới room tín dụng, rủi ro khi đầu tư TPDN,... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Phó thống đốc: Trong mọi tình huống sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, liên tục cho SCB

Ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Trước tình trạng này, sáng nay (8/10), Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo khuyến nghị người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn, vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB.

Liên quan đến hiện tượng nhân viên ngân hàng khác chào mời các khách hàng rút tiền tại SCB để gửi vào ngân hàng mình, Phó thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có Công điện yêu cầu tất cả Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc cán bộ ngân hàng thương mại vận động, lôi kéo khách hàng của SCB rút tiền gửi để gửi sang ngân hàng mình là cạnh tranh không lành mạnh, có thể tạo ra sự bất ổn cho SCB lúc này và mất an toàn chung cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Về việc đảm bảo an toàn hệ thống, Phó thống đốc khẳng định, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB. Trong mọi tình huống sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, liên tục cho SCB và sẽ có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng.

"Chúng tôi cũng mong rằng, những người gửi tiền, những khách hàng vay vốn tại SCB sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần tích cực, để tạo điều kiện cho sự hoạt động ổn định, liên tục của ngân hàng trong thời gian tới", Phó thống đốc bày tỏ.

SCB tăng cường lượng tồn quỹ, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Trả lời báo chí chiều ngày 8/10, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành SCB khẳng định, SCB tăng cường lượng tồn quỹ, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. SCB cũng đã tăng cường lượng tồn quỹ tại tất cả điềm giao dịch để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, cũng như tương cường tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo SCB trả lời báo chí
Lãnh đạo SCB trả lời báo chí

Tuy nhiên, do khách hàng đến đông, nhiều khách hàng rút tiền lớn không báo trước, do đó, SCB phải tăng cường nhân sự sắp xếp cho khách hàng. Đồng thời, SCB đã có đề nghị theo hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước nhờ chính quyền địa phương, hỗ trợ an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ rất sát sao với SCB, mọi diễn biến liên quan hoạt động SCB đã báo cáo thường xuyên liên tục cho Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo an toàn hoạt động của SCB.

SCB khẳng định đã kiểm soát tình hình và thanh khoản của ngân hàng đang giữ ổn định, đảm bảo lợi ích người gửi tiền theo quy định pháp luật.

Theo ông Hoàn, tính đến 30/09/2022, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó có 7 cổ đông nước ngoài sở hữu 27,91% vốn. Cổ đông trong nước là 4.125 cổ đông, trong đó 11 cổ đông tổ chức sở hữu 15,7% vốn, 4.114 cổ đông cá nhân sở hữu 56,.11% vốn.

Ông Hoàn cho biết, ngân hàng đã tăng cường lượng tồn quỹ tại tất cả điềm giao dịch để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, cũng như t8ang cường tiền gửi tại nước ngoài.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM ông Võ Minh Tuấn cũng khẳng định, hoạt động gửi tiền của người dân là hoạt động bình thường và tiền gửi của khách hàng là tài sản của khách hàng. Vì thế, người dân cũng không nên hoang mang mà rút tiền trước hạn.

Như vậy, khách hàng sẽ mất quyền lợi của mình trong quá trình gửi tiền, bởi nếu rút vốn trước hạn khách hàng chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2-0,3%. Do đó, vì quyền lợi của người gửi tiền khách hàng cũng không nên xếp hàng đi rút vốn trước hạn.

Đối với cạnh tranh của các ngân hàng trong việc tranh thủ cơ hội để thu hút tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn để cảnh báo, khuyến cáo đến các tổ chức tín dụng này để đảm bảo ổn định.

Còn về trái phiếu liên quan đến Công ty An Đông, ông Võ Minh Tuấn cho biết, trái phiếu là do công ty có nhu cầu vay, thực hiện theo quy định của cơ quan chứng khoán, khi phát hành, người nhận tiền gửi là công ty đó, công ty có nghĩa vụ trả lại tiền vào ngày đáo hạn trái phiếu với trái chủ.

Theo ông Tuấn, căn cứ vào quy định khi tổ chức phát hành trái phiếu quy định, doanh nghiệp thực hiện theo quy định theo từng lần phát hành. Khi gửi tiết kiệm thì ngân hàng huy động tiền trong dân cư, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Còn người mua trái phiếu, công ty phát hành trái phiếu phải có trách nhiệm chi trả cho trái chủ.

Phía SCB cũng thông tin, ngày 8/10/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công An có thông tin quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Về vụ việc này, SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.

SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật.

Tại SCB, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý một cách tận tâm, trọn vẹn. SCB rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ và tin tưởng của Khách hàng, cổ đông trong thời gian tới.

NDirect: Vietcombank, VPBank, HDBank, MB được cấp thêm room, tín dụng chung vẫn trong mức 14%

Theo thông tin VNDirect, 4 ngân hàng gồm VPB, HDB, MBB và VCB đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng.

Trong đợt điều chỉnh room lần này, mức điều chỉnh cao nhất thuộc về VPBank với hạn mức tăng thêm gần 45.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MB trên 20.000 tỷ đồng và HDBank xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Vietcombank tiếp tục được điều chỉnh room tín dụng trong lần này nhưng hạn mức chưa đến 9.000 tỷ đồng.

Được biết, các ngân hàng trên đã nhận được văn bản chính thức điều chỉnh room tín dụng từ cơ quan quản lý.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VNDirect, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.

"Đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì", nhóm nghiên cứu tại VNDirect nhấn mạnh.

Trước đó, MB đã được giao hỗ trợ Ocean Bank; HDBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ Dong A Bank và Vietcombank được giao CBBank. Trong khi đó, có thông tin cho biết, VPBank sẽ nhận nhiệm vụ hỗ trợ GPBank.

Tại Hội nghị công tác tín dụng và truyền thông vừa diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, định hướng của Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm nay là tín dụng tăng 14%, có điều chỉnh theo diễn biến thực tế.

Đến 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, nhu cầu tín dụng sẽ còn tăng cao những tháng cuối năm.

"Vừa kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá, nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo sự nhất quán.

Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng lãi suất. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chịu nhiều áp lực điều chỉnh room tín dụng lên 15-16%, nhưng thực tế cho thấy, việc Ngân hàng Nhà nước kiên định điều hành chính sách là đúng và trúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Cho đến cuối tuần qua, NHNN vẫn khẳng định không nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay.

Dư nợ cho vay tín dụng xanh mới chiếm 4,1% tổng dư nợ, song có tốc độ tăng trưởng mạnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tăng trưởng tín dụng xanh cũng góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26.

Số liệu của ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các Dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Các tổ chức tín dụng cũng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Mặc dù vậy, theo bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ ( Ngân hàng Nhà nước), việc phát triển tín dụng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đó là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Ngoài ra, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đi đôi với thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng gặp khó trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Theo bà Hằng, cần phải có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, phải xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo thêm kênh huy động vốn để các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Đồng quan điểm, đại diện từ Công ty tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) – doanh nghiệp vừa phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm - đưa ra bài học, muốn phát hành trái phiếu xanh cần xây dựng bộ công cụ, tài liệu đánh giá về môi trường xã hội gồm: Chính sách môi trường xã hội; khung trái phiếu xanh; hệ thống quản lý Môi trường - xã hội (ESMS) và báo cáo ESG. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các đối tác, tổ chức có uy tín và kinh nghiệp trong phát triển xanh và bền vững.

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, Chính phủ sẽ tập trung vào phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh. Vì vậy, cần có những quy định, tiêu chuẩn cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh đề đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh.

Đồng thời, Phó thống đốc khẳng định, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh như đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế.

Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã tăng gần 5% từ đầu năm khiến các doanh nghiệp bắt đầu ngấm đòn tỷ giá. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát nhập khẩu ngày càng rõ rệt với nền kinh tế. Xuất nhập khẩu méo mặt vì tỷ giá

Từ tuần qua, giá USD bán ra tại các ngân hàng đã vượt 24.000 VND/USD. Tỷ giá tại Vietcombank đã tăng gần 5% so với đầu năm. Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu. Song thực tế, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu nước ta đang chịu ảnh tiêu cực vì tỷ giá tăng.

Là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan (Vĩnh Phúc) thường phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Ông Vũ Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cho hay, giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá tăng khiến Công ty chịu tác động kép, chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng.

Với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, tỷ giá tăng cũng gây nhiều áp lực. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay, tỷ giá tăng, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu không thể vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.

Chưa kể, lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục “ép” giá. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Kể cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay (với các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài). Trong quý I/2022, rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá tăng vọt, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong báo cáo tài chính quý II sắp được công bố.

Dù 9 tháng đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu 6,52 tỷ USD, song dự kiến xuất siêu giảm dần trong quý cuối năm. Theo Bộ Công thương, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn, khó duy trì phong độ như 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân là lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.

Điều hành tỷ giá là vấn đề hóc búa nhất hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho hay, Ban Cán sự Đảng NHNN đã 2 lần họp về vấn đề này, bên cạnh xây dựng kịch bản cho tăng trưởng, phải chú ý cam kết của Việt Nam với Mỹ về thao túng tiền tệ.

Hiện nay, mục tiêu quan trọng nhất của NHNN là kiểm soát lạm phát. Chốt chặn tỷ giá là phòng tuyến quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Nếu đồng tiền mất giá mạnh, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đây cũng là lý do NHNN cố giữ bằng được chốt chặn tỷ giá, kể cả chấp nhận tăng lãi suất và quyết không nới room tín dụng. Mặc dù tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tăng khá mạnh, song Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có đồng nội tệ ít mất giá nhất.

Tại Hội nghị về tín dụng và truyền thông cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, vừa qua, NHNN chịu áp lực điều chỉnh room tín dụng rất lớn. Song cơ quan này đã kiên định mục tiêu room tín dụng và thực tế cho thấy, sự kiên định này là đúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Mặc dù vậy, áp lực tỷ giá giai đoạn cuối năm vẫn rất căng thẳng. Ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc ổn định tỷ giá của NHNN đang đối mặt với nhiều sức ép. Cụ thể, huy động ngoại tệ qua đường kiều hối có thể thu hẹp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm chỉ đạt 57% so với cùng kỳ, áp lực doanh nghiệp FDI rút lợi nhuận về nước tăng, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán yếu đi…

“NHNN cần làm rõ các giải pháp giữ ổn định tỷ giá, quản lý thị trường ngoại hối trong năm 2023 và dư địa dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất để ổn định đồng tiền Việt Nam”, ông Việt kiến nghị.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc ổn định tỷ giá hết sức quan trọng vì không chỉ giúp ổn định vĩ mô, giữ được dòng tiền trong nước, mà còn hạn chế nhập khẩu lạm phát. Tất nhiên, muốn giữ ổn định tỷ giá, phải chấp nhận một mặt bằng lãi suất cao hơn và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế không nên dựa quá lớn vào tín dụng. “Thị trường vốn 2-3 năm qua có sự tăng trưởng tích cực, nhưng còn quá nhỏ và dễ bị tác động. Tăng trưởng kinh tế mà thị trường vốn mỏng manh thì cũng là rủi ro”, ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo.

Khẳng định điều hành room tín dụng căn cứ xếp loại ngân hàng song Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, NHNN không công bố xếp hạng vì người dân sẽ lo ngại chuyện ngân hàng yếu kém.

Sức khỏe của ngân hàng chính là căn cứ đầu tiên để Ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng. Phát biểu trước cuộc họp của Ủy ban kinh tế Quốc hội cuối tuần qua, Phó thống đốc cũng khẳng định, các ngân hàng thương mại muốn tồn tại, phát triển bền vững thì phải tập trung vào chất lượng tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện room tín dụng 14% của năm 2022 đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ gần hết cho các ngân hàng thương mại và không có chủ rương nới thêm room tín dụng năm nay do áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất rất lớn. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước đang tính toán cấp room tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2023. Trước đó, tại Hội nghị về công tác điều hành tín dụng kéo dài 7 tiếng mà Ngân hàng Nhà nước tổ chức với sự tham gia của các tổ chức tín dụng giữa tháng 9/2022, đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá việc điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, tán thành chưa thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng. Bởi nếu tỷ lệ tăng trương tín dụng cao sẽ dẫn đến nguy cơ chạy đua lãi suất giữa các tổ chức tín dụng và an toàn hệ thống.

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng đề nghị cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các TCTD tránh việc phân bổ cào bằng; và việc thông tin riêng đến từng TCTD là cần thiết vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các TCTD.

Trong năm 2022, để kịp thời thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, Ngân hàng Nhà nước đã căn cứ các kết quả xếp hạng năm 2020 của từng TCTD theo Thông tư 52. Đây là kết quả xếp hạng mới nhất tại thời điểm phân bổ đầu năm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng một số chỉ tiêu để cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của chính phủ và điều hành của Ngân hàng Nhà nướclàm cơ sở điều chỉnh tăng hoặc giảm chỉ tiêu TTTD đối với từng TCTD trong quá trình phân bổ như tiêu chí các TCTD tham gia xử lý các TCTD yếu kém…

Do đó, ngay sau khi có kết quả xếp hạng mới nhất của các TCTD theo thông tư 52, Ngân hàng Nhà nướcđã cập nhật chỉ tiêu TTTD năm 2022 của các TCTD theo kết quả xếp hạng chính thức năm 2021. Đồng thời nắm bắt nhu cầu TTTD căn cứ diễn biến thị trường.

Hầu hết đại diện các ngân hàng cũng cho rằng việc duy trì xếp hạng theo Thông tư 52 để làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho từng TCTD là cần thiết. Tuy nhiên, các ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét các tiêu chí như TCTD lành mạnh, đáp ứng tiêu chí về an toàn, khuyến khích ở mức độ nhất định với các TCTD tuân thủ các chuẩn mực quốc tế mới như Basel III, mức độ chuyển đổi số

Đối với các kiến nghị về tiêu chí xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng, cách thức phân bổ,… Thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi,… để hoàn thiện công cụ hạn mức tín dụng và điều hành TTTD năm 2023.

Lợi nhuận quý III/2022 kém khả quan, hơn 88% ngân hàng vẫn lạc quan về lợi nhuận cả năm

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, đa phần ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận cải thiện năm nay.

Cuộc điều tra được ngân hàng Nhà nước tiến hành trước thời điểm tăng lãi suất điều hành song đến thời điểm này mới công bố. Mặc dù vậy, tại kỳ điều tra này, đa số các tổ chức tín dụng đều nhận định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022.

Cụ thể, có 59-61% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm phần trăm trong quý IV/2022 và 66-69% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57 đpt trong năm 2022 (có 8-10% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất giảm). Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng dự báo cả lãi suất biên và phí dịch vụ đều có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV/2022 và cả năm 2022.

Về tăng trưởng tín dụng và huy động vốn: các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng năm nay tăng 14,9% và huy động vốn tăng 10.2%.

Thanh khoản hệ thống quý III/2022 được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” nhưng mức độ cải thiện chậm dần trong quý IV/2022. Dự báo cả năm 2022, các tổ chức tín dụng tiếp tục kỳ vọng tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021. Việc xử lý nợ xấu cũng được các tổ chức tín dụng kỳ vọng khả quan trong các tháng cuối năm 2022.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý III/2022 tiếp tục đà phục hồi bền vững kể từ quý IV/2021 với mức cải thiện của quý sau cao hơn quý trước, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện mạnh nhất. Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và các tổ chức tín dụng khác. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “tăng” với tốc độ mạnh hơn trong quý IV/2022 và cả năm 2022 so với kỳ trước, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng. Tuy vậy, kết quả điều tra cho thấy, 70,4-75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới. Mức độ cải thiện kinh doanh cả năm 2022 theo kỳ vọng của tổ chức tín dụng đã thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 được 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý trước.

Theo các tổ chức tín dụng, trong số các nhân tố khách quan. Sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong năm 2022.

Trong khi đó, cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị cùng với điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Đầu tư trái phiếu: Nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro “gắp than hồng”

Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đã giảm mạnh, dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư rót tiền mua trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai phải chấp nhận tỷ lệ nợ xấu nhất định vì đây là thị trường nợ.

Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố Tân Hoàng Minh, nhóm nhà đầu tư trót mua trái phiếu của tập đoàn này vẫn ròng rã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, dù Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có thông tin trả lời. Sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, những trường hợp như Tân Hoàng Minh có thể ít hơn, song vẫn có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, vỡ nợ trái phiếu (nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp) xảy ra ở tất cả các thị trường và nhà đầu tư phải học cách chấp nhận đối mặt khi lựa chọn kênh đầu tư này. Thực tế, năm ngoái, một số ngân hàng đã phải trích lập dự phòng vì nợ xấu trái phiếu.

Đến thời điểm hiện tại, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu đồng loạt ở nước ta không xảy ra, áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp giảm dần. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng, 95% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường là riêng lẻ, đây là điểm không hay, nhưng lại khá may thời gian qua.

Phát hành trái phiếu riêng lẻ chiếm phần lớn, đồng nghĩa là nhiều định chế tài chính đứng sau. Chính vì vậy, thời gian qua, khi thị trường có vấn đề, các định chế tài chính này đã đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, dàn xếp, giúp đỡ doanh nghiệp phát hành giãn nợ, tái cấu trúc. Điều này đã làm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tự nguyện mua lại hoặc các công ty chứng khoán mua lại cũng làm giảm áp lực đáo hạn trái phiếu.

Mặc dù vậy, xét về nguyên tắc, theo ông Nguyễn Quang Thuân, với ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%. Vì vậy, với trái phiếu doanh nghiệp, cần phải chấp nhận thực tế là phải có nợ xấu như tín dụng ngân hàng (hay còn gọi là vỡ nợ). Hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỷ đồng, nếu có khoảng 1 - 3% doanh nghiệp phát hành chậm trả lãi, gốc, tức là nợ xấu khoảng 30.000 - 50.000 tỷ đồng là bình thường.

Hầu hết các quốc gia có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đều chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định. “Với Việt Nam, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư nên bình tĩnh khi tiếp nhận những thông tin này. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao hơn ngân hàng vì chuẩn thấp hơn ngân hàng và nếu có chậm trả gốc, trả lãi trái phiếu, thì cũng nên coi là điều bình thường. Thái Lan hay Malaysia cũng như vậy”, ông Thuân bình luận.

Tán thành ý kiến này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, rất cần truyền thông cho nhà đầu tư cá nhân, để họ ý thức được rủi ro trái phiếu doanh nghiệp cũng như nợ xấu trái phiếu. Rộng hơn, nhà đầu tư cần hiểu về Luật Phá sản doanh nghiệp.

“Nhiều người nghĩ rằng, phá sản là vi phạm pháp luật, nhưng thực tế không phải. Nhiều chủ doanh nghiệp làm việc rất tâm huyết và tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật vẫn có thể gặp rủi ro bất khả kháng như yếu tố thị trường, tự nhiên, dẫn tới phá sản và việc phá sản này nằm ngoài ý kiến chủ quan của họ. Không phải doanh nghiệp nào phá sản cũng là xấu, lừa đảo kiếm tiền. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư hiểu lầm”, ông Quỳnh phân tích thêm.

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư hấp dẫn, song cũng tỷ lệ thuận với rủi ro. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên cân nhắc đầu tư qua các quỹ. Nếu nhà đầu tư cá nhân rót vài tỷ đồng vào một mã trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành phá sản, thì nhà đầu tư tán gia bại sản. Tuy nhiên, nếu đầu tư qua quỹ - quỹ đó có danh mục 50 mã trái phiếu mà 5 mã phá sản - thì họ vẫn có thể có lãi, nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ trái phiếu vì vậy rủi ro thấp hơn.

“Dĩ nhiên, không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua trái phiếu nào cũng có nguy cơ ‘gắp than hồng’. Song chỉ một số người dính vào trường hợp bị chậm trả lãi, trả gốc trái phiếu thì tác động lên thị trường đã rất lớn, giống như trường hợp Tân Hoàng Minh”, ông Thuân lấy ví dụ.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục