Ngân hàng ráo riết gia cố “lưới an toàn”

(ĐTCK) Trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm nay, hầu hết các nhà băng đều trình cổ đông kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ nhằm gia cố tấm “lưới an toàn” trong hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. 
Năm nay, các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền, mà bằng cổ phiếu để tăng vốn cũng như đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Năm nay, các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền, mà bằng cổ phiếu để tăng vốn cũng như đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, điều khiến cổ đông băn khoăn là hiệu quả sinh lời của đồng vốn tăng thêm trong bối cảnh thị trường khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Tăng vốn mạnh

Trong bối cảnh thị trường hiện tại, các ngân hàng khó phát hành thêm thêm cổ phiếu cho cổ đông, đồng thời năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền. Do đó, nhiều nhà băng mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, bởi đây là vấn đề cấp thiết đối với các nhà băng khi phải đáp ứng chuẩn Basel II và cao hơn nữa.

Tại phiên họp ÐHCÐ thường niên diễn ra ngày 15/6, LienVietPostBank (LPB) trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, kế hoạch tăng vốn được thực hiện thành 2 đợt. Ðợt 1, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, dự kiến hoàn thành trong năm 2020; đợt 2, Ngân hàng thực hiện tăng vốn thông qua phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chào bán không quá 4,99%.

Theo LPB, việc tăng vốn là cần thiết, giúp Ngân hàng tuân thủ các quy định chặt chẽ về chỉ số an toàn hoạt động của NHNN và tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn theo thông lệ của Basel II.

Ðồng thời, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, tạo nguồn lực phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả trong các năm tiếp theo.

Ngày 13/6, ÐHCÐ thường niên 2020 của HDBank đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Cổ đông HDBank được nhận 50% cổ tức bằng cổ phiếu; 15% cổ phiếu thưởng, tổng cộng tới 65%.

Với phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ phân phối là 100:50, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 50 cổ phiếu phát hành thêm.

HDBank dự kiến phát hành tổng cộng 482,96 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 4.830 tỷ đồng theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).

Ở phương án phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ phân phối là 100:15, nghĩa là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu thưởng.

Qua đó, HDBank dự kiến phát hành 144,89 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 1.449 tỷ đồng theo mệnh giá.

Nguồn thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng được lấy từ khoản mục lợi nhuận chưa phân phối tích lũy và thặng dư vốn cổ phần của HDBank trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán sau khi trích lập các quỹ. Vốn điều lệ HDBank sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn năm 2020 là hơn 16.088 tỷ đồng.

ÐHCÐ của SCB ngày 29/5 vừa qua đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên mức hơn 20.200 tỷ đồng trong năm 2020.

Theo đó, cổ đông SCB đã thông qua phương án tăng vốn bằng hình thức chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tương đương giá trị 5.000 tỷ đồng theo mệnh giá.

Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SCB sẽ tăng từ 15.232 tỷ đồng lên mức 20.232 tỷ đồng.

MB cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng phương thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%. Thời gian thực hiện tăng vốn dự kiến trong quý III đến quý IV/2020. Hiện tại, vốn điều lệ của MB là 23.370 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất kế hoạch phát hành nói trên, vốn điều lệ của MB tăng lên 27.988 tỷ đồng. MB còn có kế hoạch chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, hiện MB đang có hơn 25,6 triệu cổ phiếu quỹ và dự kiến chia toàn bộ số cổ phiếu này cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý IV/2020 đến hết quý I/2021.

Trong khi đó, các ngân hàng như Nam A Bank đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ mức hơn 3.000 tỷ đồng hiện nay lên 5.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông.

OCB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 7.899 tỷ đồng lên hơn 8.767 tỷ đồng vào giữa tháng 3/2020 sau khi cổ đông Ngân hàng thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn điều lệ cho Ngân hàng Aozora (Nhật Bản). OCB có kế hoạch chia cổ tức 2020 mức 25-27% bằng cổ phiếu.

Băn khoăn kế hoạch sử dụng vốn

HÐQT OCB cho biết, toàn bộ lượng vốn thu về sau tăng vốn sẽ được Ngân hàng bổ sung nguồn vốn kinh doanh đầu tư và cho vay.

Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài của OCB là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây. Theo OCB, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ do một quỹ của Vina Capital nắm giữ.

OCB sẽ tiến hành ÐHCÐ vào ngày 30/6 tới tại TP.HCM. Mục tiêu lợi nhuận 2020 được ngân hàng này đưa ra ở mức 4.400 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. OCB đặt mục tiêu quy mô tổng tài sản năm 2020 đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm trước.

Kết thúc quý I/2020, OCB đạt 1.107 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 25% chỉ tiêu năm. Ðồng thời, nợ xấu ở mức 1.299 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Tại ÐHCÐ thường niên 2020 vừa qua của SCB, không ít cổ đông lo lắng về hiệu quả sinh lời của đồng vốn tăng thêm khi năm nay Ngân hàng nâng vốn lên trên 20.000 tỷ đồng và bối cảnh dịch bệnh khiến tín dụng khó tăng.

Trả lời câu hỏi này của cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, tổng số tiền 5.000 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành được Ngân hàng dự kiến trích 4.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, chú trọng vào phát triển tín dụng, đặc biệt là tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tín dụng bán lẻ.

SCB cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư trái phiếu chính phủ để bổ sung tài sản thanh khoản nhằm củng cố và nâng cao tỷ lệ dự trữ thanh khoản; 500 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin, còn lại 500 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động, hệ thống nhận diện thương hiệu SCB.

Với tổng số tiền hơn 6.278 tỷ đồng thu được sau khi phát hành thêm cổ phiếu, HDBank dự kiến chi 1.000 tỷ đồng để đầu tư tài sản cố định phục vụ cho việc đầu tư trụ sở mở rộng mạng lưới hoạt động, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; đồng thời trích 3.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn. Phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động ngân hàng.

Năm 2020, HDBank muốn tăng tổng tài sản thêm 33% so với năm 2019, lên trên 305.000 tỷ đồng; huy động vốn (gồm cả huy động khách hàng và giấy tờ có giá) tăng 35%; dư nợ tín dụng tăng 16%, nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Ðồng thời, HDBank cũng dự tính đưa lợi nhuận trước thuế lên mức cao kỷ lục mới là 5.661 tỷ đồng, cao hơn 13% so với năm trước.

Mục tiêu lợi nhuận đưa ra trên 5.000 tỷ đồng năm nay, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HDBank là dựa trên chiến lược phát triển 5 năm của Ngân hàng với tỷ lệ ROE luôn đặt ra trên 20%.

Năm nay, tính cả ảnh hưởng của Covid-19 và hài hòa với năng lực tài chính và quản lý rủi ro của HDBank, HÐQT đã đưa ra kế hoạch tương đối cẩn trọng, HDBank vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng ROE trên 20%, tăng trưởng tổng tài sản trên 30%.

Lãnh đạo HDBank cho biết, Ngân hàng xác định rõ tăng trưởng tín dụng vào khu vực nào. Ðồng thời, tín dụng tăng trưởng theo chỉ định của NHNN.

Ðáng chú ý tại ÐHCÐ năm nay, HDBank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note bằng USD để huy động khoảng 1 tỷ USD và thời gian dự kiến phát hành là 2020-2024.

Theo HÐQT HDBank, trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Mỹ và niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

Trả lời thắc mắc cổ đông tại sao HDBank quyết định phát hành trái phiếu ở thị trường quốc tế, được lợi gì trong việc này, bà Thảo cho biết, với quy mô hiện tại của HDBank, việc gia nhập thị trường vốn quốc tế là điều tất yếu.

Ðây là thời điểm để Ngân hàng bổ sung nguồn vốn dài hạn với chi phí rẻ, bổ sung cho các dự án phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Còn việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, HDBank sẽ chỉ phát hành riêng lẻ cho các đối tác chiến lược có kế hoạch cụ thể, mang lại lợi ích tốt nhất cho Ngân hàng.

Năm nay, HDBank chuyển đổi Công ty Tài chính HD Saison sang mô hình cổ phần, IPO HD Saison, tìm kiếm đối tác chiến lược khi có điều kiện thuận lợi chuyển đổi thành vốn góp.

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, cần thiết phải tăng vốn trong năm nay nhằm đáp ứng yêu cầu của NHNN về nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, tạo nền tảng phát triển mạng lưới chi nhánh, mở rộng thị phần và quy mô kinh doanh.

Mặt khác, việc tăng vốn nhằm đảm bảo tuân thủ, đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro hoạt động theo chuẩn Basel II.

Chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bổ sung thêm vốn điều lệ để các ngân hàng gia cố “lưới an toàn” là rất cần thiết. Theo ông Hiếu, nếu tình trạng mỏng vốn tiếp diễn, ngân hàng rất dễ bị tổn thương và không thể hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục