Ngân hàng thừa vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều năm mất cân đối khi tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn huy động tiền gửi thì nay tình trạng này của ngành ngân hàng đã đảo ngược.
Nhiều ngân hàng hiện thừa vốn, nhưng không nới lỏng điều kiện cho vay Nhiều ngân hàng hiện thừa vốn, nhưng không nới lỏng điều kiện cho vay

Huy động vốn cao hơn tín dụng

Mặc dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ đầu quý II/2023, song trước bối cảnh thị trường có những khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hồi phục nên nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm. Trong khi đó, tín dụng khó tăng trưởng trong nửa đầu năm nay nên tổng huy động tiền gửi đã tăng cao hơn dư nợ cho vay, sau nhiều năm mất cân đối.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ tăng 3,3%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ tăng 3,97%), còn tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,13% (cùng kỳ tăng 8,51%). Tại một số ngân hàng như ACB, OCB…, huy động cao hơn tín dụng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, ông Trần Minh Bình chia sẻ, Ngân hàng lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.

Tại Agribank, tín dụng tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm 2023 và mới tăng trưởng dương từ tháng 5/2023, nên Ngân hàng cũng dần cắt giảm lãi suất huy động.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, không huy động vốn bằng mọi giá, mà chỉ huy động đủ nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, qua đó kích thích nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, giúp tín dụng tăng tương ứng với huy động vốn.

Trong lúc ngành ngân hàng than thở “ế” vốn, tín dụng khó bơm ra nền kinh tế, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phản ánh, họ thiếu vốn, cần vốn, song không thể vay, vì hồ sơ, thủ tục của ngân hàng quá chặt chẽ. Mặt khác, với áp lực lãi vay cao hiện nay, không ít khách hàng ngại tiếp cận tín dụng, mà chủ yếu tận dụng nguồn vốn tự có đối với doanh nghiệp còn năng lực tài chính.

Đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu về hàng tiêu dùng tại TP.HCM cho hay, từ giữa năm 2022 đến nay, khi mặt bằng lãi vay tăng, doanh nghiệp đã tận dụng triệt để nguồn vốn tự có và cân đối chi phí đầu vào, đầu ra. Do có thị trường xuất khẩu và nguồn thu ngoại tệ nên cuối năm 2022 và đầu năm 2023 được ngân hàng mời vay USD với lãi suất khoảng 1%/năm và vay VND với lãi suất 7 - 9%/năm, song doanh nghiệp cũng hạn chế vay. Trong khi đó, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, hiện rất cần vốn, nhưng không dễ tiếp cận ngân hàng, vì thiếu tài sản đảm bảo nên không được xem xét vay tín chấp.

Theo lãnh đạo BIDV, các ngân hàng đang cạnh tranh trong việc tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay. Do đó, nếu nói doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng là không đúng, bởi nếu không tiếp cận được ngân hàng này thì có thể chuyển sang ngân hàng khác. Hiện thanh khoản toàn hệ thống dồi dào, ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn, nhưng không vì thế mà hạ chuẩn cho vay, bởi nợ xấu sẽ tăng.

Lãi suất cho vay vẫn cao

Thanh khoản ngành ngân hàng đang dồi dào, dù mặt bằng lãi suất huy động giảm dần.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, nhu cầu tín dụng suy yếu là nguyên nhân chính khiến tín dụng chững lại trong nửa đầu năm 2023. SSI dẫn dự báo của các ngân hàng thương mại, tín dụng khó có thể tăng mạnh trong nửa cuối năm nay, khi đầu ra của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ trong tháng 5/2023 phổ biến trong khoảng 9,5 - 11,2%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm.

Thực tế, tại nhiều ngân hàng, lãi suất các khoản vay mới hiện xoay quanh mức 10%/năm, thấp hơn đáng kể so với lãi suất của các khoản vay cũ là 12 - 13,5%/năm (do giá vốn các ngân hàng huy động cao trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023).

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận xét, lãi suất điều hành liên tục giảm, song lãi suất cho vay nhìn chung vẫn đang được các ngân hàng neo ở mức cao, chủ yếu do bị “mắc kẹt” với nguồn vốn huy động chi phí cao trước đó. Mặc dù vậy, các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần được trung hòa và sắp tới, lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm.

Ông Thành tính toán, để lãi suất cho vay trở lại bình thường và khỏe mạnh cho nền kinh tế thì phải giảm khoảng 1,5%/năm so với hiện tại. Ngoài ra, lãi suất điều hành có thể giảm ít nhất 0,5% trong khoảng 3 tháng tới.

Từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào và đầu ra, qua đó kích cầu tín dụng. Hiện tại, lãi suất tái cấp vốn là 4,5%/năm, lãi suất chiết khấu là 3%/năm, lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hiện nay, lãi suất cho vay vẫn là áp lực lớn, thì việc ngân hàng đẩy mạnh tín dụng là không dễ.

Trước áp lực lãi vay còn cao, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Cùng với việc vận động sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng để cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, từ góc độ doanh nghiệp, ai cũng mong lãi suất cho vay giảm. Bản thân các ngân hàng cũng rất mong muốn điều này. Nhưng để giải quyết một cách hài hòa, tạo sự cân bằng giữa cung và cầu về vốn cho nền kinh tế, tạo sự cân bằng giữa khả năng cho vay của ngân hàng và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cần phải có những điểm cân bằng. Ngành ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cho vay. Tăng trưởng dư nợ phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, các ngân hàng cần nhanh chóng giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động giảm mạnh, việc biện minh cần có độ trễ để giảm lãi suất cho vay là điều khó có thể chấp nhận. Biên lãi ròng của các ngân hàng vẫn đang cao, bình quân quý I/2023 của các ngân hàng trên sàn chứng khoán là 3,7%, thời gian tới giảm xuống còn 2 - 2,5% là hợp lý.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục