2024: Hơn 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế
NHNN cho biết, tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, số dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt hơn 15,6 triệu tỷ đồng. Trong 1 năm qua, hệ thống ngân hàng đã “bơm” thêm 2,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, qua đó hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, các lĩnh vực trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ. Số dư nợ tín dụng tăng thêm trong năm 2024 là con số kỷ lục từ trước đến nay. Trước đó, các năm 2021, 2022 và 2023, tín dụng lần lượt tăng thêm 1,25 triệu tỷ đồng, 1,48 triệu tỷ đồng và 1,64 triệu tỷ đồng. Doanh số cho vay của hệ thống ngân hàng năm 2024 cũng ở mức ấn tượng, đạt 23 triệu tỷ đồng, trong khi năm 2023 đạt hơn 19 triệu tỷ đồng. Doanh số thu nợ năm 2024 đạt khoảng 21 triệu tỷ đồng.
Ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các ngân hàng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các ngân hàng chủ động triển khai thực hiện. Theo đó, cơ quan này dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, tăng thêm khoảng 1% so với kế hoạch năm trước. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Phó Thống đốc cho biết, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 cao hơn năm 2024 được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá năm vừa qua và căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội đặt ra và Chính phủ đang phấn đấu đạt trên 8%. Dù vậy, điều này sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trong năm 2025, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho TCTD cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà không cần có văn bản đề nghị. Mặc dù tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản và chứng khoán để đảm bảo kiểm soát rủi ro, nhưng vẫn cần tạo điều kiện cho các lĩnh vực này. Đây cũng là một trong những mục tiêu để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ kinh tế phục hồi.
NHNN cũng sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Hiện lãi suất điều hành đang được duy trì theo hướng tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có thêm dư địa để hỗ trợ nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, Chính phủ và NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân.
Dù vậy, ý kiến đưa ra từ các chuyên gia tài chính, NHNN cần tính đến việc sớm bỏ room tín dụng. PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cần hạn mức tín dụng phân bổ từng năm để ngân hàng chủ động trong kinh doanh và đẩy mạnh tăng trưởng cho vay. NHNN kiểm soát thông qua những công cụ như hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, tỷ lệ nợ xấu...
Sức hấp thụ vốn sẽ cải thiện
Ông Võ Hoàng Hải - Phó tổng giám đốc Nam A Bank đánh giá, nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng trong năm 2025 sẽ cải thiện. Trong quý đầu năm, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm trước vì tất cả các cơ quan, ban ngành đã tập trung tháo gỡ các khó khăn cho thị trường, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay cả với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều đang ở mức thấp, nên nhu cầu vay tiêu dùng được kỳ vọng tăng mạnh trở lại. Các ngân hàng cũng sẵn sàng cho việc đẩy mạnh hoạt động cho vay khi kinh tế hồi phục, kể cả với tín dụng bất động sản và tiêu dùng. Chưa kể, với nền tăng trưởng tín dụng của năm 2024 ở mức tương đối cao và mục tiêu đưa ra năm nay cao hơn năm trước, nên dư địa cho vay là rất lớn.
Đại diện Nam A Bank cho biết, năm 2025, ngân hàng này sẽ tập trung đẩy mạnh tín dụng xanh, cho vay hộ kinh doanh cá thể, lĩnh vực thủy sản, cho vay mua nhà. Bên cạnh đó, Nam A Bank còn phối hợp cùng Vingroup hỗ trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vận tải chuyển từ xe xăng sang xe điện với gói tín dụng khoảng 1.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm…
“Chúng tôi cố gắng kiểm soát chi phí huy động vốn ở mức 4,5-4,6% nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay ra, đồng hành cùng khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đảm bảo được hiệu suất sinh lời”, ông Hải nói và chia sẻ thêm, hiện một số lĩnh vực như thủy sản vẫn cho vay dưới mức lãi suất huy động, nhưng với mục tiêu đẩy mạnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA), Nam A Bank vẫn cố gắng để giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức phù hợp và ưu đãi nhất.
Cũng theo ông Hải, trước diễn biến tỷ giá hiện nay, sức ép lên lãi suất sẽ có nhưng không quá lớn, bởi Chính phủ và NHNN đã có thông điệp đến các ngân hàng yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng phải nỗ lực cắt giảm chi phí để duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Đồng quan điểm, ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách Giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự báo rằng, nhu cầu về vốn tín dụng của khách hàng trong năm 2025 sẽ tốt hơn năm 2024.
Theo ông Pyon Young Hwan, kinh tế suy thoái đã khiến nhu cầu tín dụng và các khoản vay mới giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2024, nhưng nhờ sự phục hồi kinh tế và các chính sách khuyến khích cho vay nên tăng trưởng tín dụng đã cải thiện dần. Kết thúc năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 15,08% - cao hơn kế hoạch để ra. Vì thế, khi tình hình sản xuất cải thiện và xuất khẩu hồi phục, dự kiến nhu cầu vốn của các ngành công nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng. Chưa kể, mặt bằng lãi suất cho vay thấp hiện tại cũng sẽ kích cầu vốn vay.
“NHNN đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đối với các tổ chức tín dụng. Trong năm 2024, NHNN cũng 2 lần thực hiện nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại để đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra năm nay là 16%, cao hơn năm trước cũng là điều kiện để các ngân hàng mở rộng dư địa cho vay”, ông Pyon Young Hwan nói.
Một ngân hàng ngoại khác là Shinhan Việt Nam (SHBVN) cũng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 19,08% năm 2024, trong đó dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 11/2024 tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tính đến tháng 12/2024, SHBVN đã thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ hơn 321 tỷ đồng và sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, để đạt được mức tăng kinh tế 8% trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng khoảng 16% là hợp lý. Tuy vậy, vấn đề cần quan tâm là nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh, nên khi thúc đẩy cho vay cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.