Những con số biết nói
Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đăk Nông, tín dụng tính đến ngày 31/3 trên địa bàn đã giảm 300 tỷ đồng, tương đương giảm 3,21% so với cuối năm 2013, nhưng tổng dư nợ tín dụng vẫn lên tới 9.023 tỷ đồng. Con số này gấp hơn 2 lần so với nguồn vốn huy động được của các ngân hàng trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh bạn là Gia Lai, tình trạng cũng tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Cư, Phó giám đốc NHNN Gia Lai, tính đến cuối quý I/2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 19.487 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ năm trước và tăng 5,2% so cuối năm 2013. Tăng mạnh như vậy nhưng cũng chỉ bằng “hơn nửa” tổng dư nợ 36.038 tỷ đồng trên địa bàn.
Thực trạng trên cho thấy, lượng vốn huy động tại chỗ tại nhiều địa phương Tây Nguyên mới chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu cho vay. Có nghĩa, một lượng vốn rất lớn vẫn phải được điều chuyển từ nơi khác đến. Điều đó cũng đồng nghĩa không ít doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với đồng vốn ngân hàng và lượng vốn vay được cũng chưa thỏa mãn nhu cầu đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
“Hiện nền kinh tế của tỉnh đang trong giai đoạn đầu phát triển, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân rất hạn chế nên việc huy động vốn tại chỗ gặp nhiều khó khăn, chỉ chiếm khoảng 40% dư nợ cho vay”, ông Hoàng Văn Minh nói.
“Đó là con số tổng, còn nếu tính riêng nguồn vốn trung, dài hạn thì còn thấp hơn nữa, chỉ đáp ứng 12,19% nhu cầu cho vay, phần còn lại phụ thuộc các nguồn vốn điều hoà từ Hội sở các ngân hàng”.
Chia sẻ về khó khăn tiếp cận vốn, ông Võ Sỹ Lực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, đặc thù đầu tư phát triển với cao su, cà phê là giai đoạn đầu tư cơ bản phải mất 5 - 7 năm, bởi vậy, nếu thời hạn cho vay không dài, lãi suất không cố định ở mức thấp thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
“Chính sách tín dụng cần phải phù hợp với đặc điểm vùng và đặc điểm sản xuất”, ông Lực kiến nghị.
Nơi thừa, nơi thiếu
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại hiện nay, nguồn vốn huy động của hầu hết ngân hàng đều lớn hơn nhiều so với nhu cầu cho vay. Thực trạng này khiến các ngân hàng buộc phải đầu tư lớn vào trái phiếu chính phủ trong suốt những tháng đầu năm.
Các doanh nghiệp ở các trung tâm kinh tế lớn thì nhu cầu vay vốn vẫn có, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn nên chưa “đạt chuẩn” có thể vay mới hoặc vay thêm vốn từ ngân hàng. Trong khi đó, nhiều địa phương, nguồn vốn dư thừa này lại chưa tới được một cách hợp lý.
Cũng theo ông Hoàng Văn Minh, việc điều hòa vốn từ hội sở về chi nhánh có chi phí khá cao. Trong khi đó, với những tỉnh Tây Nguyên như Đăk Nông, tỷ trọng cho vay nông nghiệp - nông thôn với lãi suất thấp lại rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận của hầu hết ngân hàng trên địa bàn, do vậy cũng ảnh hưởng tới khả năng mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực này.
Chưa hết, mặc dù địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khá rộng, song hiện số lượng ngân hàng có mặt tại đây vẫn còn khiêm tốn, mạng lưới mỏng và chủ yếu tập trung tại trung tâm huyện, thị...
Bởi vậy, lãnh đạo NHNN các địa phương cũng đề nghị NHNN Việt Nam có cơ chế riêng ưu tiên cho miền núi và cho phép một số NHTM trên địa bàn được mở rộng, phát triển mạng lưới. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn vốn với chi phí thấp cho các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn để tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.
Sẽ có lối ra
Chia sẻ với những khó khăn hiện nay của các tổ chức tín dụng cũng như cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cam kết, thời gian tới, ngành ngân hàng trên địa bàn sẽ phối hợp chặt chẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Có thể chọn một lĩnh vực nào đó để kết nối thí điểm, sau đó nhân rộng mô hình, không chỉ ở cấp tỉnh mà còn khu vực.
Thực tế trước đó tại TP. HCM, hệ thống ngân hàng đã có sự kết nối rất tốt với doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp đều được tham gia vào chương trình.
“Tuy nhiên, đối với với các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai cần đi sâu vào nông nghiệp, cụ thể là cây công nghiệp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo Thống đốc, trong Nghị quyết Chính phủ tháng 2, NHNN có đề xuất các chương trình hỗ trợ thí điểm cho vay mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn. Cụ thể, trước đây, là sản xuất tự cung tự cấp, nay triển khai mô hình sản xuất hàng hóa khép kín thành một quy trình, đảm bảo đủ chất lượng và công suất, lúc đó, ngân hàng mới mạnh dạn giải ngân vốn.
“Ngành ngân hàng rất mong có được những mô hình như trên để đồng vốn phát huy hiệu quả. Còn với mô hình hiện tại, bà con trồng cà phê vay vốn, rồi người mua, người chế biến… cũng vay vốn, nghĩa là qua rất nhiều cầu, mà trong đó, chỉ một cầu không hiệu quả là cả dây hỏng theo. Bây giờ chỉ cần cho vay một doanh nghiệp đứng đầu chuỗi, doanh nghiệp đó sẽ phải có trách nhiệm và quản đồng vốn ngân hàng hiệu quả hơn”, Thống đốc nói.