Ngân hàng thua kiện khi đòi bồi thường lãi cho khoản tiền bị chiếm đoạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 23/2, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét đơn kháng cáo của ngân hàng trong vụ án Nguyễn Thị Trà Lý (SN 1965, cựu cán bộ tín dụng) và Lê Văn Mạnh (SN 1973) gian dối, chiếm đoạt 500 triệu đồng của ngân hàng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trong vụ án này, hai bị cáo không kháng cáo. Tuy nhiên, ngân hàng kháng cáo về trách nhiệm dân sự, cụ thể buộc các bị cáo bồi thường tiền lãi của khoản tiền bị chiếm đoạt tính đến ngày xét xử sơ thẩm (16/6/2020) là 827 triệu đồng.

Bản án sơ thẩm thể hiện, trong thời gian từ năm 2007 - 2009, Lý và Mạnh đã tạo lập hồ sơ để vay vốn bằng hình thức thế chấp tài sản bảo đảm của bên thứ 3 nhằm chiếm đoạt tiền ngân hàng.

Thực hiện hành vi trên, Mạnh gặp ông Lê Văn M. (SN 1963, là chú họ của Mạnh) mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “cầm cố” để vay tiền người khác. Tin tưởng cháu họ, ông M. đã giao sổ đỏ cho Mạnh.

Có sổ đỏ, Mạnh đến chi nhánh ngân hàng nơi Lý công tác để nhờ làm thủ tục vay 90 triệu đồng. Lý làm thủ tục vay, lập giấy đề nghị vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh, đơn yêu cầu, bảo lãnh…

Sau đó, Mạnh đã giả mạo chữ ký của ông M. để thế chấp sổ đỏ trên. Cơ quan tố tụng xác định, Lý không thẩm định tài sản thế chấp, thậm chí còn nhờ người khác giả chữ ký của vợ ông M. để lập hồ sơ khống.

Sau lần được giải ngân 90 triệu đồng, Mạnh tiếp tục vay tiền ngân hàng thêm nhiều lần nữa. Mạnh dùng tiền vay lần sau để trả nợ gốc và lãi của khoản vay trước.

Đến tháng 3/2019, Lý tiếp tay cho Mạnh lập hồ sơ giả mạo để ngân hàng giải ngân cho Mạnh vay 500 triệu đồng. Các khoản vay trên dù có hành vi gian dối về thủ tục vay nhưng đều tất toán nên không gây thiệt hại cho ngân hàng.

Sau những lần trót lọt trên, tháng 9/2019, Lý và Mạnh tiếp tục lập hồ sơ để Mạnh vay 500 triệu đồng. Lý đã tạo dựng hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng thế chấp giả mạo. Biết khoản vay không có bảo đảm theo quy định nhưng Lý vẫn hoàn thiện hồ sơ có tài sản bảo đảm về mặt hình thức để làm căn cứ cấp tín dụng cho Mạnh vay 500 triệu đồng.

Lần này, đến hạn nhưng Mạnh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên của ngân hàng.

Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Lý 11 năm tù và Mạnh 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, tòa án ghi nhận việc ông M. tự nguyện trả ngân hàng 300 triệu đồng. Hai bị cáo khắc phục 20 triệu đồng. Tòa án buộc hai bị cáo có nghĩa vụ liên đới trả ngân hàng 180 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng phải trả lại sổ đỏ cho chủ tài sản.

Không đồng tình với quyết định trên, ngân hàng kháng cáo yêu cầu các bị cáo phải bồi thường tiền lãi.

“Hợp đồng tín dụng là hợp pháp. Hợp đồng thế chấp có vô hiệu cũng không làm mất đi nghĩa vụ của khách hàng”, đại diện ngân hàng trình bày. Ngân hàng trích dẫn các điều luật của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại.

HĐXX nhiều lần giải thích cho ngân hàng về việc các bị cáo đã có hành vi gian dối, có ý chí chiếm đoạt tiền ngân hàng và phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Nếu ngân hàng bị trộm hoặc bị cướp tiền thì ngân hàng tính lãi như nào với khoản tiền bị cướp. Có quy định nào tính lãi không?”, HĐXX giải thích.

“Việc các bị cáo tạo dựng hồ sơ giả là phương thức thực hiện hành vi phạm pháp khiến hợp đồng vô hiệu. Ngân hàng có quan điểm của mình, còn tòa án nhìn nhận góc độ quy định pháp luật”, HĐXX nói thêm và quyết định bác yêu cầu kháng cáo của ngân hàng.

Ngoài ra, với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, ngân hàng chịu án phí 36 triệu đồng.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục