Đặt trong bối cảnh phản đối hành động của cơ quan đối với biến đổi khí hậu và vai trò trong việc buộc UBS tiếp quản Credit Suisse, Thomas Jordan, chủ tịch hội đồng quản trị SNB cho biết, quy định và giám sát ngân hàng sẽ phải được xem xét sau các sự kiện diễn ra gần đây.
“Điều này sẽ yêu cầu phân tích chuyên sâu… phải tránh các sửa chữa nhanh chóng”, ông cho biết.
Ngân hàng trung ương đã đóng một vai trò trung gian quan trọng trong việc UBS giải cứu Credit Suisse trong suốt một ngày cuối tuần hỗn loạn vào tháng 3, khi tiền gửi bị rút hàng loạt và giá cổ phiếu lao dốc đã đẩy tổ chức 167 năm tuổi này đến bờ vực sụp đổ.
Thỏa thuận này vẫn còn vướng vào những tranh cãi và thách thức pháp lý, đặc biệt là quyết định xoá sổ khoảng 17 tỷ USD trái phiếu AT1 của Credit Suisse.
Sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ đã gây ra sự bất mãn lan rộng và làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng ổn định tài chính lâu nay của Thụy Sĩ.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng vấn đề này cũng được xem xét thích đáng trong các cuộc thảo luận về tương lai của ngành ngân hàng Thụy Sĩ”, ông Thomas Jordan cho biết.
Ông Thomas Jordan cho biết thêm, các quy định trong tương lai sẽ phải “bắt buộc các ngân hàng phải nắm giữ đủ tài sản mà họ có thể cầm cố hoặc chuyển nhượng bất cứ lúc nào mà không bị hạn chế và do đó họ có thể giao tài sản đó làm tài sản thế chấp cho các cơ sở thanh khoản hiện có”. Điều này có nghĩa là ngân hàng trung ương của Thụy Sĩ có thể cung cấp thanh khoản cần thiết trong thời điểm căng thẳng, mà không cần đến luật khẩn cấp.
SNB đã đồng ý cung cấp tối đa 200 tỷ franc (224 tỷ USD) - tương đương với khoảng 1/4 GDP hàng năm của Thụy Sĩ - để hỗ trợ thanh khoản mà không cần thế chấp.
“Chúng tôi cung cấp tính thanh khoản này chỉ vì hành động nhanh chóng là rất quan trọng để khôi phục niềm tin của các đối tác vào Credit Suisse và ngăn chặn dòng vốn của khách hàng chảy ra ngoài”, ông Thomas Jordan cho biết.
SNB đã phải đối mặt với hàng loạt các câu hỏi và sự bất bình từ các cổ đông về tình hình Credit Suisse trong cuộc họp ĐHCĐ vào thứ Sáu (28/4), nhưng mạng lưới các nhà hoạt động khí hậu của nước này cũng đưa ra hàng loạt các kiến nghị.
Không giống như nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, SNB điều hành dưới hình thức công ty đại chúng, với hơn một nửa trong số vốn cổ phần trị giá khoảng 25 triệu franc Thụy Sĩ (28,1 triệu USD) do các cổ đông đại chúng nắm giữ - bao gồm nhiều bang và ngân hàng bang của Thụy Sĩ - trong khi phần còn lại cổ phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tư nhân. Mặc dù vậy, quyền của cổ đông đã bị hạn chế và họ không thể tác động đến chính sách tiền tệ.
Hơn 170 nhà hoạt động khí hậu hiện đã mua cổ phần SNB. Trong khi đó, khoảng 50 cổ đông liên quan tới các nhà hoạt động khí hậu đã tham dự cuộc họp thường niên và các nhà hoạt động đã lên kế hoạch thực hiện nhiều phát biểu trên sân khấu tại ĐHCĐ.
Nhóm này đang kêu gọi SNB thanh lý cổ phần nắm giữ của “các công ty gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và/hoặc vi phạm các quyền cơ bản của con người”, bên cạnh chỉ ra các hướng dẫn đầu tư của chính SNB.
Cùng với việc loại bỏ hoàn toàn các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, các nhà hoạt động đang yêu cầu SNB thực hiện “quy tắc một đổi một” — một yêu cầu về vốn được thiết kế để ngăn chặn các ngân hàng và công ty bảo hiểm thu lợi từ các hoạt động gây bất lợi cho quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0.
Ngoài ra, UBS và Credit Suisse cũng phải đối mặt với sự phản đối từ các nhà hoạt động khí hậu tại các cuộc ĐHCĐ tương ứng vào đầu tháng này về việc đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch.
SNB đang thực hiện chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều năm và đã tăng chi phí đi vay thêm 225 điểm cơ bản kể từ tháng 6/2022 và ngân hàng cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu cần thiết.