Ngân hàng trông chờ thu ngoài lãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng tăng trưởng chậm, trong khi chi phí huy động vốn với lãi suất cao từ cuối năm 2022 đến hết quý II/2023 vẫn còn, nên các ngân hàng kỳ vọng, nguồn thu ngoài lãi sẽ tiếp tục bù đắp phần nào mảng thu từ lãi suy giảm.
Các nhà băng có sự đầu tư lớn về hạ tầng và công nghệ có cơ hội tăng thu ngoài lãi Các nhà băng có sự đầu tư lớn về hạ tầng và công nghệ có cơ hội tăng thu ngoài lãi

Thu từ lãi giảm, dự phòng tăng

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều nhà băng chứng kiến lợi nhuận sụt giảm khi rơi vào tình cảnh “thừa tiền” nhưng không thể đẩy mạnh cho vay để bù đắp chi phí huy động đắt đỏ trước đây. Trong khi đó, không ít ngân hàng phải nâng chi phí dự phòng lên cao, khiến lợi nhuận bị ăn mòn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, ở mức thấp so với cùng kỳ (11,5%) cũng như mục tiêu cả năm (14%). Theo đó, một số chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tín dụng năm nay khó có thể đạt được mục tiêu, chỉ tăng khoảng 12%, thậm chí thấp hơn.

Lãi thuần giảm do tín dụng tăng chậm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, nhất là quý III. Đáng chú ý, trong quý gần nhất, đa số ngân hàng rơi vào tình cảnh chi phí lãi tăng mạnh hơn thu nhập lãi, khiến thu nhập lãi thuần suy giảm. Chi phí lãi tăng cao do các ngân hàng liên tục nâng lãi suất tiết kiệm vào cuối năm ngoái, đầu năm nay và người dân, doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn tiền gửi làm kênh đầu tư.

Chẳng hạn, Techcombank cho vay khách hàng tăng 13% trong 9 tháng đầu năm nay, song thu nhập lãi thuần giảm hơn 14% so với cùng kỳ. Bởi lẽ, thu nhập từ lãi tăng 30%, trong khi chi phí lãi tăng 145,4% so với cùng kỳ.

Tương tự, trong 9 tháng đầu năm, thu nhập từ lãi của ACB tăng hơn 38%, còn chi phí lãi tăng gần 81% so với cùng kỳ; với HDBank, thu nhập từ lãi tăng 57,5%, trong khi chi phí lãi tăng 113%, khiến thu nhập lãi thuần chỉ tăng 12% so với cùng kỳ.

Áp lực phải giảm lãi suất cho vay vẫn còn, nên nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động để giảm chi phí bình quân vốn, nhất là với những nhà băng còn tồn dư nguồn vốn huy động với lãi suất cao giai đoạn đầu năm. Đồng thời, các ngân hàng cũng nỗ lực đẩy mạnh cho vay.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho rằng, nhu cầu về vốn của khách hàng dần tăng trở lại, song các ngành trọng tâm như bất động sản và sản xuất nhìn chung vẫn trầm lắng. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị và lạm phát cao trên thế giới ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường, khiến các doanh nghiệp vẫn có xu hướng thận trọng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, nên tín dụng khó có thể tăng trưởng mạnh.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh nền kinh tế chưa hết khó khăn, lĩnh vực bất động sản trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng dần đi xuống. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tại đa số nhà băng trong quý III/2023 tăng so với quý II cũng như cuối năm ngoái. Không chỉ có nợ nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 tăng lên, nhiều ngân hàng còn xuất hiện tình trạng “nhảy” nợ nhóm 2. Chất lượng tài sản sa sút khiến chi phí dự phòng tăng vọt, bào mòn lợi nhuận.

Điểm sáng thu nhập ngoài lãi

Lãi thuần giảm do tín dụng tăng chậm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, nhất là quý III.

Trong khi thu từ lãi giảm và dự phòng tăng cao thì thu nhập ngoài lãi là điểm sáng của nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay. Trong đó, thu nhập ngoài lãi là yếu tố đã kéo lợi nhuận đi lên trong quý III/2023.

Chẳng hạn, ACB ghi nhận thu nhập ngoài lãi ở mức cao trong quý III/2023, đặc biệt là khoản lãi 882 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư, giúp Ngân hàng lãi trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 13%, dù chi phí dự phòng gấp gần 5 lần cùng kỳ.

Techcombank có lãi từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 6.219 tỷ đồng, tăng 9%, nhờ thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng 52%, song lãi trước thuế giảm 19% so với cùng kỳ, xuống 17.115 tỷ đồng, do thu nhập lãi thuần suy giảm.

Tương tự, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần trong quý III/2023 giảm 18%, xuống gần 2.633 tỷ đồng; lãi thuần dịch vụ giảm 37%, còn hơn 164 tỷ đồng. Ngược lại, hoạt động phi tín dụng đạt kết quả khả quan như kinh doanh ngoại hối lãi hơn 205 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thua lỗ; hoạt động khác đạt lợi nhuận gần 112 tỷ đồng, gấp 16,6 lần cùng kỳ…

Tại Nam A Bank, điểm nhấn trong cơ cấu lợi nhuận 9 tháng đầu năm là sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động dịch vụ, lãi từ hoạt động này đạt 472,6 tỷ đồng, tăng gần 123% so với cùng kỳ.

Với OCB, quý III/2023 ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 4,5% so với quý II và tăng 19,2% so với cùng kỳ; thu nhập lãi thuần đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; thu nhập ngoài lãi đạt 603 tỷ đồng, tăng hơn 87% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi trong quý III/2023 của OCB chủ yếu đến từ khoản thu nhập chứng khoán đạt 220 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 67 tỷ đồng), nhờ hiện thực hóa lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu chính phủ. Đồng thời, thu nhập ngoại hối của Ngân hàng đạt 175 tỷ đồng, tăng 293% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh, nhưng hiệu quả hoạt động được cải thiện, trong khi chi phí hoạt động tương đương cùng kỳ. Theo đó, tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập (CIR) giảm 1,3%, xuống 31,2%. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro giảm 13% so với cùng kỳ.

Những yếu tố trên đã giúp OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 49% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ và hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại được khảo sát dự báo, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể sẽ cải thiện trong quý IV/2023. Các lý do được liệt kê cho kỳ vọng này gồm tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, dẫn tới nhu cầu vay vốn được cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, kỳ vọng nguồn thu từ lãi cao trong năm nay là không dễ đối với ngành ngân hàng, do tăng trưởng tín dụng cả năm có thể chỉ đạt 10 - 12%. Nguồn thu ngoài lãi cũng vậy, khi mảng bảo hiểm và trái phiếu doanh nghiệp kém khả quan. Tuy nhiên, các nhà băng có sự đầu tư lớn về hạ tầng, công nghệ... sẽ có cơ hội tăng thu ngoài lãi.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục