Ngân hàng số không chỉ đơn thuần là internet hay mobile banking
Trước hết phải khẳng định ngân hàng số khác hoàn toàn với dịch vụ ngân hàng điện tử (e-Banking bao gồm các dịch vụ Interent Banking, SMS Banking, Mobile Banking) mà các ngân hàng đang cung cấp hiện nay cho khách hàng, mặc dù các thuật ngữ nghe có vẻ tương đồng nhau. Sự khác biệt cơ bản và rõ ràng nhất đó là digital banking là mô hình kinh doanh, trong khi đó e-banking là kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Ví dụ, khái niệm mobile banking là một dịch vụ ngân hàng trực tuyến được thiết kế đặc biệt cho di động để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới hơn. Thông tin hiển thị trên thiết bị di động được định dạng để phù hợp với kích thước màn hình nhỏ hơn. Dịch vụ này giúp khách hàng sử dụng một cách dễ dàng hầu hết các chức năng và dịch vụ của ngân hàng trực tuyến như xem số dư tài khoản, tra cứu các khoản giao dịch, thanh toán hóa đơn, chuyển khoản, tra cứu tỷ giá và lãi suất,...
Trong khi đó, khi nói đến “mô hình” trong khái niệm digital banking có nghĩa là nó ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc hệ thống của một ngân hàng, từ cơ cấu tổ chức đến quy trình sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ, vấn đề pháp lý, chứng từ và phương thức giao dịch với khách hàng.
Như vậy, dịch vụ ngân hàng điện tử chỉ là “một phần câu chuyện”, không làm ảnh hưởng toàn bộ cấu trúc của ngân hàng mà chỉ mang tính bổ sung thêm trên nền tảng hiện tại.
Ngân hàng số cần hơn một nền tảng công nghệ
Digital banking là mô hình hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ để trao đổi thông tin và thực hiện các giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng.
Quá trình này được diễn ra thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính thông qua môi trường mạng Internet, khách hàng không phải đến ngân hàng để thực hiện giao dịch và ngược lại phía ngân hàng cũng không phải gặp khách hàng để hoàn thiện các giao dịch (ký chứng từ, hoàn thiện hồ sơ…).
Công nghệ đang đe dọa trực tiếp tới mô hình ngân hàng kiểu cũ
Hành vi khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là thế hệ khách hàng trẻ, do vậy các ngân hàng muốn giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới không có cách nào khác là phải nhanh chóng số hóa các hoạt động ngân hàng hiện tại và tiến tới xây dựng mô hình kinh doanh số hoàn toàn mới nhằm phục vụ phân khúc khách hàng trẻ yêu công nghệ.
Khi triển khai số hóa, hoạt động hiện tại sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ, từ giải pháp công nghệ đến quy trình làm việc nội bộ và quy trình làm việc với khách hàng, kể cả các vấn đề cơ sở pháp lý và chứng từ giao dịch cũng cần phải thay đổi. Hay nói một cách khác là các ngân hàng phải tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống theo hướng phát triển thành những ngân hàng không hoặc ít nhất là ít giấy tờ.
Ngành thanh toán đang bị tấn công mạnh mẽ
Một trong những nguy cơ đối với các ngân hàng chính là sự cạnh tranh trực tiếp đến từ hãng công nghệ khi các hãng này có xu hướng tham gia rất đa dạng vào các hoạt động tài chính qua các nghiệp vụ như mua bán cổ phiếu, cho vay và thanh toán, ví dụ dịch vụ ví ảo, thanh toán của Google, Apple, Samsung, PayPal, Square hay Momo…
Các công ty Fintech đã nhanh chóng tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ khai thác từ các nguồn như mạng xã hội, di động với tính năng sáng tạo cao và từng bước xâm lấn lĩnh vực thanh toán mà trước đây là sân chơi duy nhất của ngành ngân hàng với những sản phẩm và tính năng ưu việt.
Rõ ràng công nghệ đang đe dọa trực tiếp tới mô hình ngân hàng kiểu cũ và mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các ngân hàng trong việc thích nghi với xu hướng phát triển của công nghệ số.
Phân khúc cho vay bán lẻ sẽ là mục tiêu tấn công tiếp theo
Trong lĩnh vực đầu tư và cho vay, một lượng lớn các công ty P2P lending (cho vay trực tiếp) đã xuất hiện. Nghiệp vụ cho vay P2P đáp ứng nhu cầu vay tiền của các cá nhân hoặc doanh nghiệp thông qua nền tảng công nghệ trực tuyến kết nối trực tiếp khách hàng có nhu cầu vay vốn với người có tiền cho vay mà không cần ngân hàng.
Công ty cho vay P2P cung cấp các dịch vụ này hoạt động hoàn toàn trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn nhờ chi phí thấp hơn và cung cấp các dịch vụ với giá rẻ hơn so với các tổ chức tài chính truyền thống.
Rồi đến các mô hình ngân hàng không chi nhánh
Tại Mỹ, từ nhiều năm trước đây đã xuất hiện những ngân hàng trực tiếp cung cấp các dịch vụ cho khách hàng thông qua hệ thống core-banking mà không cần đến hệ thông phân phối truyền thống. ING Direct là một ngân hàng điển hình thành công, không có hệ thống mạng lưới chi nhánh, không có lịch sử lâu đời, không có các tòa nhà cao tầng tráng lệ, nhưng ING Direct đã chiếm được cảm tình của các khách hàng với những gì ngân hàng này đã làm được.
ING Direct đã khiến nhiều nhà băng ngỡ ngàng khi họ rất thành công bằng việc đầu tư vào công nghệ, phát triển các sản phẩm eBank và hoàn toàn khác biệt với tất cả các ngân hàng trên thế giới.
Mệnh lệnh với các ngân hàng: Số hóa các hoạt động kinh doanh hiện tại
Các ngân hàng cần phải nhanh chóng số hóa các hoạt động hiện tại từ hệ thống thẩm định, phê duyệt, vận hành… và chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại nhằm tăng cường sự thuận tiện và trải nghiệm cho khách hàng trong một môi trường đa kênh được xây dựng kế thừa nền tảng sẵn có và tiết kiệm chi phí. Khi các hoạt động cung cấp dịch vụ được số hóa, hệ thống và nguồn lực được giải phóng để ngân hàng có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới hoặc tăng cường hoạt động kinh doanh hiện tại.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh cần nhiều thời gian và công sức và việc số hóa ngân hàng cũng tạo ra những thách thức như đòi hỏi phải thay đổi phương thức tư duy và tập quán kinh doanh của ngân hàng hiện tại.
Hướng tới xây dựng một mô hình kinh doanh số
Cuối cùng, tôi cho rằng, ngân hàng số phải là mô hình kinh doanh. Mô hình đó có thể sẽ bao gồm một hệ thống nền tảng và cho phép các ngân hàng, các công ty trong nhiều ngành khác nhau tham gia như các gian hàng cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các thành viên tham gia hệ thống. Có lẽ mô hình kinh doanh tương lai đó sẽ giống như mô hình kinh doanh của Uber hay Facebook khi mượn sức của các thành viên tham gia để cung cấp xe hay sản xuất nội dung cho mình.
Trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, chúng ta hãy tư duy lại mô hình kinh doanh của các công ty thẻ tín dụng như VISA hay Mastercard, khi các công ty thẻ này chỉ đóng vai trò trung gian, vận hành hệ thống và hưởng phí trong khi các ngân hàng, đại lý chấp nhận thẻ và người tiêu dùng mới là những người “lao động” thực sự cho họ.
Mô hình kinh doanh ngân hàng số tương lai sẽ có những nét giống như hệ thống trung gian của các tổ chức thanh toán và có khả năng mở rộng nhanh chóng và chỉ đóng vai trò làm cầu nối trung gian cho các bên và những người làm việc thực sự cho họ là chính khách hàng, ngân hàng và các công ty tham gia. Theo hướng tư duy đó, có lẽ các ngân hàng cần tìm kiếm một giải pháp kết hợp thay vì nỗ lực đi một mình…
Hợp tác với Fintech là một giải pháp đáng lưu tâm
Trong 5 năm trở lại đây, hệ sinh thái ngành ngân hàng, tài chính đã có nhiều thay đổi, trong đó phải kể đến là sự phát triển nhanh chóng của các công ty tài chính công nghệ (Fintech). Trước đây, các công ty Fintech luôn được coi là đối thủ cạnh tranh của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, xu hướng hiện nay là các ngân hàng đã có sự thay đổi về chiến lược khi coi các công ty Fintech trở thành đối tác hợp tác khi họ đã nhìn thấy những cơ hội chứ không chỉ là đối thủ như trước đây.
Trên thế giới, nhiều ngân hàng lớn đã bỏ ra những khoản đầu tư rất lớn để đầu tư vào chi phối hay nuôi dưỡng các dự án Fintech nhằm phục vụ cho mục đích số hóa của họ. Trước khi xuất hiện các công ty Fintech, các công ty Viễn thông (Telco) đã có những sản phẩm khai thác thị trường tài chính. Sự kết hợp của Fintech với ngân hàng có thể sẽ giúp lấp đầy những chỗ trống mà các Telco và ngân hàng vẫn chưa tiếp cận đến. Và để tiến nhanh trên con đường số hóa, có lẽ giải pháp hợp tác với công ty Fintech có lẽ là một giải pháp đáng được xem xét nghiêm túc.
Một đối tác có tư duy mới, nhạy bén với công nghệ với một đối tác có kinh nghiệm ngân hàng có lẽ sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày một tốt hơn.
Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tổ chức mà người viết đang công tác)