Ngân hàng tuần qua: Tranh cãi lập quỹ “giải cứu” trái phiếu, ngân hàng cũng than kẹt vốn

Quan điểm trái chiều xung quanh việc lập quỹ bình ổn trái phiếu, gỡ nghẽn dòng tiền, ngân hàng trầy trật bán nợ xấu, cho biết thiếu nguồn vốn để cho vay... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Ngân hàng tuần qua: Tranh cãi lập quỹ “giải cứu” trái phiếu, ngân hàng cũng than kẹt vốn

Ngân hàng bán nợ, muôn chuyện "cười ra nước mắt"

Không chỉ rao bán tài sản đảm bảo là bất động sản, dây chuyền sản xuất, mà giờ đây, ngân hàng còn rao bán cả “động sản” là vật nuôi, đấu giá cả các khoản nợ vay tiêu dùng cá nhân.

Nợ xấu phình to cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khiến nhiều ngân hàng tăng tốc thu hồi, xử lý nợ xấu. Nửa đầu năm nay, thị trường nợ chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá nợ hy hữu.

Ngày 16/11, VietinBank thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ vay tiêu dùng của 321 cá nhân với tổng giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng. Đây là các khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, giá trị đấu giá khởi điểm từ gần 13.000 đồng tới hơn 68 triệu đồng. Khách hàng có thể đăng ký mua một khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả khoản nợ trong số 321 khoản nợ này.

Đây không phải là lần đầu tiên, VietinBank thông báo bán nợ xấu tiêu dùng.

Trước đó, giữa năm 2022, ngân hàng này lần đầu tiên thí điểm bán nợ xấu tiêu dùng. Điều lạ là, lẽ ra phải chiết khấu mạnh với nợ xấu không có tài sản đảm bảo, thì các khoản nợ vay tiêu dùng này được VietinBank chào bán với giá khởi điểm gần bằng giá trị giá sổ sách (gồm nợ gốc, nợ lãi và lãi phạt).

Một hiện tượng chưa từng có tiền lệ nữa là, mới đây, VietinBank rao bán khoản nợ gộp hơn 900 tỷ đồng của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương. Theo đó, tài sản đảm bảo của các công ty này, bao gồm cả đàn gà 3 thế hệ (gà ông bà, bố mẹ, gà con) và trứng gà được mang ra bán đấu giá. Đây có lẽ là lần đầu tiên, tài sản “động sản” được một ngân hàng mang ra bán đấu giá để thu hồi nợ xấu.

Ngoài những câu chuyện thu hồi nợ thật như đùa nói trên, trường hợp phổ biến mà các ngân hàng gặp phải từ đầu năm đến nay là xử lý nợ xấu chậm lại. Nhiều khoản nợ xấu được đấu giá ngót chục lần vẫn chưa tìm được khách mua. Thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản sụt giảm đã tác động rõ rệt đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng.

Đầu tháng 11/2022, Vietcombank thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thiên Tân (bất động sản). Đây là lần thứ bảy, Vietcombank tổ chức đấu giá khoản nợ này. Trước đó, Vietcombank đã nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm giảm hơn 172 tỷ đồng so với thông báo bán đầu giá hồi đầu tháng 11/2021.

BIDV cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Vertical Synergy Vietnam (bất động sản) với giá khởi điểm 348,3 tỷ đồng, tức chỉ tương đương nợ gốc và giảm 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7/2022.

Agribank vừa thông báo bán đấu giá lần 28 khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Trong lần đấu giá mới nhất này, Agribank đưa ra giá khởi điểm chỉ đúng bằng nợ gốc, bỏ qua hơn 356 tỷ đồng tiền lãi…

Thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản thấp kỷ lục, giá bất động sản phát mại vẫn chưa được chiết khấu hấp dẫn… là các yếu tố khiến các ngân hàng khó bán nợ thành công.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Đơn cử, tại MB, trong 9 tháng đầu năm nay, thu từ các khoản nợ đã xử lý chỉ đạt 1.244 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài lý do thị trường bất động sản không thuận lợi, một trong những lý do chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.

Sau 1 năm ra mắt, Sàn giao dịch nợ xấu vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn (khoảng 770 tỷ đồng). Trong khi đó, website để ngân hàng đăng thông tin bán tài sản đảm bảo nợ xấu cũng chưa được hoàn thiện.

Để thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung nhiều quy định để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Theo NHNN, hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công ty có chức năng mua bán nợ duy nhất do Chính phủ thành lập được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. NHNN nên bổ sung thêm cả Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào đối tượng được áp dụng các cơ chế của Nghị quyết 42/2017/QH14.

NHNN cũng đề nghị mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các cơ chế xử lý tại Nghị quyết 42/2017/QH14 theo hướng cơ chế xử lý nợ xấu áp dụng đối với cả các khoản nợ xấu phát sinh từ thời điểm ngày 15/8/2017 trở về sau (nợ xấu sẽ được xác định theo các quy định hiện hành của NHNN về phân loại nợ và bỏ Phụ lục về xác định nợ xấu kèm theo Nghị quyết 42/2017/QH14).

Ngoài ra, để tổ chức tín dụng yên tâm bán nợ, NHNN đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định thẩm định giá các khoản nợ xấu. Hiện chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ, nên các tổ chức tín dụng lúng túng trong xác định mức giá khởi điểm khi cho mua bán nợ.

Nới thêm room tín dụng ngân hàng cũng không có vốn để cho vay”

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, song TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, hiện ngành ngân hàng cũng đang rất khó khăn trong đảm bảo an toàn vốn.

Nêu số liệu tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%, ông Hùng cho rằng, ngay cả khi NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp thêm.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Theo Hiệp hội, hiện nay, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau.

Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

"Các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được", TS. Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn.

Bên cạnh khó khăn thanh khoản, ông Hùng cũng cho hay, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu có xu hướng tăng cao. Nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu. Công tác xử lý nợ xấu của các NHTM gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, sự liên kết giữa các chính sách và các Bộ, ban, ngành trong việc phối hợp hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được tổng thể nguồn lực của các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ còn tản mát nhiều nơi, chưa có đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, trong bối cảnh công nghệ phát triển, khiến tình trạng gian lận và lừa đảo có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều trường hợp khách hàng bị kẻ gian lừa đảo, giả mạo email, tin nhắn thương hiệu của ngân hàng, dẫn đến mất tiền trong tài khoản, thẻ và cả những trường hợp kẻ gian giả mạo giấy tờ tinh vi để mở thẻ, mở tài khoản gây rủi ro cho ngân hàng...

Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cần việc thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp, trong đó đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng…

Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ các Luật đang được sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, trung tâm kinh doanh thương mại, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…), cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội.

Thứ tư, xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ: thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.

Thứ năm, thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.

Thứ sáu, rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn. Tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra

Ngoài ra, Tổng Thư ký VNBA cũng kiến nghị NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Thanh khoản thị trường suy kiệt, nguyên nhân là thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn 1,3 triệu tỷ đồng đang bị chặn dòng. Một số chuyên gia kiến nghị lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu để gỡ nghẽn dòng tiền.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công đang bị “nhốt” tại hệ thống ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường cạn kiệt như hiện nay, chuyên gia này cho rằng, nên trích một nửa trong số đó (khoảng 500.000 tỷ đồng) để lập Quỹ bảo lãnh hoặc Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu như Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm.

Chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 4 “Gỡ nghẽn dòng tiền” của Báo Đầu tư ngày 18/11, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là kiến nghị đáng xem xét, song không dễ thực hiện.

“Cục tiền đầu tư công thuộc về tài khóa, dù chưa chi được, nhưng phải gắn với kế hoạch quyết liệt chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chúng ta nhìn con số mấy trăm nghìn tỷ đồng thì có đóng góp rất tích cực, nhưng so với nhu cầu hiện nay (cả tín dụng hiện tại và tín dụng cấp mới) thì không phải là quá lớn”, TS. Thành nói.

So sánh với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng được thành lập với ý tưởng tương tự, chuyên gia này cho rằng, dù so sánh hơi khập khiễng, nhưng cả hai đều có ý tưởng là xử lý dần dần trước mắt, thu dọn nợ xấu sang một bên để dòng tiền vận hành bình thường trở lại. Giống như vậy, Quỹ bình ổn trái phiếu sẽ tham gia mua lại trái phiếu để thanh khoản thông suốt, doanh nghiệp và nhà đầu tư bớt khó khăn.

Tuy vậy, về ý tưởng này, TS. Thành đặt ra hai vấn đề khó khăn hiện nay.

Thứ nhất, Quốc hội liệu có cho phép sử dụng tiền ngân sách để “cứu” trái phiếu hay không.

Thứ hai, từ bài học xử lý nợ xấu giai đoạn vừa qua (cho dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu), song đến nay nợ xấu vẫn chưa thể xử lý xong, cho thấy ý tưởng này có thể sẽ gặp khó khăn nhất định nếu triển khai. Khi đó, không cẩn thận, nến kinh tế thoát được điểm nghẽn này lại rơi vào điểm nghẽn khác, làm quá trình cải cách, tái cơ cấu hệ thống tài chính càng thêm khó khăn.

Tán thành ý kiến này, TS. Trần Minh Tuấn, phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest (AAS), thanh khoản của chúng ta hiện tại bị tắc nghẽn không nằm ở Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại. Hiện nay, cũng chưa có cơ chế sử dụng dòng tiền ngân sách chưa giải ngân đang nằm trong ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, muốn ngân hàng thương mại tham gia “giải cứu” trái phiếu cũng rất khó, Vì Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 16/2021/TT-NHNN siết hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại.

Nói cách khác, việc sử dụng ngân sách để lập quỹ cứu trái phiếu là rất khó, song cả hai chuyên gia đều tán thành “tử huyệt” của thị trường vốn hiện nay chính là trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, ưu tiên cần kíp nhất giai đoạn hiện nay là phải ổn định thị trường trái phiếu.

TS. Trần Minh Tuấn cho rằng, các quy định hiện nay nên tập trung vào việc tăng thanh khoản của thị trường trái phiếu thì thị trường trái phiếu có khả năng sẽ tốt lên.

Cụ thể, Thông tư 16 hiện nay quy định theo hướng làm giảm vai trò tạo lập thị trường trái phiếu của ngân hàng thương mại và một số quy định cũng chưa rõ ràng. Nếu Thông tư 16 cho phép các ngân hàng thương mại được linh hoạt hơn trong việc mua lại trái phiếu đã bán ra của các tổ chức phát hành khác ngân hàng thì thanh khoản thị trường sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ siết chặt đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu. Theo ông Tuấn, nên siết thêm những quy định về phát hành để tạo nên những hàng hoá chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên, quy định về “người chơi” nên có độ phổ rộng hơn. Cụ thể, nên xem xét lại cái điều kiện để nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia vào trái phiếu riêng lẻ hoặc các loại hình trái phiếu khác.

Bên cạnh đó, nên có thêm hành lang pháp lý để nhà đầu tư được xem là chưa chuyên nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, những nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp vẫn nên được tiếp cận đầy đủ thông tin của tổ chức phát hành để có thể nhận thức được những rủi ro và lợi nhuận như thế nào.

Hiện nay, thị trường trái phiếu đang trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”, doanh nghiệp tốt cũng bị nhà đầu tư bán tháo trái phiếu như doanh nghiệp xấu. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có ngay các giải pháp tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.

Bên cạnh đó, nên có những quy định về việc các tổ chức phát hành có những hội đồng trái chủ để có thể có những thoả thuận đàm phán với trái chủ để trong lúc khó khăn hội đồng trái chủ có thể đồng ý gia hạn thanh toán chi trả cho trái chủ.

“Các doanh nghiệp phải có phương án tái cấu trúc nợ và phải minh bạch cho nhà đầu tư. Có thể lập một hội đồng đàm phán với các trái chủ để cơ cấu lại các khoản nợ”, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.

Việc thành lập quỹ bảo lãnh hay quỹ bình ổn trái phiếu như Trung Quốc, Hàn Quốc (sử dụng nguồn ngân sách) là rất cần thiết, ưu tiên hỗ trợ các trái phiếu tốt. Tất nhiên, việc có khả thi hay không thì cần phải xem xét thêm. Trước mắt, theo các chuyên gia, các giải pháp phải tập trung mở độ rộng cho thị trường, cho phép thêm nhiều nhà đầu tư tham gia trái phiếu.

Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước khan hiếm, đắt đỏ, việc huy động vốn từ nước ngoài là cơ hội cho những ngân hàng, doanh nghiệp có uy tín.

Tuần qua, hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp công bố các hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế.

Ngày 11/11, VPBank công bố việc ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo

Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. Trong khi đó, SeABank cho biết vừa ký kết với Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) về khoản vay 200 triệu USD trong 7 năm.

Được biết, tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á.

Trước đó, Ngân hàng VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC).

Không chỉ ngân hàng, mà các doanh nghiệp cũng lần lượt công bố các hợp đồng gọi vốn khủng. Cụ thể, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 cho biết vừa huy động thành công khoản vay 60 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable. Tính từ đầu năm đến nay, F88 đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con trực thuộc Masan) cũng vừa nhận được một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD. Đây là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn.

Trước đó, Công ty cổ phần Be Group đã ký hợp đồng tiếp nhận khoản vay lên đến 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.675 tỷ đồng) với nhóm ngân hàng nước ngoài.

Cuối tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD do MB và 6 ngân hàng quốc tế cho vay hợp vốn để mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.

Trong khi đó, Novaland cũng muốn vay thêm 40 triệu USD từ VietinBank Filiale Deutschland (chi nhánh của VietinBank tại Đức) và Maybank Labuan (chi nhánh của Maybank tại Malaysia). Hồi tháng 8/2022, HĐQT Novaland đã thông qua giao dịch bảo đảm nghĩa vụ vốn vay của Công ty đối với khoản vay 100 triệu USD từ Quỹ đầu tư Credit Opportunities III Pte. Limited (Singapore)…

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, ngoài hợp đồng vay vốn 100 triệu USD đã ký, tập đoàn này kỳ vọng sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD vốn quốc tế để phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Với khoản vay 100 triệu USD, Lộc Trời đã đạt được thỏa thuận lãi suất tối ưu và ổn định, tạo điều kiện cho Tập đoàn phát triển ổn định thời gian tới.

Trong bối cảnh huy động vốn tại thị trường trong nước khó khăn, việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn khủng từ thị trường quốc tế là điểm sáng, giúp doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy được hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho năm tới. Đồng thời, đây là động lực để nhiều doanh nghiệp khác tìm kiếm nguồn vốn mới.

Các chuyên gia cho rằng, việc các tổ chức xếp hạng quốc tế đồng loạt nâng mức xếp hạng quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế với lãi suất hợp lý. Hồi tháng 9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Trước đó, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.

Mặc dù nguồn vốn quốc tế hiện rất dồi dào, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể khai thác. Theo đó, để tiếp cận các tiêu chuẩn khắt khe từ các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp phải có uy tín, có năng lực tài chính vững mạnh, số liệu công khai minh bạch, được kiểm toán bởi các tổ chức quốc tế, có phương án sử dụng vốn khả thi, có đơn vị tư vấn chuyên nghiệp…

Ngoài ra, dòng vốn phục vụ các Dự án phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án xã hội… cũng thường được các định chế tài chính quốc tế ưu tiên hơn trong giải ngân.

Đơn cử, VPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công Khung tài chính xã hội phù hợp với Nguyên tắc Trái phiếu xã hội (Social Bond Principles) và Nguyên tắc Cho vay xã hội (Social Loan Principles) quốc tế. Nhờ vậy, ngân hàng này đã nhận về hàng tỷ USD vốn quốc tế để cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội…

Trong khi đó, với đặc trưng phục vụ nhóm khách hàng yếu thế, F88 cũng là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành tài chính tiếp cận được với dòng vốn ngoại. Bà Carol Lee Park, Giám đốc điều hành của Lending Ark cho biết, Quỹ đầu tư này chọn F88 nhằm hỗ trợ phục vụ hàng triệu người dân, đặc biệt là những người không đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được nguồn tài chính truyền thống, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phải cơ cấu nợ, hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo trả nợ trái phiếu

Trước tình trạng doanh nghiệp phải tăng mua lại trái phiếu, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ với nhà đầu tư.

Trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Trước tình hình này, hôm nay (14/11), Bộ tài chính tiếp tục phát ra các khuyến nghị với thị trường trái phiếu.

Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.

“Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu”, Bộ Tài chính khẳng định.

Với trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính, Bộ cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp.

Các biện pháp cụ thể theo gợi ý của Bộ là: cơ cấu lại nợ; đàm phán hoán đổi trái phiếu; xử lý tài sản đảm bảo; thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp.

Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, Bộ Tài chính khẳng định các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Đối với các nhà đầu tư, Bộ khuyến nghị, thứ nhất, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.

Thứ hai, các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.

Thứ ba, các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn. Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Do đó, các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu đóng băng, khuyến nghị mới nhất này của Bộ Tài chính tiếp tục làm nhà đầu tư và doanh nghiệp lo lắng.

Bộ Tài chính khẳng định, trước mắt, việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần cân nhắc sửa đổi hoặc hoãn thực hiện Nghị định 65 để gỡ khó cho thị trường trái phiếu.

Trong Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Cùng với thực hiện Nghị định 65, Bộ Tài chính phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết).

Dư địa cho vay còn lại trong hơn một tháng cuối năm rất hạn chế, nên vốn tín dụng sẽ được ưu tiên vào lĩnh vực thiết yếu và lĩnh vực ưu tiên. Theo ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của ngành là 14% và NHNN kiên định với chủ trương không nới room, nên nhà băng khó mở rộng tín dụng ồ ạt cuối năm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn cho hay, nhu cầu vốn những tháng cuối năm rất lớn để giữ chỗ các dịch vụ hàng không, khách sạn… cho các chương trình du lịch dịp Tết tăng cao. Thế nhưng, doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn từ các ngân hàng.

Trao đổi về các chương trình hỗ trợ lãi suất đang được triển khai, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm quyền Tổng giám đốc Vietbank cho hay, bên cạnh việc chủ động quản lý danh mục nợ, xử lý nợ quá hạn, nợ xấu, Vietbank vẫn tiếp tục tham gia cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành. “Chúng tôi đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19”, ông Trung nói.

Trong khi đó, muốn tiếp cận nguồn vốn lãi ưu đãi 2% không phải doanh nghiệp cũng đáp ứng đủ điều kiện. NHNN cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới thực hiện được khoảng 20% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp…

Theo phản ánh, hiện không ít doanh nghiệp ngành vận tải phải vay với lãi suất 15-16%/năm, thế nhưng cũng không dễ tiếp cận.

Trong khi đó, các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sau đại dịch dù đã được triển khai, song tốc độ giải ngân chậm, tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy các điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, hoạt động cho vay của ngân hàng phải tuân thủ các điều kiện, quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nên không phải đối tượng nào cũng có thể tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo đánh giá của nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), ông Phạm Xuân Hòe, nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn, nhưng ngân hàng cũng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu do thị trường giảm. Do đó, cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp, như tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng... Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công vào các Dự án trọng điểm.

Còn TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Khoa tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) nhận định, mặt bằng lãi suất thời gian tới phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Tiền hút vào nhiều thông qua trái phiếu chính phủ, thu ngân sách vượt kế hoạch trong khi giải ngân đầu tư công chậm, khiến thị trường khan tiền, áp lực lên lãi suất cho vay.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục