Việt Nam có thể “ngược chiều” lãi suất?
Làn sóng tăng lãi suất trên thế giới vẫn chưa có điểm dừng, cộng thêm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược, cho thấy những tín hiệu bất trắc của nền kinh tế toàn cầu.
Đầu tuần này, phát biểu trước cuộc điều trần của Ủy ban ngân hàng, nhà ở và đô thị thuộc Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo, cần phải tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế lạm phát. Sau tuyên bố này, USD tăng giá mạnh, trong khi thị trường vàng, chứng khoán lao dốc.
Giới đầu tư dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách dự kiến diễn ra ngày 21 - 22/3 tới. JPMorgan Chase dự báo, lãi suất của Fed sẽ lên đến 6% vào cuối năm nay, thay vì mức trên 5% như dự báo trước đó.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho hay, sở dĩ Mỹ và nhiều quốc gia chưa thể hạ nhiệt lãi suất là bởi lạm phát trên thế giới đang tăng trở lại. Tại một số quốc gia, lạm phát thậm chí còn chưa lập đỉnh; còn tại một số quốc gia lạm phát đã giảm, thì lại đang có dấu hiệu tăng trở lại hoặc hạ nhiệt chậm.
“Điều này cho thấy, lạm phát tiếp tục là vấn đề nan giải trên toàn cầu. Giải pháp mà các ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng thời gian qua không có nhiều tác dụng. Đây là lý do khiến mặt bằng lãi suất cao sẽ còn kéo dài, kỷ nguyên tiền đắt sẽ tiếp tục duy trì. Một khảo sát mới đây cho thấy, không định chế tài chính nào tin rằng, Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ hạ lãi suất năm nay. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu xảy ra, sẽ diễn ra vào năm sau”.
Không chỉ Mỹ, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương có thêm 36 lượt tăng lãi suất. Đầu tháng 2/2023, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lên 4%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Lạm phát vẫn căng thẳng là nguyên nhân khiến lãi suất trên thế giới chưa dừng lại. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, lạm phát lõi (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu) của khu vực đồng tiền chung châu âu đã tăng lên mức kỷ lục 5,3% trong tháng 1/2023. Eurostat cũng nhấn mạnh, tốc độ lạm phát hiện nay đã vượt mức đỉnh, song áp lực giá cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức ở mức cao nhất trong 12 năm qua; lạm phát của Pháp cũng cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước… kinh tế nhiều quốc gia châu Âu đã rơi vào suy thoái.
Trước tình hình này, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các ngân hàng trung ương nên duy trì lộ trình thắt chặt cho đến khi giá cả được kiểm soát.
Diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu đang khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hết sức cảnh giác. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, còn diễn biến phức tạp. Trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Fed vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất, gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Fed và nhiều quốc gia tăng lãi suất, song tốc độ tăng đã giảm, áp lực với tỷ giá và lãi suất trong nước vì vậy cũng giảm hơn rất nhiều so với năm ngoái. Năm 2022, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, giúp NHNN có thể chủ động hơn trong điều hành tỷ giá, từ đó tạo điều kiện hạ lãi suất. Cùng với đó, thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định thời gian qua hoàn toàn cho phép lãi suất giảm thêm. “Theo tôi, lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt hơn bắt đầu từ quý II/2023”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Cùng chung nhận định lãi suất có thể giảm thêm, song TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất cho vay chỉ có thể giảm nhẹ trong năm nay. Dù vậy, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, lãi suất trong nước giảm nhẹ là hợp lý, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát và lượng cung tiền cho nền kinh tế.
Theo số liệu của NHNN, hiện thanh khoản của hệ thống đang dư thừa 50.000 tỷ đồng so với mức yêu cầu tối thiểu.
Nghịch lý là, dù thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, song các doanh nghiệp vẫn cạn kiệt nguồn vốn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, dù Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã phần nào giảm áp lực đáo hạn trái phiếu. Nguồn tín dụng vẫn chưa thể khai thông khi sức khỏe doanh nghiệp yếu đi đáng kể, tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay cũng bị hao hụt nhiều (do cổ phiếu, bất động sản giảm giá mạnh).
Để tháo gỡ khó khăn thanh khoản hiện nay, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tiên quyết vẫn là doanh nghiệp phải chấp nhận bán tài sản với chiết khấu hấp dẫn để tạo dòng tiền. Dĩ nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn pháp lý. Chỉ khi hai giải pháp này được thực thi, tín dụng mới có thể khai thông.
Bất động sản khó, bảo hiểm không còn là “gà đẻ trứng vàng”, ngân hàng thận trọng kế hoạch 2023
Thị trường bất động sản ảm đạm, chất lượng tài sản xấu đi, nhu cầu tín dụng suy yếu, mảng bảo hiểm không còn là “gà đẻ trứng vàng”… khiến ngân hàng không lạc quan về lợi nhuận năm 2023.
Năm 2022 lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng gần 34% so với năm trước. Tuy nhiên, năm nay, tốc độ tăng trưởng dự báo chỉ còn khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, VNDirect cho rằng, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ tác động tiêu cực lên ngành ngân hàng khi rủi ro tín dụng gia tăng và chất lượng tài sản suy yếu.
Năm nay, thanh khoản đã dịu bớt nhờ sự hỗ trợ thanh khoản của NHNN thông qua việc tích cực mua vào ngoại tệ và ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN. Mặc dù vậy, ngành ngân hàng lại chịu nhiều yếu tố bất lợi khác.
Triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến dòng tiền của doanh nghiệp suy yếu nghiêm trọng, làm gia tăng rủi ro nợ xấu, từ đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản và rủi ro tín dụng ngân hàng.
Trước những khó khăn này, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng cho năm 2023. Theo đó, Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%, VIB – một ngân hàng có lợi thế trong mảng bảo hiểm (banca) chỉ kỳ vọng tăng trưởng 15% lợi nhuận. Có thể nói, banca không còn là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng trong năm nay vì nền kinh tế suy yếu làm nhu cầu sút giảm. Đồng thời, các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh thanh tra hoạt động banca.
Chất lượng tài sản ngân hàng yếu đi là lý do khiến nhà đầu tư dè chừng với cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện. Chỉ khi rủi ro về nợ xấu được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng mới có thể lấy lại được đà tăng trưởng.
Các chuyên gia phân tích VNDirect cho rằng, bức tranh toàn ngành sẽ tích cực hơn vào cuối năm 2023, khi áp lực tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt, thanh khoản cải thiện cùng với hiệu lực của Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Cần thêm 3 giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trong báo cáo vừa phát hành, VNDirect cho rằng, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ nhất, Nghị định 08 tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn. Trước đó một số tổ chức phát hành đã tự thảo thuận với trái chủ, nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc thỏa thuận gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thành công thấp.
Thứ hai, cho phép tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay thì giải pháp này cũng mở ra một lựa chọn khả thi cho doanh nghiệp (trong trường hợp trái chủ đồng ý). Tuy nhiên, việc thỏa thuận có được trái chủ chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào các điều khoản cụ thể, trong đó bao gồm tính pháp lý, định giá của các tài sản mà doanh nghiệp đưa ra thanh toán cho các trái chủ.
Thứ ba, tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối.
Thứ tư, giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024 sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với một số doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Bá Khương, Chuyên viên phân tích VNDirect, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 vào khoảng 252.000 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ) trong đó giai đoạn quý II, III/2023 khá thử thách với gần 160.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107.700 tỷ đồng.
Trong bối cảnh, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ đang dần tăng lên.
Đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 121.100 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 12% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Khoảng gần 38.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi, VNDirect cho rằng, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác
Thứ nhất, doanh nghiệp bất động sản cần có thêm biện pháp quyết liệt. Cụ thể là, phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.
Thứ hai, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các Dự án bất động sản.
Thứ ba, tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Vì vậy, VNDirect cho rằng, thị trường chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này
Lãi vay hạ nhiệt chậm, người mua nhà sốt ruột tìm cách tất toán
Tính tới đầu tuần này, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã hạ lãi suất huy động thêm 0,5%/năm với các kỳ hạn 6 - 12 tháng, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay chưa thể hạ nhiệt theo.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chị Trần Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện tại, khoản vay của chị tại VPBank vẫn đang phải chịu lãi suất 15,6%/năm. Mức lãi suất này được ngân hàng áp dụng từ đầu tháng 1/2023, tăng hơn 5%/năm so với thời điểm chị ký hợp đồng mua nhà năm 2021, khiến mọi dự trù tài chính của gia đình bị đảo lộn.
Theo dõi thông tin, thấy lãi suất huy động hạ, chị có liên hệ với ngân hàng để hỏi tình hình, thì được nhân viên tín dụng cho biết, lãi suất có thể sẽ giảm nhiệt vào kỳ điều chỉnh sắp tới (cứ 3 tháng, ngân hàng xem xét điều chỉnh lãi suất một lần). Tuy vậy, nhân viên này cũng cho biết, lãi suất cho vay khả năng cũng chỉ giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.
“Gia đình tôi đang tính bán mảnh đất mua năm ngoái, lỗ khoảng 200 triệu đồng, để tất toán hợp đồng vay ngân hàng. Chỉ trong vòng nửa năm qua, riêng khoản lãi phải trả ngân hàng đã nhiều hơn số lỗ này”, chị Hà than thở.
Giống như chị Hà, rất nhiều khách hàng cá nhân trót vay tiền mua bất động sản, ô tô đang “đau đầu” vì lãi suất cao. Lãi suất huy động bị đẩy tăng vọt từ quý III/2022 khiến lãi suất cho vay tăng mạnh và đang phổ biến ở mức 14 - 16%/năm.
Hiện nay, lãi vay mua nhà thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (như Agribank, Vietcombank, BIDV…), mức phổ biến khoảng 11 - 12%/năm, với khách hàng cũ. Tuy vậy, điều kiện vay vốn của các ngân hàng này cực kỳ chặt chẽ, nên không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận. Đa phần khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đều đang mắc kẹt với lãi suất cao.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cần rất nhiều yếu tố để thị trường bất động sản ấm nóng trở lại, trong đó có vấn đề lãi suất. Lãi suất mua nhà như hiện nay sẽ triệt tiêu sức cầu của thị trường.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong tháng 2/2022, mặt bằng lãi suất toàn hệ thống đã giảm 0,4%/năm. Tuy vậy, với người mua nhà, mức giảm này quá thấp so với mức tăng lãi suất 4 - 5%/năm trong vòng hơn một năm qua. Đây cũng là lý do khiến tín dụng bất động sản chững lại trong 2 tháng đầu năm nay, kéo tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống xuống thấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học kinh tế TP.HCM) đánh giá, mức lãi suất cho vay quanh 15%/năm hiện nay là quá cao. Mặc dù lãi suất huy động đã hạ nhiệt khá mạnh so với cuối năm 2022, song phải từ cuối quý II, đầu quý III/2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra mạnh hơn.
“Mặt bằng lãi suất cho vay phải kéo về quanh mức 10%/năm, thì mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư, cá nhân vay tiêu dùng. Muốn vậy, lãi suất tiền gửi phải giảm về quanh mức 7%/năm”, TS. Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.
Công ty Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, lãi suất huy động đạt đỉnh trong quý I/2023 và sẽ giảm dần. “Chúng tôi kỳ vọng, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, các chuyên gia phân tích của VnDirect nhận định.
Thực tế, lãi suất cao là điều mà cả doanh nghiệp và ngân hàng không mong muốn. Mặt bằng lãi suất cao đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào nguy cơ nợ xấu - đây là nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng. Thị trường cũng đang có khá nhiều yếu tố thuận lợi cho lãi suất giảm như: tỷ giá ổn định, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư… Mặc dù vậy, quá trình giảm lãi suất có thể diễn biến chậm hơn kỳ vọng, do lạm phát đang có dấu hiệu tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài thời gian duy trì mặt bằng lãi suất cao…
Hiện tại, người mua nhà và doanh nghiệp bất động sản đang rất trông đợi Chính phủ sớm ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội (120.000 tỷ đồng) và cơ chế giãn nợ cho doanh nghiệp. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, ngay trong tháng 3/2023 này, các bên liên quan sẽ có một cuộc họp bàn về cách thức triển khai gói 120.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thời gian tới, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân kỳ vọng có thể giảm xuống 10 - 11%/năm. Trên cơ sở đó, gói 120.000 tỷ đồng sẽ giảm thêm 2% lãi suất, tức người mua nhà được tiếp cận lãi suất ở mức 8 - 9%/năm. Lãi suất hợp lý cộng với các giải pháp gỡ vướng về phápt lý, tạo nguồn cung Dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ giúp thị trường khởi sắc trở lại.
Tín dụng khựng lại và nỗi lo nợ xấu
Các ngân hàng thừa vốn, song lại không thể cho vay. Điều này phản ánh “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp đang suy kiệt, đồng thời dấy lên cảnh báo cho các ngân hàng về rủi ro nợ xấu.
Không nằm ngoài dự báo của các ngân hàng thương mại trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 2/2023 chỉ tăng chưa đầy 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.
Tín dụng tăng chậm hiện nay không phải do ngân hàng khát thanh khoản, khát room tín dụng như cuối năm ngoái. Thanh khoản của hệ thống đang dư thừa hơn 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc; room tín dụng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho các tổ chức tín dụng, còn rất dồi dào.
Lý giải về tín dụng tăng chậm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra một số lý do như: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán; “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái; thị trường bất động sản khó khăn khiến nhu cầu suy giảm.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tín dụng tăng trưởng thấp cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp cho hay, đơn hàng sút giảm, nên nhu cầu vay vốn hầu như không có. Thậm chí, thay vì vay thêm vốn, nhiều doanh nghiệp lại cố gắng xoay xở để tất toán bớt các khoản vay nhằm giảm áp lực tài chính.
Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều đối mặt với tình trạng sút giảm đơn hàng. Lạm phát tăng cao, sức mua suy giảm ở các thị trường chính như Mỹ, châu Âu… đang đánh thẳng vào hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, sức mua toàn cầu giảm khiến lượng đơn hàng toàn ngành quý I/2023 giảm 25 - 30%.
Với doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sao Nam cho hay, đơn hàng của Sao Nam giảm tới 30 - 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ lo đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng lãi suất cho vay cao. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngoài khó khăn thị trường, lãi vay cao và khó tiếp cận vốn đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp. Theo ông Nam, NHNN cần đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi hơn với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, vì với lãi suất cho vay hiện tại, doanh nghiệp thủy sản đang phải chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phân tích, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ngoài sức cầu giảm, còn do khó tiếp cận vốn, lãi suất cao…
Với “thể trạng” của doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia này đặc biệt lo ngại tình hình nợ xấu có thể gia tăng. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát (nợ xấu nội bảng 2%, nợ xấu gộp 3,5%). Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ và mặt bằng tỷ giá cao, tỷ giá còn chịu áp lực tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng…, thì doanh nghiệp ở một số lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn.
GS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất. Theo chuyên gia này, nên chấp nhận mất giá VND trong ngắn hạn để giảm được lãi suất. Bởi xét ra, lãi suất cao có hại nhiều hơn cho nền kinh tế so với việc VND mất giá.
Tin tốt với doanh nghiệp là bắt đầu từ tuần này (từ ngày 6/3), các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm thêm 0,2 - 0,5% lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay. Theo khảo sát của Báo Đầu tư, đến cuối tuần trước, hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng, hiện mức cao nhất của kỳ hạn này là 9%/năm.
Tuy vậy, những dữ liệu mới nhất của kinh tế châu Âu và Mỹ vừa tung ra đầu tháng 3/2023 cho thấy, lạm phát lõi còn cao, cầu tiêu dùng tiếp tục suy yếu. Giới chuyên gia dự báo, châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất hơn so với dự kiến. Điều này có thể sẽ trở thành rào cản đối với việc hạ lãi suất trong nước.
Các động thái của NHNN gần đây cho thấy, cơ quan này vẫn hết sức thận trọng với tỷ giá, nhất là khi USD đang tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN vẫn phải tăng mua vào ngoại tệ dự trữ sau khi đã bơm ra lượng lớn để can thiệp thị trường năm 2022. Theo ước tính của một số công ty chứng khoán, trong tháng 2/2023, NHNN mua vào 3,6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên 9,3 tỷ USD.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, thị trường tài chính thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương chưa dừng lại. Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, bởi NHNN vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng.
Hiện lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Riêng với tín dụng bất động sản, để khai thông, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trước hết, phải gỡ vướng về pháp lý, vì 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là do pháp lý. Một khi pháp lý được tháo gỡ, ngân hàng mới có thể giải ngân.