Đề xuất “các ngân hàng đại chúng phải lên sàn” của UBCK, nhằm tạo thêm hàng hóa cho TTCK, đã thấu đến NHNN, đến Thủ tướng Chính phủ, khi Thủ tướng nêu rõ: các ngân hàng cổ phần đại chúng dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai để khắc phục sở hữu chéo.
Thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt này đã được luật hóa trong Nghị định 108/2013/NĐ-CP. Theo đó, các DN (trong đó có ngân hàng) phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian 1 năm, kể từ ngày phát hành. Nếu không thực hiện, DN sẽ bị phạt hàng trăm triệu đồng, đồng thời, nhà đầu tư được quyền đòi lại tiền đã góp vào DN.
Thông tin từ UBCK cho biết, có khoảng 30 ngân hàng đã đăng ký nghĩa vụ đại chúng, nhưng chưa niêm yết, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn, An Bình, Bản Việt, Bắc Á, Dầu khí Toàn cầu, Gia Định, Hàng hải Việt Nam, Kiên Long, Kỹ thương, Nam Á, Phương Nam, Phương Đông, Bưu điện Liên Việt, Bảo Việt, Đông Nam Á… Các ứng viên này, sau thông điệp của NHNN, của Chính phủ, sẽ buộc phải tính việc niêm yết một cách nghiêm túc, chứ không thể né trách nhiệm lên sàn.
Với quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, ngân hàng lên sàn sẽ góp phần quan trọng làm tăng quy mô thị trường, tăng lượng nhà đầu tư (từ chính các cổ đông hiện hữu). Tuy nhiên, lên sàn có góp phần tăng sức hấp dẫn cho TTCK, tăng giá trị cho các ngân hàng không, lại là câu chuyện khác. Hiện tại, sàn niêm yết có 8 cổ phiếu ngân hàng (ACB, MBB, STB, EIB, VCB, SHB, NVB, CTG), trong đó có ít nhất 2 cổ phiếu có giá dưới mệnh giá. Trước đó, cổ phiếu HBB của Habubank đã bị xóa sổ trên sàn, khi ngân hàng này nợ xấu lớn, lỗ quá lớn, mất gần hết vốn điều lệ. Cổ phiếu NVB cũng sắp biến mất trên sàn, vì Ngân hàng muốn hủy niêm yết, do thanh khoản cổ phiếu kém, bản thân NVB nợ xấu lớn, thua lỗ trong kinh doanh…
Quan sát các ứng viên tiềm năng trên, không khó để nhận ra những ngân hàng đang có tình trạng tài chính tương tự NVB, khi nợ xấu lớn, lỗ lũy kế lớn. Nếu NHNN quyết phân loại nợ xấu theo Thông tư 02, theo dự báo của người đứng đầu một số ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng vọt, hàng chục, thậm chí vài chục phần trăm. Với thực tế như vậy, khích lệ hay ép buộc các ngân hàng yếu lên sàn, có thể sẽ khiến TTCK nhận thêm “hàng hóa rác”, trong khi trên sàn niêm yết, đang có rất nhiều cổ phiếu yếu, cần phải thanh lọc.
Lên sàn để minh bạch, để giảm dần tình trạng sở hữu chéo, đó là ý nghĩa tích cực. Nhưng trước khi lên sàn, các ngân hàng cần phải “làm sạch” chính mình, cần nhìn thẳng vào nợ xấu và dọn dẹp nợ xấu, để “cơ thể” khỏe mạnh hơn, cổ phiếu mới mong được nhà đầu tư quan tâm và định giá đúng. Nhìn sang khối CTCK, dù ở quy mô quá nhỏ so với các ngân hàng, nhưng việc 2 CTCK đầu tiên (MBS, VITS), có lỗ lũy kế lớn, đã công khai hợp nhất, giảm đi một nửa vốn điều lệ, cổ đông chấp nhận mất một nửa số cổ phần, để đưa DN về “mặt đất” (không còn lỗ lũy kế), là mô hình đáng tham khảo.
Nếu tái cấu trúc ngành ngân hàng theo hướng cộng ba ông yếu thành một ông “đại yếu”, rồi đưa lên sàn, thì chắc chắn việc lên sàn sẽ chỉ là góp thêm hàng hóa kém chất lượng cho TTCK và không mang lại bất kỳ giá trị gia tăng gì cho các ngân hàng, bởi nhà đầu tư đủ thông minh để nhận diện giá trị mỗi cổ phiếu.
>> Sẽ thúc đẩy các ngân hàng lên sàn
>> Ngân hàng niêm yết đầu tiên báo lỗ
>> Chân dung 6 doanh nghiệp sắp lên sàn