Eximbank vừa công bố tăng lãi suất huy động mới với mức tăng 0,1-0,2%/năm cho hầu hết các kỳ hạn, áp dụng kể từ ngày 5/1. Sacombank cũng có động thái tương tự khi cho biết sẽ vừa tăng lãi suất kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng với mức tăng từ 0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 tháng sẽ tăng từ 4,9%/năm lên 5,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng lãi suất tăng từ 5,9%/năm lên 6%/năm.
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng khác như TPBank, Techcombank, VPBank, PVcomBank... tăng lãi gửi tiền đồng thêm 0,1-0,3%/năm cho một số kỳ hạn ngắn.
Trong động thái tăng lãi suất tiết kiệm dịp này, điểm đáng chú ý là ngân hàng nhỏ còn áp dụng mức lãi suất huy động 6 tháng lên đến 7,35%/năm -7,4%/năm, tức là cao hơn đáng kể so với các ngân hàng quy mô lớn. Đồng thời, không ít nhà băng mặc dù chỉ điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiền gửi, nhưng lại chú trọng khá nhiều vào việc tăng khuyến mại cho khách hàng gửi tiết kiệm.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng, lý do lãi suất được điều chỉnh dịp sát Tết cũng giống như các năm trước là đặc thù mùa vụ, chứ không hẳn do cung cầu vốn. Vào dịp này, nhu cầu rút vốn chi lương, thưởng của doanh nghiệp cuối năm tăng cao nên lượng tiền rút ra khỏi các ngân hàng tăng so với thời điểm bình thường. Chiều ngược lại là những người lao động khi nhận lương thưởng lại có nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng bên cạnh nhiều nguồn tiền nhàn rỗi khác, việc nâng lãi suất như một cách thu hút luồng tiền gửi bổ sung thanh khoản là cần thiết.
Mặc dù vậy, theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc nâng lãi suất huy động đợt này, ngoài lý do thu hút tiền tiết kiệm còn có lý do khác là do các ngân hàng phải tái cơ cấu lại nguồn vốn đáp ứng yêu cầu theo quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 50% tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Điều này cũng được Phó tổng giám đốc một ngân hàng cũng xác nhận, và theo vị Phó tổng giám đốc này, khả năng tín dụng các ngân hàng tiếp tục cải thiện trong năm 2017, việc chuẩn bị nguồn vốn theo cơ cấu quy định là điều cần thiết với mỗi ngân hàng. Đồng thời, nguồn vốn huy động được tốt sẽ giúp nguồn vốn cho vay chủ động hơn.
Trên thực tế, năm 2016, do bị giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (room quy định), nhiều ngân hàng đã phải dừng cho vay mới vào dịp cuối năm. Và thời điểm này khi đã bước sang năm 2017, room tín dụng được mở trở lại thì hoạt động tín dụng đang được nhiều ngân hàng kích hoạt sớm.
Với các lý do nêu trên, theo nhận định từ chính các ngân hàng thì lãi suất sẽ được điều chỉnh lên ở mặt bằng mới trước Tết nhằm thu hút nguồn vốn tiết kiệm. Theo ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB, khả năng lãi suất huy động chỉ giảm dần sau Tết, vì nhu cầu vốn của khách hàng thường tăng chậm trong quý I hàng năm.
Tuy nhiên có một chi tiết cần chú ý khi dự báo về diễn biến lãi suất đó là sức ép lên lãi suất huy động tiền gửi sẽ chưa dừng trong năm 2017 khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp sẽ còn tiếp tục 3 lần điều chỉnh lãi suất đồng USD trong năm 2017. Mặt bằng lãi suất huy động có giảm sau Tết hay không vẫn là câu chuyện phía trước.
Lãi suất huy động sẽ có tác động tới lãi suất cho vay. Năm 2016, mặc dù sức ép lớn nhưng NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn giảm ở mức bình quân 0,5-1%/năm so với năm 2015, điều này có ý nghĩa tích cực trong việc duy trì tăng trưởng tín dụng.
Còn với điều hành lãi suất trong năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, do áp lực mục tiêu tăng trưởng cao nên điều hành lãi suất phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm được mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, lãi suất vẫn là bài toán hóc búa nhất đối với NHNN trong năm 2017, trong bối cảnh phải kìm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nếu huy động vốn nhưng không có phương án tốt sẽ gây lạm phát.